Quốc tế

Ngừng bắn, chưa ngừng bất đồng

Dưới sự trung gian của Ai Cập, Israel và các nhóm vũ trang Palestine tại dải Gaza, trong đó có phong trào Hồi giáo Hamas, đã đạt một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt tình trạng leo thang căng thẳng tồi tệ nhất tại đây kể từ năm 2014.

Thủ tướng Israel kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng / Nga khánh thành tuyến đường dẫn khí đốt dưới biển

Thỏa thuận này đã “tháo ngòi” căng thẳng giữa Israel với Hamas đang đẩy vùng đất ven biển của Palestine tới bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Quốc phòng Israel A.Lieberman tuyên bố từ chức ngay sau lệnh ngừng bắn đã bộc lộ những bất đồng trong nội bộ chính quyền Israel về vấn đề Gaza.

Nấc thang căng thẳng giữa Israel và phong trào Hamas ở Gaza đã bị đẩy lên cao sau khi các máy bay chiến đấu của Israel bắn tám quả tên lửa nhằm vào tòa nhà Đài truyền hình An Ác-xa của Hamas ở Gaza, phá hủy tòa nhà và gây hư hại những tòa nhà gần đó. Lực lượng Israel đã tiến hành hơn 70 cuộc không kích nhằm trả đũa các vụ bắn rốc-két từ vùng lãnh thổ Palestine.

Phong trào Hồi giáo Hamas và các cánh vũ trang khác trước đó đã phóng hơn 400 quả rốc-két hoặc nã súng cối khắp khu vực biên giới sau vụ tiến công bằng tên lửa dẫn đường vào một xe buýt khiến một binh sĩ Israel bị thương. Phía Palestine cho biết, hơn chục người, trong đó phần lớn là các tay súng ở Gaza, chết trong các vụ tiến công của Israel gần đây.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các vụ tiến công trả đũa lẫn nhau giữa Israel và phong trào Hamas ở Gaza kéo dài nhiều tháng qua. Bạo lực đang đẩy vùng đất của Palestine vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Vừa chịu những tác động từ chính sách bao vây cấm vận của Israel, dải Gaza chìm trong khói lửa, thiếu điện, lương thực và các nhu yếu phẩm. Tình hình càng tồi tệ sau khi Mỹ quyết định cắt cung cấp tài chính cho quỹ hoạt động viện trợ Palestine.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp kín để thảo luận về tình trạng bạo lực leo thang tại Gaza, song không đạt được thỏa thuận nào về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng. Liên hợp quốc, Liên đoàn A-rập, các nước và cộng đồng quốc tế hối thúc các bên xung đột kiềm chế và kêu gọi tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột ở Gaza. Tuy nhiên, những nỗ lực quốc tế chung bị “tê liệt” trước những bất đồng sâu sắc khó hóa giải giữa Israel và Hamas.

Giữa lúc các nỗ lực ngoại giao dường như bế tắc, Ai Cập đã thể hiện vai trò tích cực và chủ động trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Mặc dù kết quả không như mong đợi, song một lệnh ngừng bắn được nhất trí đã giúp giải tỏa lo ngại “thùng thuốc súng” ở Gaza phát nổ. Tuy nhiên, ngay sau lệnh ngừng bắn ở Gaza được sự nhất trí của chính phủ Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Israel A.Lieberman đã tuyên bố từ chức sau khi thể hiện bất đồng đối với lệnh ngừng bắn tại Gaza, đồng thời hối thúc chính phủ sớm tổ chức bầu cử.

Theo ông Lieberman, thỏa thuận do Ai Cập làm trung gian với Phong trào Hồi giáo Hamas là “một sự đầu hàng trước khủng bố”. Vị bộ trưởng này cũng tuyên bố đảng cánh hữu Yisrael Beitenu của ông sẽ rời khỏi liên minh của Thủ tướng B.Netanyahu.

 

Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng chỉ trích sự im lặng của cộng đồng quốc tế trước những diễn biến nguy hiểm ở dải Gaza. Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) S.Erekat đã hối thúc cộng đồng quốc tế bảo vệ khu vực Gaza sau các vụ không kích của Israel. Ông Erekat khẳng định cần đưa tất cả các vụ tiến công của Israel ra trước Tòa án hình sự quốc tế (ICC), đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế làm tất cả những gì có thể để ngăn ngừa một cuộc thảm sát nhằm vào người Palestine tại Gaza.

Tuy nhiên, tình hình thực tế ở Gaza rất khó có thể đưa các bên tới bàn đàm phán khi các vụ tiến công trả đũa lẫn nhau vẫn xảy ra “như cơm bữa”. Trong khi đó, Palestine hiện bác bỏ vai trò trung gian của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Lộ trình hòa bình giữa Israel và Palestine đang cần một đòn bẩy, song vấn đề còn phụ thuộc thiện chí cũng như sự nhượng bộ của các bên liên quan.

Theo nhandan.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm