Người dân Paris bật khóc quỳ gối cầu nguyện khi lửa nhấn chìm Nhà thờ Đức Bà
CLIP: Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp chìm trong biển lửa / CLIP: Hiện trường vụ hỏa hoạn kinh hoàng tàn phá nhà thờ Đức Bà Paris
Hỏa hoạn bùng phát tại Nhà thờ Đức Bà Paris tối ngày 15/4. (Ảnh: AFP)
Một phụ nữ cầu nguyện tại hiện trường vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. (Ảnh: Reuters)
Một đám cháy lớn đã xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris ở trung tâm thủ đô nước Pháp vào chiều 15/4, tàn phá một phần công trình kiến trúc thế kỷ với tuổi đời hàng trăm năm tại Pháp. Phần tháp biểu tượng của Nhà thờ chìm trong biển lửa và bốc khói nghi ngút, phản chiếu xuống dòng sông Seine.
Dọc cây cầu Pont au Change, cảnh tượng diễn ra như một lễ cầu nguyện khi hàng trăm người, bao gồm cả người dân Paris và du khách, dõi theo đám cháy trong im lặng. Họ đau buồn khi chứng kiến khói bốc lên từ Nhà thờ Đức Bà Paris.
“Tôi đến đây thường xuyên vì đay là công trình vĩ đại, gắn liền với lịch sử nước Pháp. Cả về chính trị, trí tuệ và tinh thần, đây là biểu tượng của nước Pháp”, Stephane Seigneurie, người đàn ông 52 tuổi sống tại Paris suốt 25 năm qua, cho biết.
Seigneurie nói rằng anh rất buồn khi chứng kiến vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Trong khi đó, một phụ nữ vừa khóc vừa nói với Seigneurie: “Chúng ta phải cầu nguyện”.
Jeanne Duffy, 62 tuổi, đã đi từ New York (Mỹ) tới Paris cùng hai con gái hôm Chủ nhật. Các con của Duffy ban đầu muốn leo lên các tòa tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris vào chiều qua, song cả 3 mẹ con quyết định tới Disneyland Paris vào phút chót.
“Chúng tôi rất đau buồn vì là những người New York, chúng tôi cũng từng trải qua cảm giác này”, Duffy nói, nhắc tới vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 phá hủy hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Mỹ.
“Về mặt di sản, vụ cháy (Nhà thờ Đức Bà Paris) còn tồi tệ hơn nhiều. Đây là báu vật của thế giới. Tất cả mọi người đều biết đến Nhà thờ Đức Bà Paris”, Duffy cho biết thêm.
Vào lúc 19h50 (theo giờ địa phương), những tiếng thở mạnh và những giọt nước mắt đã rơi xuống khi phần tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris đổ sập xuống biển lửa đang lan rộng ra toàn bộ phần mái của công trình này.
“Paris đã bị biến dạng. Thành phố này sẽ không bao giờ trở lại như trước đây”, Philippe, một nhân viên truyền thông, cho biết sau khi được một người bạn thông báo về vụ hỏa hoạn và đạp xe tới đây.
“Tôi là người Paris, bố tôi là người Paris và ông tôi cũng vậy. Đây là công trình mà chúng tôi mong muốn các thế hệ con cháu của chúng tôi có thể nhìn thấy. Nhưng tôi không thể chỉ cho con trai của tôi nữa rồi. Đó là thảm kịch. Nếu bạn muốn cầu nguyện, thì bây giờ là thời điểm để cầu nguyện”, Philippe nói.
Mặc dù cảnh sát đã yêu cầu người đi bộ tránh xa khu vực gần đám cháy, song hàn nghìn người dân vẫn đứng sau hàng rào cảnh sát để theo dõi vụ hỏa hoạn ngay cả khi trời đã tối.
Nhiều người đã khóc, thổn thức và quỳ gối cầu nguyện khi những người lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy. Một phụ nữ đã không giấu nổi những giọt nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời với các phóng viên.
“Vậy là kết thúc rồi, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy công trình đó nữa. Bây giờ chúng tôi cần biết chuyện đó diễn ra như thế nào. Với tất cả những gì đang diễn ra trên thế giới, tại sao lại là Nhà thờ Đức Bà Paris? Có lẽ đây là thông điệp từ đấng tối cao”, Jerome Fautrey, người đàn ông 37 tuổi, chia sẻ.
“Không thể tin được, lịch sử của chúng tôi đang bốc cháy theo khói lửa”, Benoit, một người có mặt tại hiện trường vụ cháy, cho biết.
Là sinh viên chuyên ngành lịch sử, Camille, 20 tuổi từ Normandy, đã chia sẻ “cảm giác buồn bã và giận dữ” của cô.
“Đó là di sản của chúng tôi. Dù cho bạn có phải là người Cơ đốc giáo hay không, một phần lịch sử của chúng tôi cũng đã tan theo mây khói”, Camille nói.
Sự giận dữ ngày càng lan rộng khi đám đông kéo về khu vực gần nơi xảy ra đám cháy.
“Đây là thảm kịch quốc gia. Một công trình biểu tượng của nước Pháp đang sụp đổ, một phần trong bản sắc quốc gia của chúng tôi đang bốc cháy. Một phần lịch sử, văn hóa, văn học của chúng tôi. Sao chuyện này có thể xảy ra? Tại sao không có cảnh báo trước”, Paul Rechter, người sống cách Nhà thờ Đức Bà Paris, khoảng 100m, nói.
Sam Ogden, 50 tuổi, đã đi từ London (Anh) tới Pháp cùng gia đình hôm qua. Những du khách này nói rằng họ tới Paris chỉ để ngắm nhìn Nhà thờ Đức Bà Paris và đây là một phần trong hành trình đi vòng quanh thế giới của cả gia đình để tham quan các công trình lịch sử.
“Điều này thực sự rất đáng buồn và là điều buồn nhất tôi từng thấy trong cuộc đời tôi”, Ogden nói.
Ogden cho biết đám cháy ban đầu chỉ xảy ra ở phạm vi rất nhỏ, “nhưng chỉ trong một giờ đồng hồ, nó đã lan ra tất cả”.
Bà Mary Huxtable, 73 tuổi, mẹ của Ogden, nói: “Nơi này (Nhà thờ Đức Bà Paris) nằm trong danh sách những địa điểm mà tôi muốn đến. Nhưng bây giờ tôi sẽ không bao giờ được đi vào bên trong nữa”.
Đứng cách không xa gia đình Ogden là một gia đình khác, cũng từ London tới Paris cách đây 2 ngày.
“Mọi thứ bị tàn phá. Đây là công trình lịch sử và thật kinh hoàng khi xảy ra vụ việc này, khủng khiếp hơn tất cả những vụ việc mà Paris đã trải qua gần đây”, Nathalie Cadwallader, 42 tuổi, nói, đề cập tới những vụ tấn công khungrboos chết người tại Paris vào năm 2015.
Gia đình Nathalie ban đầu lên kế hoạch tới thăm Nhà thờ Đức Bà Paris hôm qua. Tuy nhiên rốt cuộc họ quyết định tới tháp Eiffel và dự định sẽ vào trong Nhà thờ hôm nay.
Phó Thị trưởng Paris Emmanuel Gregoire cho biết lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực để di dời các hiện vật và những đồ đạc quý giá khác bên trong Nhà thờ.
“Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật bên trọng. Đây thực sự là thảm kịch”, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, nói với các phóng viên tại hiện trường vụ hỏa hoạn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo