Quốc tế

Nga tuyên bố UAV cảm tử Lancet có thể chống lại vũ khí laser, chuyên gia nói gì?

Nga ngày 3/11 cho biết, máy bay không người lái cảm tử Lancet của nước này đã được tích hợp công nghệ chống vũ khí laser đầu tiên, giúp nó có thể "miễn nhiễm" với nhiều hệ thống chống máy bay không người lái.

Ukraine tiết lộ UAV "cá mập" / Sức mạnh tên lửa diệt hạm Kh-32 Nga dùng tấn công mục tiêu mặt đất ở Ukraine

Lợi thế của UAV cảm tử Lancet

Các loại UAV như Lancet hay KYB do công ty Zala của Nga sản xuất đã đạt được thành công đáng kể trên chiến trường. Nga đã công bố nhiều video cho thấy Lancet tấn công pháo binh, xe tăng, xe bọc thép hạng nhẹ, nơi tập trung binh sỹ và nhiều tòa nhà của Ukraine.

nga tuyen bo uav cam tu lancet co the chong lai vu khi laser, chuyen gia noi gi hinh anh 1
UAV Lancet của quân đội Nga. Ảnh: Defense Express

UAV Lancet do công ty Zala phối hợp với tập đoàn Kalashnikov phát triển. Đây là loại máy bay không người lái nhỏ có trọng lượng cất cánh tối đa 12kg, mang đầu đạn nặng 3kg, sử dụng ngòi nổ tiếp xúc. Thời gian hoạt động trên không của chiếc UAV này lên tới 40 phút với tốc độ tối đa 110 km/h. Nếu thế hệ trước của Lancet – UAV “Kub” tấn công mục tiêu theo các tọa độ cụ thể, thì Lancet không cần thiết bị định vị vệ tinh trong khi vẫn giữ được độ chính xác cao.

Lancet được phóng thông qua hệ thống phóng gắn trên ray, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 40 km. Trong trạng thái chiến đấu, nó có thể trang bị đầu đạn nổ mạnh HE. UAV Lancet được thiết kế với 2 bộ cánh hình chữ X cho phép nó duy trì chỉ số lực nâng cần thiết và gấp gọn để đặt trong thùng chứa.

Là UAV được điều khiển từ xa, Lancet được trang bị hệ thống quang điện tử cung cấp khả năng quan sát, theo dõi và dẫn đường chính xác tới mục tiêu. Ngoài ra, máy bay không người lái này cũng được lắp đặt kênh liên lạc, truyền hình ảnh về mục tiêu và cho phép xác nhận mục tiêu đã bị tiêu diệt.

UAV Lancet hiện đang hoạt động cùng với tất cả các đơn vị Nga ở miền Đông và miền Nam Ukraine, để phòng thủ trước các cuộc phản công của đối phương và củng cố lực lượng tại những khu vực do Nga kiểm soát.

Các nhà phát triển cho biết UAV này có nhiều lợi thế hơn so với các loại vũ khí khác. Trước hết nó có thể hoạt động “lảng vảng” trên không và tấn công mục tiêu bất kể thời gian nào. Thứ hai, do có kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ và được làm từ vật liệu composite nên nó có thể dễ dàng qua mắt radar của hệ thống phòng không. Sự kết hợp giữa UAV Lancet và UAV Geran - 2 (được cho là có nguồn gốc từ UAV Sahed-136 của Iran) sẽ giúp Nga gia tăng lợi thế trên chiến trường.

Trước đó hôm 12/10, Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 2 UAV Lancet và nhiều UAV cảm tử Shahed-136 xuất xứ từ Iran, song thừa nhận việc Nga áp dụng chiến thuật triển khai máy bay không người lái theo kiểu “bầy đàn” đang gây ra nhiều thách thức với các lực lượng nước này.

Trong các cuộc họp cấp cao được tổ chức ngay sau khi Nga tiến hành hàng loạt cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng, Mỹ và các đồng minh cần phải nhanh chóng cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không để nước này có thể báo vệ không phận.

Tuy vậy, một số hệ thống phòng không tiên tiến như IRIS-T do Đức cung cấp, hay những hệ thống phòng không S-300, Buk và Osa của Ukraine có từ thời Liên Xô không đủ khả năng đối phó với UAV cảm tử của Nga.

Thời gian gần đây, Mỹ cho biết đã gửi lô Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) đầu tiên tới Ukraine. Nhưng vẫn chưa rõ hiệu quả của hệ thống này trên chiến trường.

Kể từ khi xung đột nổ ra, Nga được cho là triển khai khá hạn chế lực lượng không quân. Thay vào đó, nước này hầu như dựa vào các hoạt động trên mặt đất, triển khai ồ ạt pháo binh và tên lửa để áp đảo đối phương, thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa và tiến hành những hoạt động đặc biệt phía sau phòng tuyến của Ukraine.

Chuyên gia nói gì?

Tập đoàn Rostec – công ty chủ quản của các nhà sản xuất vũ khí và các công ty xuất khẩu vũ khí của Nga nói rằng, UAV Lancet có khả năng chống lại vũ khí laser.

“Máy bay không người lái cảm tử Lancet của Nga được tích hợp tính năng bảo vệ chống tia laser. Do đó, ngay cả những vũ khí laser mới nhất cũng gần như không thể đánh chặn và tiêu diệt nó”, tuyên bố của Rostec nêu rõ.

Chuyên gia Miguel Miranda – người sáng lập trang “Cuộc chạy đua vũ khí châu Á thế kỷ 21” cho rằng, Rostec nhiều khả năng đề cập đến vật liệu chế tạo UAV này.

“Những vật liệu này có thể chống lại các chùm tia laser năng lượng cao. Nói cách khác nguyên lý hoạt động của vũ khí laser là tạo ra những chùm tia laser có năng lượng và nhiệt độ cao, tạo ra các vết cháy xuyên qua bề mặt (vật liệu) của mục tiêu, phá vỡ chuyến bay, vô hiệu hoá các đầu đạn, đốt cháy nhiên liệu hay vật liệu nổ. Chúng cũng có khả năng đốt nóng các mạch điện tử quan trọng trong tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu, thậm chí máy bay không người lái”.

Cựu phi công lái máy bay chiến đấu thuộc Không quân Ấn Độ Rajiv Tyagi cũng chỉ ra rằng, lớp bảo vệ UAV tránh tác động của tia laser có thể là vật liệu chế tạo máy bay.

Ông David Shank, nhà tư vấn phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp nói rằng, các hệ thống chống máy bay không người lái truyền thống, chẳn hạn như đạn pháo và tên lửa, từ trước đến nay vẫn dựa vào việc xác định hướng bay của UAV. Chúng được xếp vào danh mục vũ khí động học.

“Ngoài ra còn các vũ khí phi động học như tần số vô tuyến (RF) và thiết bị gây nhiễu GPS cũng có khả năng đối phó UAV”. Chuyên gia David Shank cho biết, các loại vũ khí laser thường khóa mục tiêu và đốt nóng đến mức mục tiêu bị vô hiệu hóa, không còn khả năng bay.

Cựu phi công Vijainder K Thakur của Ấn Độ cho rằng, vũ khí viba (microwave weapons) và vũ khí laser rất phổ biến, do đó, việc tạo ra một lớp bảo vệ cho UAV để đối phó với các loại vũ khí này đang trở thành nhu cầu cấp thiết của các nhà sản xuất máy bay không người lái.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm