Quốc tế

Người Nga có tuyệt vọng về tàu sân bay?

Tên tuổi của đô đốc hải quân huyền thoại Nikolai Gerasimov Kuznetsov cũng không thể cứu vãn cho danh tiếng chiếc tàu sân bay duy nhất của Nga.

Syria sẽ dùng tên lửa Kh-35 Nga đánh chìm tàu sân bay hạt nhân của Mỹ? / Mỹ đóng siêu tàu sân bay nhanh hơn Nga sửa Kuznetsov?

Hoang mang vì Kuznetsov

Tàu sân bay duy nhất của Nga Đô đốc Kuznetsov một lần nữa gây thất vọng, thậm chí hoang mang cho người dân cường quốc quân sự này khi lại bốc cháy trong quá trình bảo trì tại cảng Bắc cực ở Murmansk.

Theo những hình ảnh được công bố, cột khói đen dày đặc bốc lên từ boong tàu. Theo hãng tin TASS, ngọn lửa bùng phát ở tổ máy phát điện và nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn có thể do vi phạm các quy định an toàn trong quá trình bảo trì, sửa chữa.

Bình luận về vụ cháy này, tác giả Viktor Sokirko viết trên trang Svpressa của Nga một cách ngán ngẩm rằng Nga đã không còn chiếc tàu sân bay nào, và rất có thể sẽ không có tàu sân bay trong tương lai.

Sokirko gọi đây là “sự kết thúc của hạm đội tàu sân bay Nga”.

Khói bốc lên từ boong tàu sân bay duy nhất của Nga trong vụ cháy ngày 12/12

Khói bốc lên từ boong tàu sân bay duy nhất của Nga trong vụ cháy ngày 12/12

Tác giả cho rằng chiếc tàu sân bay duy nhất của Nga ngay từ khi được đóng đã không may mắn, ngay cả với tên gọi. Khi được khởi công đóng mới tại nhà máy đóng tàu Nikolaev bên Biển Đen vào năm 1982, con tàu mang tên “Liên Xô”. Đến khi được hạ thủy, tàu được đổi tên thành “Riga”.

Trong quá trình hoàn thiện, tàu lại mang tên “Leonid Brezhnev” nhưng khi chạy thử nghiệm được đổi tên thành “Tbilisi”. Đến tháng 1/1991, khi được biên chế cho hải quân, con tàu mang tên “Đô đốc Kuznetsov”.

Tác giả Sokirko viết: “Tên tuổi của đô đốc hải quân huyền thoại Nikolai Gerasimov Kuznetsov cũng không thể cứu vãn danh tiếng cho con tàu”.

Theo đó, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã nhiều lần bị cháy và hỏng hóc cũng như máy bay hạm bị “trượt” khỏi boong tàu. Thời gian sửa chữa tàu nhiều hơn thời gian đi biển. Tàu sân bay của Nga “nhả những cột khói” khiến “một nửa châu Âu” phải bật cười và so sánh nó với một con tàu hơi nước với một lò than.

Từ tháng 11/2016 đến tháng 1/2017 đã tham gia các nhiệm vụ chiến đấu của hải quân Nga ở khu vực ven bờ biển Syria. Trong thời gian này, 2 máy bay chiến đấu đã không thể hạ cánh trên boong của tàu.

Sau chuyến đi này, tàu Đô đốc Kuznetsov đã được đưa đi sửa chữa và dự kiến phải tới năm 2022 mới xong. Theo kế hoạch, tàu sẽ được trang bị động cơ mới cùng một loạt vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, mọi thứ lại không diễn ra như vậy. Theo Sokirko, từ ngày 30/10 vừa qua, tàu Đô đốc Kuznetsov bắt đầu... chìm cùng với ụ nổi PD-50.

Nguoi Nga cotuyet vong ve tau san bay?
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga được ví như lò than di động

Vụ việc đã khiến một cần cẩu bị sập, gây hỏng hóc phần boong tàu cũng như các khoang tàu. Việc sửa chữa tàu bị đình lại nhưng sau đó vẫn tiếp tục dù Nga hiện không có ụ nổi nào tương đương PD-50.

Sokirko cho rằng vụ cháy hôm 12/12 là giọt nước tràn ly khi một mẩu hàn có đường kính 3 mm rơi vào các chất lỏng dễ cháy gồm sơn và nhiên liệu. Chỉ một tia lửa nhỏ đã đủ sức loại bỏ một con tàu sân bay khổng lồ vốn rất khó bị chìm trên biển!

Tác giả Nga mỉa mai: “Kịch bản phá hoại của biệt kích Mỹ đã được loại bỏ dù người ta không phủ nhận nó”.

Nỗi đau của người Nga

Tác giả cho biết chi phí để sửa chữa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vào khoảng 50 triệu rúp (tương đương 796.000 USD), trong khi đó kinh phí để đóng mới tàu sân bay nguyên tử Storm của Nga, được dự kiến khởi công vào năm 2023, chỉ từ 300-400 triệu rúp.

 

Khi mà ngân sách để đóng tàu mới chưa thấy đâu thì tiền vẫn được rót để sửa chữa Đô đốc Kuznetsov và dường như sẽ kéo dài “vô tận”.

Sokirko cũng bày tỏ hoài nghi khi cho rằng thời hạn để sửa chữa xong tàu sân bay duy nhất của Nga có lẽ sẽ phải kéo dài tới sau năm 2022 và mỗi một “tai nạn” là một cái cớ để kéo dài thời hạn chót.

Nguoi Nga cotuyet vong ve tau san bay?
Su-25 và Su-33 trên boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov khi còn hoạt động

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga không có quan điểm rõ ràng về việc xây dựng hạm đội tàu san bay cho hải quân khi có cả người ủng hộ lẫn phản đối. Theo Sokirko, “những người thực dụng” thì ủng hộ đóng mới các loại tàu nổi cỡ như khinh hạm hoặc tàu khu trục và tuần dương hạm. Thêm vào đó là các loại tàu ngầm, bao gồm cả tàu ngầm nguyên tử và tàu diesel.

Ngược lại, hiện cũng có “những người vận động hành lang” cho rằng trong tương lai, Nga sẽ gặp khó khăn trong cuộc chiến giành ưu thế trên biển và đại dương nếu thiếu các nhóm tàu sân bay.

Theo tác giả, những tranh cãi có thể sẽ kéo dài vô tận nhưng tình huống hiện nay cũng tương tự thời Liên Xô những năm đầu thập niên 1970. Kể từ năm 1975-1991, Liên Xô đã đóng và hạ thủy 5 tàu sân bay gồm “Kiev”, “Minsk”, “Novorossiysk”, “Đô đốc Gorshkov” và “Đô đốc Kuznetsov”.

 

Tàu “Varyar” đang đóng dở dang được chuyển giao cho Ukraine, sau đó được bán lại cho Trung Quốc, còn tàu “Ulyanovsk” mới chỉ trong giai đoạn đầu đóng mới.

Nga đã không gia nhập “câu lạc bộ tàu sân bay” bởi chiếc tàu sân bay duy nhất của Nga là Đô đốc Kuznetsov có cũng như không. Tác giả người Nga cho rằng “hình mẫu” về tàu sân bay chính là Mỹ, nước đang sở hữu tới 11 chiếc tàu sân bay.

Nhưng ngay cả với hải quân Mỹ, hiện có tới 6 chiếc tàu sân bay cần phải sửa chữa, 3 chiếc không hoạt động trong khi một chiếc khác là USS Gerald Ford còn chưa được đưa vào biên chế.

Nguoi Nga cotuyet vong ve tau san bay?
Tàu sân bay "ông lão" USS Harry Truman của Mỹ

Sokirko mỉa mai thêm: “Ông lão USS Harry Truman, được hạ thủy từ năm 1996, đã tới Địa Trung Hải nhưng không rõ nó có thể dọa nạt được ai hay lại đang tự hoảng sợ với sự hiện diện của mình. Có tin rằng sắp tới nó sẽ tới vịnh Ba Tư để thay thế cho USS Abraham Lincoln, vốn được hạ thủy từ năm 1988”.

Tác giả người Nga cho rằng “chính sách tàu sân bay” đã lui vào dĩ vãng bởi tính cấp thiết đối với sự hiện diện của tàu sân bay ở một khu vực đại dương nào đó là rất đáng nghi ngờ. Câu hỏi đặt ra là Nga có cần tới tàu sân bay hay không, nhất là với một chiếc như Đô đốc Kuznetsov, vốn rất khó để có thể ra đại dương.

 

Theo đánh giá của Sokirko, quan điểm của Bộ Quốc phòng Nga, nếu căn cứ theo phát biểu của Bộ trưởng Sergei Shoigu, đang ủng hộ chế tạo các tàu mặt nước hoạt động tầm xa. Đó là các tàu khinh hạm thuộc dự án 22350 và trong tương lai là các tàu khu trục thuộc dự án 23650.

Bài viết kết luận: “Còn với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, có lẽ phải quên nó đi. Đám cháy mới đây nhất cuối cùng đã hạ gục con tàu. Nói một cách đơn giản là phải đóng cái mới nhưng không đắt đỏ như vậy”.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm