Nga muốn dùng “quyền lực mềm” thâu tóm thị trường vũ khí Đông Nam Á?
Ghé thăm Aero India - triển lãm hàng không lớn nhất châu Á / Ngắm 'ông già' Tu-95 của Nga cất cánh trong nhiệm vụ mới
Quyền lực mềm của Nga
"Quyền lực cứng" của Nga là điều đã được biết tới rất rõ. Tổng thống Vladimir Putin đã thể hiện quyền lực này thông qua các hoạt động ở Ukraine và Syria. Nhắc đến “quyền lực cứng”, cũng không thể bỏ qua kho vũ khí hạt nhân của Nga. Trong thông điệp liên bang tháng 3/2018, Tổng thống Nga Putin đã lần đầu tiên chính thức tiết lộ về 6 loại vũ khí có khả năng vũ trang hạt nhân, đồng thời tuyên bố không nước nào trên thế giới có các vũ khí sở hữu được những tính năng kỹ chiến thuật tương tự.
Mới đây, báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) lại tiết lộ một khía cạnh khác về sức mạnh của Nga. Theo dữ liệu mới công bố của SIPRI, Nga là nhà cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự hàng đầu của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Giới phân tích cho rằng “quyền lực mềm” này không được thể hiện rõ nét như các động thái quân sự Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện nhằm bình ổn các khu vực xung đột, nhưng lại bộc lộ những tác đồng tiềm ẩn về mặt địa chính trị. Trong báo cáo tổng kết năm 2018, SIPRI cho biết, Nga đã vượt Anh trở thành nhà sản xuất vũ khí lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Các tập đoàn xuất khẩu vũ trang Nga chiếm khoảng 10% trong top 100 đơn vị bán vũ khí lớn nhất thế giới, đạt 38 tỷ USD năm 2018. Báo cáo cũng cho biết sự tăng trưởng hàng năm của Nga về doanh số bán vũ khí phần lớn được thúc đẩy bởi các nước Châu Á. Khu vực Nam và Đông Nam Á hiện chiếm hơn 60% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Nga.
Xu hướng lựa chọn vũ khí của Nga gia tăng đặc biệt sau khi Ấn Độ và Trung Quốc ký kết các hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga với giá trị lần lượt là 5,5 tỷ USD và 3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bài phân tích đăng tải trên trang web của Viện nghiên cứu Lowy, nhà phân tích Matt Bartlett cho rằng, trên thực tế, lượng vũ khí mà các nước Đông Nam Á mua của Nga còn lớn hơn sức mua của cả Trung Quốc và Ấn Độ gộp lại. Chẳng hạn như Indonesia đang đàm phán để mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 do Nga sản xuất. Philippines, đồng minh của Mỹ, đã tiếp cận các loại vũ khí hạng nặng của Nga, cũng như nhận nhiều vũ khí và phương tiện khác do Moscow tài trợ.
Sở dĩ các nước Đông Nam Á tăng cường đầu tư mua khí tài quân sự là bởi lo ngại những bất ổn về an ninh trong khu vực. Một mặt Đông Nam Á vẫn đang tìm cách đối phó với hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông. Mặt khác khu vực này cũng đang phải đối mặt với nguy cơ phiến quân và khủng bố tăng cường các vụ tấn công nhằm vào dân thường và lực lượng an ninh.
Mạng lưới hợp đồng mua bán vũ khí ngày càng phát triển đã giúp củng cố “quyền lực mềm” của Nga bằng cách đưa các nước Châu Á vào tầm ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần mở rộng quan hệ quân sự giữa Moscow với các nước trong khu vực. Nga không chỉ tham gia tập trận chung với đối tác an ninh mua vũ khí tại Đông Nam Á mà còn cử các chuyên gia cao cấp huấn luyện quân đội nước sở tại cách thức sử dụng vũ khí.
Lợi thế cạnh tranh chính của Nga là chất lượng vũ khí cao với giá cả phù hợp. Chẳng hạn, chiếc Sukhoi Su-30 - máy bay tiêm kích ném bom thế hệ thứ 4 có sức mạnh thứ 2 thế giới của Nga, chỉ có giá 65 triệu USD trong khi máy bay chiến đấu đa năng Dassault Rafale của Pháp có giá xấp xỉ 244 triệu USD. Ngoài yếu tố giá cả, các loại vũ khí Nga còn được kiểm chứng khả năng thực chiến. Trong bối cảnh nhiều quốc gia Đông Nam Á còn eo hẹp về kinh phí dành cho quốc phòng thì việc mua vũ khí của Nga được xem là lựa chọn tốt hơn cả.
Hệ lụy
Tuy vậy, sự vượt trội về ưu thế của vũ khí Nga tại Châu Á cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Các chuyên gia nhận xét, Đông Nam Á lâu nay đã trở thành “điểm nóng” của tội phạm buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có hơn 1,1 triệu khẩu súng chưa được đăng ký tại Philippines và mỗi ngày có khoảng 26 người thiệt mạng do các loại vũ khí nhỏ. Hiện, rất khó xác định chính xác số lượng vũ khí của Nga trong các thương vụ phi pháp này bởi nhiều quốc gia vẫn còn yếu trong việc kiểm soát lượng vũ khí nhập khẩu từ nước ngoài. Một số người thậm chí còn lo ngại rằng các tổ chức khủng bố như IS có thể đã tiếp nhận vũ khí bất hợp pháp thông qua “vựa buôn lậu” tại Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia.
Dù không thể phủ nhận được rằng, sự trỗi dậy của Nga với vai trò là nhà cung cấp vũ khí lớn đã tạo ra những tác động tiềm ẩn về mặt địa chính trị ở Châu Á, nhưng nó cũng mang lại nhiều lợi ích cho các nước trong khu vực. Động lực để Nga tăng cường xuất khẩu vũ khí tại Nam và Đông Nam Á nằm ở tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này. Một khi căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp tại Biển Đông chưa hạ nhiệt thì sẽ còn nhiều quốc gia “xếp hàng” mua vũ khí của Nga. Mỗi hợp đồng mua vũ khí cũng giúp củng cố quan hệ giữa Moscow với các đối tác. Nhà nghiên cứu Matt Bartlett cho rằng, xuất khẩu vũ khí để xây dựng “quền lực mềm” đang trở thành “mỏ vàng chiến lược” của Nga.
End of content
Không có tin nào tiếp theo