Nghịch lý "tiêu chuẩn kép" trong phi hạt nhân hóa của Mỹ
Trong khi Tổng thống Donald Trump hết lời kêu gọi thúc đẩy phi hạt nhân hóa toàn cầu, thì một báo cáo mới đây cho thấy, chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng phát triển tên lửa có tổng giá trị không dưới 1 tỷ USD.
Hé lộ kho vũ khí “độc nhất vô nhị” của nước Nga / Ông Putin: Nga phải sở hữu lá chắn vũ khí siêu thanh đầu tiên
Theo báo cáo do Tổ chức Chiến dịch quốc tế về loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và một nhóm vận động chống hạt nhân khác có tên Chương trình Giải giáp vũ khí hạt nhân PAX thực hiện, các hợp đồng tên lửa mới trị giá gần 1,1 tỷ USD này được ký với 6 công ty Mỹ. Trong số đó, nhà thầu quốc phòng Raytheon thu về nhiều nhất với 44 hợp đồng mới trị giá 537 triệu USD. Tiếp đó là Lockheed Martin với 36 hợp đồng mới trị giá 268 triệu USD, và Boeing với 4 hợp đồng trị giá 245 triệu USD...
Hiện chưa rõ, liệu toàn bộ các hợp đồng mới được ký trong giai đoạn từ ngày 22-10-2018 đến 21-1-2019 này có nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân hay không. Tuy nhiên, ICAN cảnh báo số liệu trên rõ ràng cho thấy một cơn sốt mới trong việc sản xuất thêm các tên lửa, làm lợi cho một số công ty Mỹ và có thể sẽ khiến thị trường ngập tràn các loại tên lửa với nhiều tầm bắn khác nhau, gây nguy hiểm đối với an ninh và ổn định toàn cầu. Bà Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành ICAN, thậm chí còn cảnh báo việc Mỹ rút khỏi INF đã bắn phát súng khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Tên lửa Trident II D5 của Mỹ trong một đợt phóng thử nghiệm. Ảnh: U.S. Navy. |
Thực tế INF đóng vai trò rất quan trọng đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí quốc tế. Hiệp ước được Nga và Mỹ ký năm 1987 được ví như chiếc “dây neo”, kiềm chế cả Moscow và Washington vượt qua “lằn ranh đỏ” bằng những cam kết không theo đuổi việc sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 đến 5.500km). Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, Mỹ đã quyết định xé bỏ hiệp ước này và khởi động tiến trình rời INF trong vòng 6 tháng.
Bước đi của Mỹ không quá bất ngờ bởi từ lâu nước này đã cảm thấy bị bó buộc bởi các điều khoản của INF. Giới chức chính quyền Mỹ tin rằng, INF đang đặt Mỹ ở thế bất lợi hơn vì Trung Quốc không tham gia vào cam kết cắt giảm tên lửa hạt nhân tầm trung ở Thái Bình Dương, trong khi các điều khoản của INF không cho phép Mỹ phát triển vũ khí mới. Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF sẽ giúp Washington rảnh tay để nghiên cứu sản xuất các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung và triển khai ở các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp thế giới. Quan trọng hơn, điều này giúp Washington tránh được những lo ngại về việc “tụt hậu” so với Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh phát triển hệ thống quân sự nhằm kiểm soát các vùng biển và vùng trời ở Tây Thái Bình Dương, vốn đang gia tăng những hành vi “thiếu thân thiện” trong những năm gần đây.
Được biết, chỉ một tháng sau khi Mỹ bắt đầu tiến trình rút khỏi INF, Lầu Năm Góc đã công bố bản yêu cầu ngân sách cho tài khóa 2020, trong đó có một số chương trình phát triển tên lửa với nhiều loại từng bị cấm bởi INF trước đây.
Các nhà phân tích về vấn đề kiểm soát vũ khí nhận định rằng động thái của Mỹ có thể tạo ra “một cuộc chạy đua phát triển tên lửa” mới. Báo cáo của ICAN và PAX đã chứng minh nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, chính phủ nhiều quốc gia đã sử dụng điều này như cái cớ để đẩy mạnh sản xuất, phát triển và tích trữ vũ khí hạt nhân, theo đó giá trị hợp đồng ký kết với các công ty tư nhân tại Pháp, Ấn Độ, Italy, Hà Lan, Anh và Mỹ trong lĩnh vực này đã lên tới 116 tỷ USD. Theo AFP, một số hợp đồng đề cập trong báo cáo của ICAN và PAX được ký năm 2015 và dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có một số hợp đồng thời hạn dài hơn. Đáng chú ý, trong đó có một hợp đồng sản xuất bộ phận quan trọng để phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ cho đến ít nhất là năm 2075.
Giám đốc PAX Susi Snyder, người đứng đầu nhóm phát triển báo cáo cho rằng, mặc dù Tổng thống Donald Trump kêu gọi thúc đẩy phi hạt nhân hóa toàn cầu, nhưng chính Mỹ và các đồng minh trang bị hạt nhân của Washington lại đang làm điều ngược lại. Theo bà Susi Snyder, Mỹ và các nước khác đang lên kế hoạch cho một thế kỷ vũ trang hạt nhân, với các hợp đồng vũ khí có thời hạn ít nhất là nửa thế kỷ tới, bất chấp những kêu gọi đảo ngược tiến trình này từ cả trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh chính quyền Washington không ngại ngần rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế nhằm theo đuổi mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, động thái trên sẽ phần nào làm gia tăng mối hoài nghi về vai trò dẫn dắt cùng như những cam kết của Mỹ trong các vấn đề an ninh toàn cầu, trong đó bao gồm cả quyết tâm hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân mà xứ Cờ hoa từng nhiều lần khẳng định.
Theo Quân đội nhân dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo