Người phụ nữ đứng sau "tổng thống tự phong" Venezuela
Ông Trump để ngỏ mọi phương án, Nga cảnh báo Mỹ không can thiệp quân sự Venezuela / Mỹ dọa hủy họp ở Trung Quốc nếu phe đối lập Venezuela bị cấm tham gia
Cô Fabiana Rosales luôn sát cánh bên chồng là thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido. (Ảnh: Getty)
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela có xu hướng leo thang kể từ tháng 1 năm nay sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời và kêu gọi lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.
Luôn xuất hiện bên cạnh thủ lĩnh đối lập này trong các cuộc tuần hành kêu gọi người ủng hộ chống lại chính quyền Tổng thống Maduro là cô Fabiana Rosales, 26 tuổi, vợ của ông Guaido.
Vai trò của người phụ nữ ngày càng rõ ràng hơn khi cô cùng chồng đến các nước Mỹ Latinh vận động chính phủ các nước này ủng hộ phe đối lập Venezuela. “Tôi sẽ sát cánh cùng với anh ấy trên mọi nẻo đường, chúng tôi sẽ cùng nhau vượt qua mọi trở ngại như chúng tôi đã làm. Nhưng tôi tham gia vào chính trị vì tôi muốn thay đổi đất nước mình”, cô Rosales nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn ở thủ đô Lima của Peru đầu tháng này.
Giờ đây, khi ông Guaido tiếp tục tìm cách hạ bệ Tổng thống Maduro thông qua việc kêu gọi các cuộc biểu tình trong nước, cô Rosales lại đảm nhiệm vai trò “sứ giả” của phe đối lập Venezuela để kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.
Trong tháng này, cô Rosales đã đến Peru và Chile để gặp tổng thống của hai nước và có các cuộc trò chuyện tại các đại học ở đây về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela.
Trong một diễn biến mới nhất, cô Rosales ngày 27/3 đã trở thành khách mời của Nhà Trắng. Tại đây, cô đã hội kiến Tổng thống Donald Trump, người cam kết sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Cô Rosales cũng dự kiến sẽ gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong bối cảnh Mỹ tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép với chính quyền Tổng thống Maduro.
Cô Rosales sinh ra trong một gia đình có mẹ là phóng viên, cha là nông dân ở bang Merida của Venezuela. Cô cho biết, cô bắt đầu hứng thú với các vấn đề xã hội ngay từ rất sớm khi cô đi cùng mẹ tới các cuộc phỏng vấn. Cô quyết tâm nối gót con đường sự nghiệp của mẹ, theo học ngành báo chí. Trong thời gian đó cô vẫn phụ giúp cha vận chuyển nông sản tới thủ đô Caracas.
Cô Rosales cho biết, giống nhiều người ở Venezuela cô cũng từng trải qua các vấn đề do khủng hoảng ở nước nhà như thiếu thuốc men. Cha cô mất năm 2013 sau một cơn đau tim. Cô cho rằng, ông có thể thoát lưỡi hái tử thần nếu vùng quê nơi cô ở có xe cứu thương kịp đưa ông vào bệnh viện hay có đủ thuốc cho người dân. “Tôi đã chìm trong đau khổ một thời gian dài và tự hỏi tại sao điều đó lại xảy đến với tôi”, Rosales nói và nhấn mạnh thêm rằng giờ đây cô sẽ nỗ lực để thay đổi đất nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo