Quốc tế

Nga trang bị ‘tận răng’ như thế nào ở Bắc Cực?

Nga được bảo vệ hoàn toàn bởi các hệ thống phòng không hiện đại khỏi các cuộc không kích chiến lược của Mỹ ở Bắc Cực, nhưng vẫn cần tăng cường lực lượng do hoạt động gia tăng của các nước NATO ở Bắc Cực.

Nga cấp tốc tăng viện Pantsir-S1 cho Libya trong tình hình nóng? / Tu-22M3 Nga 'tàng hình' khi đến Al-Jufra, Libya?

Nhận định trên của chuyên gia quân sự, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Nga, ông Igor Korotchenko chia sẻ với hãng tin RIA.

Trước đó, bình luận về các chuyến bay thường xuyên của Không quân Mỹ ở Bắc Cực trên tờ Izvestia, chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurygin nói rằng, Mỹ đang thực hành tấn công Nga chính xác ở khoảng cách ngắn nhất giữa các quốc gia qua Bắc Cực.

“Về vấn đề này, Nga đã và đang thực hiện các biện pháp, đặc biệt là trong những năm gần đây, để tăng cường nhóm các lực lượng và phương tiện phòng không của Hạm đội phương Bắc”, chuyên gia Korotchenko nói.

Theo ông Korotchenko, các sư đoàn thuộc Hạm đội phương Bắc với hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-300 hiện đại hóa, đã được triển khai trên Novaya Zemlya, Tiksi và các vùng lãnh thổ xa xôi khác ở Bắc Cực.

Nga trang bị ‘tận răng’ như thế nào ở Bắc Cực?
Tàu phá băng hạt nhân Yamal của Nga. (Ảnh: RIA)

Cũng theo ông Korotchenko, Hạm đội phương Bắc trong những năm gần đây đã tích cực triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2DT, với một nhóm chính được triển khai trên bán đảo Kola.

Ông Korotchenko nói thêm, vào cuối năm 2019, một hợp đồng trị giá 100 tỉ ruble đã được ký kết cho đến năm 2027 với việc ưu tiên chuyển các khu phức hợp Tor đến khu vực Bắc Cực.

Ngoài ra, ở biên giới Bắc Cực của Nga còn có các trạm radar mới, ví dụ hệ thống radar “mắt thần” Nebo-M (Sky-M), có khả năng phát hiện bất kỳ mục tiêu trên không nào trong phạm vi hàng trăm km mà còn phát hiện máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh.

Hệ thống radar Sky-M mới có thể phát hiện máy bay và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách gần 1.000 km và phát hiện mục tiêu bay siêu âm ở khoảng cách 600 km, khoảng cách phát hiện này gấp đôi so với radar thế hệ trước. Ngoài ra, radar này cũng có thể phát hiện các mục tiêu tàng hình trên không trong điều kiện nhiễu mạnh.

“Ở Bắc Cực, chúng tôi được bảo vệ hoàn toàn, nhưng việc tập hợp lực lượng và phương tiện cần phải được tăng cường, bởi vì chúng tôi nhận thấy một hoạt động đặc biệt của các nước NATO trong khu vực”, chuyên gia Korotchenko nhấn mạnh.

 

Theo ông Korotchenko, các kế hoạch của Nga về phát triển Bắc Cực và tuyến đường biển phía Bắc gây ra sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ các đồng minh, do đó, các phương án phòng thủ trên không ở Bắc Cực với Nga sẽ được cải thiện để tăng khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng tại đây.

“Kế hoạch này nhằm cung cấp cho tất cả sư đoàn đóng tại Bắc Cực những tổ hợp như vậy trong những năm tới và một mái vòm phòng không hiệu quả sẽ được hình thành trên vùng lãnh thổ của Nga ở Bắc Cực. Điều này có nghĩa Bắc Cực sẽ được bảo vệ khỏi bất kỳ kiểu tấn công trên không nào của kẻ thù, cho dù là từ máy bay, tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình”, Phó Đô đốc Hải quân Nga Alexei Moiseyev nói về thông tin Nga đang có kế hoạch lập một “mái vòm” phòng không ở Bắc Cực bằng cách trang bị các khẩu đội tên lửa S-400 cho mọi sư đoàn đang đóng tại đó của Hạm đội phương Bắc.

Gần đây, một số nước khác cũng đang chạy đua để gia tăng hiện diện tại Bắc Cực, dẫn đến nỗi lo về sự cạnh tranh địa chính trị ngày một gay gắt ở đó. Về phía mình, Mỹ liên tiếp cáo buộc Nga có hành vi “hung hăng” tại vùng Bắc Cực trong lúc khẳng định phải theo dõi sát sao những hành động của Trung Quốc ở khu vực này. Phương Tây cũng cho rằng Moscow muốn tìm kiếm sự thống trị tại Bắc Cực, khu vực có nhiều tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác.

Trước đó, theo kế hoạch đến năm 2035 được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố, ước tính hạm đội tàu phá băng của nước này sẽ đạt tới con số 13 tàu, trong đó 9 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và có cả những tàu mang vũ khí tấn công tầm xa. Những con tàu này khi chính thức hoạt động sẽ dần hoàn thiện chiến lược con đường Biển Bắc của Nga.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm