Quốc tế

Người dân châu Á mạnh tay chi tiêu ngày Tết

Chi tiêu tiêu dùng của người dân châu Á được dự báo sẽ tăng đáng kể trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.

Du khách Trung Quốc trở lại có ý nghĩa thế nào với kinh tế toàn cầu? / Bản đồ năng lượng toàn cầu được vẽ lại như thế nào?

Chi tiêu tiêu dùng dịp Tết Âm lịch tại Trung Quốc

Chỉ còn khoảng 10 ngày tới là đến Tết Âm lịch. Một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Singapore, Mông Cổ cùng một bộ phận dân số tại các quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia… sẽ đón tết cổ truyền như Việt Nam. Đây là thời điểm nhiều gia đình châu Á đang hối hả chuẩn bị mua sắm Tết.

Tại Trung Quốc, đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch, người dân nước này được tự do đi lại sau khi chính phủ gỡ bỏ gần hết các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Vậy sức mua của người dân ăn mừng sự kiện này có thật sự bùng nổ?

Năm 2019 - thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, người Trung Quốc chi gần 149 tỷ USD vào các dịch vụ mua sắm, tiêu dùng. COVID-19 đã tác động mạnh tới chi tiêu trong năm 2020. Sự phục hồi vẫn khá mong manh trong hai năm 2021 - 2022, khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero COVID-19 nghiêm ngặt.

Hiện niềm tin vào tiêu dùng đã được khôi phục, đây là điều quan trọng. Người tiêu dùng Trung Quốc đã vượt qua nỗi sợ hãi về dịch bệnh.

Người dân châu Á mạnh tay chi tiêu ngày Tết - Ảnh 1.

Một khu mua sắm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Trùng Khánh… đã qua đỉnh dịch lần 1, với số ca mắc giảm dần.

Kích cầu tiêu dùng nội địa là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế năm 2023, các tỉnh, thành cũng triển khai nhiều chương trình kích cầu: như tại Hohhot, Nội Mông, chính quyền dành hơn 38 triệu USD; thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc dành hơn 100 triệu USD để tặng phiếu mua hàng giảm giá cho người dân.

Tất cả đều đầu tư mạnh ở cả 2 mảng giao hàng và bán trực tiếp. Dự báo doanh số dịch vụ ăn uống và tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán này.

Dự báo chi tiêu du lịch dịp Tết tại Trung Quốc

Du lịch, đi lại càng thuận lợi khi năm nay nhiều tuyến tàu lửa cao tốc mới mở, các chuyến bay nội địa khôi phục như trước dịch. Nhất là 7 ngày cao điểm Tết, tất cả các tuyến đường bộ cao tốc đều xả trạm, miễn phí nên càng kích thích người dân đi du lịch khắp nơi.

 

Giá vé tàu, xe , máy bay tăng dưới 30% so với năm trước. Ngoài các điểm đến truyền thống Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Trùng Khánh, Hải Nam, năm nay dự báo loại hình du lịch băng tuyết tăng đột biến tại các tỉnh phía Bắc.

Trong 7 ngày cao điểm Tết từ 21 - 27/1, chỉ riêng dịch vụ đặt phòng đi nước ngoài đón Tết đã tăng 540% theo ghi nhận của Trip.com. Sau khi nhiều nước phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh du khách đến từ Trung Quốc, hơn 50% số lượng tour đã đổi hành trình về châu Á, trong đó Thái Lan hưởng lợi nhiều nhất.

Thái Lan có một chiến dịch "Trung Quốc đã trở lại" để chào đón khách Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định, trước mắt tiêu dùng, du lịch nội địa sẽ phục hồi mạnh mẽ, sau đó du lịch quốc tế mới phục hồi dần từ cuối quý I và mạnh mẽ từ giữa năm 2023.

Có thể thấy, tiêu dùng mua sắm dịp tết tại Trung Quốc sẽ khởi sắc, nhưng không quá bùng nổ như báo chí nhận định trước đó do làn sóng lây nhiễm mới. Tuy nhiên việc có thể trở về quê hương sau 3 năm phòng dịch, mỗi người dân Trung Quốc sẽ sẵn sàng chi nhiều hơn để sắm sửa dịp Tết này.

Xu hướng chi tiêu Tết Nguyên đán tại Đông Nam Á

 

Còn tại khu vực Đông Nam Á, cuộc khảo sát với hàng nghìn người tiêu dùng tại Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines để xem họ định chi tiêu thế nào cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới được công ty Milieu Insight có trụ sở tại Singapore thực hiện cho nhiều kết quả thú vị.

Theo đó, 54% số người được hỏi cho biết, tổng chi tiêu của họ cho dịp Tết Nguyên đán năm nay có thể sẽ cao hơn so với năm ngoái, bất chấp áp lực lạm phát. Các sản phẩm phổ biến nhất người tiêu dùng Đông Nam Á sẽ chi tiêu mua sắm dịp này là rau và trái cây, đồ ăn nhẹ và bánh kẹo, đồ uống không cồn.

Đối với các hoạt động vui chơi giải trí, những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Đông Nam Á là đi du lịch nội địa, đến rạp chiếu phim và xem các dịch vụ phát trực tuyến. Phần lớn cộng đồng người dân đón Tết Âm lịch tại một số nước ASEAN dự định sẽ đón Tết ở trong nước. Tuy nhiên tại Singapore, khoảng 11% người tiêu dùng cho biết sẽ dành kỳ nghỉ Tết ở nước ngoài.

Hàn Quốc hỗ trợ người dân chi tiêu mua sắm Tết

Còn tại Hàn Quốc, áp lực lạm phát tăng cao đang khiến người tiêu dùng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nhiều biện pháp dự kiến sẽ được chính phủ Hàn Quốc triển khai, để người dân có thể an tâm chi tiêu, mua sắm đón Tết.

 

Theo Trung tâm Nghiên cứu giá cả Hàn Quốc, chi phí trung bình cho một mâm cơm thờ cúng tổ tiên ngày Tết của một hộ gia đình 4 người sẽ rơi vào khoảng 203 USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người dân châu Á mạnh tay chi tiêu ngày Tết - Ảnh 2.

Mua bán tại một khu chợ ở Hàn Quốc. (Ảnh: hrmasia.com)

Giá rau hiện đã tăng trên diện rộng do thời tiết không thuận lợi, trong khi giá thịt và thực phẩm chế biến sẵn cũng tăng mạnh.

Để hỗ trợ người dân an tâm đón Tết, Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch tăng nguồn cung 16 mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bộ Tài chính Hàn Quốc dự kiến sẽ chi 23,5 triệu USD và phối hợp với các nhà bán lẻ để bình ổn giá các loại thực phẩm chính.

"Các hãng bán lẻ sẽ giảm giá tới 50% đối với những mặt hàng mà người tiêu dùng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán", ông Lee Jae Hoon, Giám đốc điều hành hãng bán lẻ Homeplus, cho biết.

 

Giới chức Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ giảm giá điện, khí đốt để hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp trang trải chi phí sưởi ấm. Phí cầu đường cao tốc và đậu xe nơi công cộng cũng sẽ được miễn trong thời gian nghỉ lễ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm