Nga "xé toạc" bầu trời Kharkov bằng bom lượn, Ukraine khó đối phó
ISW đánh giá Nga đã vội vàng khi mở đợt tiến công mới vào Kharkov / Nga tiến công mạnh dọc tiền tuyến Ukraine, thúc đẩy kế hoạch giành trọn Donbass
Nga đã sử dụng những bom quả lượn nặng 1,5 tấn phóng vào không phận Ukraine để tiếp tục kế hoạch giành quyền kiểm soát Kharkov - thành phố lớn thứ hai của nước này. Theo Tổng thống Zelensky, loại vũ khí hạng nặng có từ thời Liên Xô này đang trở thành công cụ tấn công chủ lực của quân đội Moscow trong thời điểm căng thẳng của chiến sự, khiến Ukraine phải oằn mình chống đỡ những màn mưa bom xé toạc bầu trời và dội xuống từ độ cao hàng nghìn km.
Nga đã tận dụng kho dự trữ từ thời Liên Xô để thổi "sức sống mới" cho những quả bom FAB-500 và FAB-1500. Bom lượn là phiên bản nâng cấp từ "bom câm" kiểu cũ, được trang bị thêm bộ cánh và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh (GPS) mới nhất. Thay vì được thả từ trên cao xuống, đôi cánh trợ lực cho phép những quả bom lượn trong không gian từ 50 đến 70 km với tốc độ cao và tiếp cận mục tiêu từ khoảng cách xa. Những quả bom này cũng mang theo chất nổ nặng tới 500 kg, có khả năng để lại những miệng hố rộng khoảng 20m và sâu 6m ngay khi chạm đất.
Bom lượn của Nga. Ảnh: Getty.
Mặc dù tầm ngắm của bom lượn không thể so sánh với tên lửa hành trình, nhưng chúng lại có giá thành rẻ hơn nhiều, khoảng tầm 20.000 đến 30.000 USD. Điều này có thể giải quyết vấn đề tài chính cho Nga trong bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn chưa nhìn thấy điểm dừng.
Ông Malcolm Davis, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Australia, cho biết Nga đang sử dụng những vũ khí này cho hai mục đích chính, tấn công từ trên không và hỗ trợ lực lượng mặt đất. 3.200 quả bom dẫn đường đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu Ukraine chỉ trong tháng 4, ông Davis cho biết.
Bom lượn từng giúp Nga giành được thành phố chiến lược Avdiivka và có vẻ như chúng vẫn phát huy hiệu quả tại chiến trường Kharkov. Quân đội Ukraine gọi những quả bom này là "siêu vũ khí", cho rằng chúng có thể quét sạch toàn bộ đường phố chỉ trong một lần tấn công.
Theo giới chức Kharkov, trong cuối tuần qua, cứ 10 đến 20 phút lại có một quả bom lượn bay về phía thành phố. Hai quả bom lượn đã được sử dụng trong vụ tấn công vào một cửa hàng đồ kim khí tại thành phố Kharkov vào thời điểm này, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Tại sao Ukraine khó có thể ngăn chặn bom lượn?
Bom lượn không đặc biệt phức tạp và cũng không còn xa lạ trên chiến trường. Chuyên gia vũ khí Marcus Hellyer từ Cơ quan phân tích chiến lược Australia cho biết chúng là vũ khí tiêu chuẩn mà nhiều nước đều có nguồn dự trữ riêng. Ngay cả Ukraine cũng sở hữu nhiều phiên bản bom lượn từ các đồng minh phương Tây, bao gồm Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) được Mỹ viện trợ và bom GLSDB tầm xa mới.
Tuy nhiên, điều khiến bom lượn của Nga trở nên đặc biệt hiệu quả là nhờ vào vị trí phóng và chính sách sử dụng vũ khí của Mỹ áp dụng lên những lô hàng viện trợ gửi tới Ukraine.
Thành phố Kharkov nằm cách biên giới Nga-Ukraine 40 km nên bom lượn có thể được sử dụng mà không cần máy bay Moscow rời khỏi không phận. Theo ông Hellyer, nhờ sở hữu đội bay hùng hậu, quân đội Nga có thể điều khiển máy bay không người lái ném bom từ xa mà không cần trực tiếp tham gia tại tiền tuyến. Ngoài ra, Mỹ đã áp đặt các hạn chế đối với Ukraine khi sử dụng vũ khí bên trong lãnh thổ Nga nhằm tránh leo thang xung đột và mở màn một cuộc tấn công toàn diện vào Moscow, khiến quân đội Kiev khó lòng triệt hạ những điểm phóng bom không thuộc địa phận nước này.
“Ukraine đang chiến đấu với một tay bị trói sau lưng", ông Hellyer nói.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cảnh báo rằng chính sách hạn chế sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công lãnh thổ Nga đang "làm tổn hại nghiêm trọng đến khả năng tự vệ của Ukraine". Kể từ ngày 10/5, lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát một số ngôi làng gần biên giới và tiến dần vào thị trấn Vovchansk.
"Ukraine sẽ không thể bảo vệ lãnh thổ của mình nếu không ngăn chặn được mối đe dọa từ bom lượn”, chuyên gia quân sự George Barros của ISW cho biết.
Trong chuyến thăm Ukraine hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận nước này đang phải đối mặt với một "thời điểm đầy thử thách", khi các cuộc tấn công của Nga ngày càng trở nên dữ dội. Quân đội Moscow đã tấn công khu vực Donetsk ở miền đông Ukraine sau khi giành được thành phố Avdiivka hồi đầu năm, đồng thời giành quyền kiểm soát một số lãnh thổ ở Kharkov trong hai tuần qua.
Hiện nay, một trong những phương pháp để đánh chặn bom lượn là làm suy giảm tín hiệu GPS bằng tác chiến điện tử, khiến quả bom trượt mục tiêu. Tuy nhiên, điều này cũng gặp khó khăn khi năng lực tác chiến điện tử của Ukraine cũng còn hạn chế hơn nhiều so với Nga.
Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot. Ảnh: Getty.
Giải pháp tốt nhất cho vấn đề nan giải này vẫn là tiêu diệt máy bay mang bom lượn trước khi chúng kịp thả bom. Nhiệm vụ này có thể được thực hiện với các hệ thống phòng không tầm xa, như hệ thống tên lửa đất đối không Patriot, hệ thống phòng không SAMP-T hay máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên, dự luật viện trợ quân sự trị giá 61 triệu USD của Mỹ và gói bổ sung trị giá 275 triệu USD được công bố hôm 24/5 không bao gồm hệ thống phòng không như những gì mà Tổng thống Ukraine yêu cầu. Trước đó, ông Zelensky nói rằng Kiev cần 25 hệ thống Patriot hoặc các khí tài tương đương để bảo vệ bầu trời Ukraine.
Tiến sĩ Hellyer cho rằng "kỳ tích rất khó có thể xảy đến với Ukraine" trong bối cảnh hiện nay, khi Ukraine đang thiếu các hệ thống phòng không và Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ các hạn chế đối với quân đội Kiev về phạm vi sử dụng vũ khí.
"Ukraine cần phải đưa các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ lên không trung càng sớm càng tốt và có thể tấn công những địa điểm phóng bom lượn nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến tình hình trên thực địa trong vài tháng tới ", chuyên gia Davis nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhiệm kỳ lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump đánh dấu kỷ nguyên mới cho tiền điện tử
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?