Nga - Ukraine “khẩu chiến” về sắc lệnh hộ chiếu của Tổng thống Putin
Giải mã máy bay truyền tin cực độc Mỹ dùng trong CTVN / Vì sao hệ thống phòng không S-400 không tương thích với vũ khí NATO?
Chính quyền Ukraine ngày 25/4 đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cho phép người dân ở khu vực Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine có thể xin cấp hộ chiếu và dễ dàng trở thành công dân Nga.
Theo sắc lệnh mới, các công dân ở Donetsk và Lugansk muốn trở thành công dân của Nga chỉ cần nộp một số thủ tục và đơn xin cấp hộ chiếu sẽ được giải quyết trong vòng 3 tháng.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Volodymyr Yelchenko liên tục cáo buộc Nga “xâm chiếm” và “từ từ sáp nhập” hai khu vực Donetsk và Lugansk. Đại sứ Yelchenko cũng “tố” Nga “cưỡng ép” người dân ở đông Ukraine xin hộ chiếu Nga, đồng thời sử dụng sắc lệnh hộ chiếu để khiến việc thực thi thỏa thuận Minsk trở nên bất khả thi.
Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp bảo trợ hồi năm 2015 với mục đích thiết lập một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, thỏa thuận này liên tục đình trệ khi các bên cáo buộc nhau không thực hiện các cam kết nêu ra trong thỏa thuận.
Đại sứ Yelchenko nhận định rằng lý do thực sự cho sắc lệnh hộ chiếu của Tổng thống Putin là bởi “Nga không thể tiếp tục che giấu sự hiện diện thường trực của quân đội nước này” tại đông Ukraine. Ông Yelchenko gọi đây là “nỗ lực ngầm” của Nga nhằm “chia tách đất nước Ukraine”.
Đại sứ Yelchenko khẳng định sắc lệnh hộ chiếu của Tổng thống Putin là “bất hợp pháp” và kêu gọi “hành động thực sự”, bất chấp việc Nga có quyền phủ quyết bất kỳ dự thảo nghị quyết nào tại Hội đồng Bảo an.
“Tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra, lên án kịch liệt hành động bất hợp pháp và phá hoại của chính quyền Nga, đồng thời khôi phục việc tôn trọng hiến chương Liên Hợp Quốc”, ông Yelchenko nhấn mạnh.
Phản ứng của Nga
Đáp lại cáo buộc của Ukraine, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia chỉ ra rằng Ukraine không thực hiện bất kỳ động thái nào để thực thi các điều khoản của thỏa thuận Minsk, không mở hành lang an toàn cho việc tiếp cận và phân phối hàng viện trợ nhân đạo, không khôi phục sự kết nối về kinh tế và xã hội giữa hai vùng Donetsk và Lugansk với các khu vực còn lại của Ukraine.
Theo Đại sứ Nebenzia, thay vì thực hiện những điều trên, điều kiện sống của người dân ở Donetsk và Lugansk ngày càng trở nên khó khăn khi Ukraine phong tỏa hoàn toàn hai khu vực này, thậm chí “đặt ngoài vòng pháp luật” gần 4 triệu dân.
Theo hãng tin RT (Nga), từ tháng 4/2014 - 4/2019, Nga đã tiếp nhận 925.548 người dân từ Donetsk và Lugansk. Tổng cộng có khoảng 2,3 triệu người Ukraine đang sống ở Nga.
“Không ai ép buộc những người này phải xin hộ chiếu Nga. Chúng tôi không ép họ phải trở thành công dân Nga… Nga không áp đặt quyền công dân Nga đối với người dân vùng Donbass, mà mở ra cho họ cơ hội để tự do xin cấp hộ chiếu”, Đại sứ Nebenzia cho biết.
Theo nhà ngoại giao Nga, Kiev không đảm bảo bất kỳ quyền lợi nào cho những người mà họ coi là công dân Ukraine. Theo đó, Đại sứ Nebenzia cho rằng người dân ở Donestsk và Luhansk phải nắm bắt cơ hội để nhận được sự quan tâm và bảo vệ của một nhà nước.
Liên quan tới cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine, đại diện của Mỹ nói rằng việc Nga quyết định mở cửa cho công dân Ukraine xin trở thành công dân Nga ngay sau khi Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống là “không thể chấp nhận được”. Washington cũng cáo buộc Moscow “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc xung đột tại đông Ukraine.
Đại sứ Pháp Francois Delattre cũng lên tiếng chỉ trích Nga, cho rằng “giải pháp cho cuộc khủng hoảng không phải là trao hộ chiếu của Nga cho người dân Ukraine” mà là tôn trọng cam kết chấm dứt xung đột.
End of content
Không có tin nào tiếp theo