Quốc tế

Những hàng không mẫu hạm “bay” một thời của Hải quân Mỹ

Việc Mỹ sở hữu các hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới và chiếm được nhiều ưu thế trong “cuộc chơi” trên đại dương đã không còn là chuyện xa lạ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cường quốc quân sự này thậm chí từng có ý định phát triển cả hàng không mẫu hạm “bay”.

Ấn Độ tìm ra cách “lách” trừng phạt của Mỹ khi mua hàng tỷ USD vũ khí Nga? / Iran "dương oai" với Mỹ nhờ sự trợ giúp của công nghệ tên lửa Nga

Trong bài viết được đăng tải mới đây, Tạp chí National Interest cho biết, gần một thế kỷ trước, Hải quân Mỹ từng đặt câu hỏi: Nếu máy bay có thể bay được trên không trung, tại sao con tàu chở máy bay lại không thể làm được điều đó? Và kết quả là các khinh khí cầu lớp Akron, USS Akron và USS Macon, đã ra đời.

Các khinh khí cầu lớp Akron được Chính phủ Mỹ đặt hàng vào năm 1926 trước khi Đại suy thoái xảy ra, vận hành nhờ 8 động cơ Maybach với tổng cộng 6.700 mã lực. Với chiều dài khoảng 235m, mỗi khinh khí cầu lớp Akron với phi hành đoàn chỉ 60 người, có thể bay với vận tốc gần 102km/giờ, được trang bị 8 súng máy cỡ nòng 7,62mm.

Không giống các khinh khí cầu thông thường, USS Akron và USS Macon có thể mang theo các máy bay cánh cố định, “phóng và thu hồi” chúng giữa không trung. Các khinh khí cầu lớp Akron có thể mang tới 5 chiến đấu cơ Curtiss F9C Sparrowhawk vốn chỉ có một phi công và được trang bị hai súng máy Browning cỡ nòng 7,62mm. USS Akron và USS Macon lần lượt được biên chế cho hải quân Mỹ vào các năm 1931 và 1933.

Hàng không mẫu hạm “bay” USS Akron. Ảnh: National Interest.Hàng không mẫu hạm “bay” USS Akron. Ảnh: National Interest.

Theo Tạp chí National Interest, so với các hàng không mẫu hạm hoạt động trên biển, hàng không mẫu hạm “bay” có cả ưu điểm và nhược điểm. Theo đó, với vận tốc nhanh gấp đôi, phạm vi trinh sát của USS Akron và USS Macon cũng rộng hơn. “Vì ở trên không nên phi hành đoàn USS Akron và USS Macon có thể quan sát được xa hơn nhiều so với trên các tàu nổi mặt nước. Với phi hành đoàn chỉ 60 người trên mỗi khinh khí cầu lớp Akron, hải quân Mỹ có khả năng trinh sát mạnh nhằm hỗ trợ cho hạm đội tàu chiến trong một trận hải chiến mang tính quyết định”, cây bút chuyên về lĩnh vực quốc phòng Kyle Mizokami viết trên Tạp chí National Interest.

Mặc dù vậy, USS Akron và USS Macon lại “bất lực” trước thời tiết xấu trong khi các hàng không mẫu hạm trên biển có thể đối phó được với tình huống này tương đối dễ dàng. Theo Tạp chíNational Interest, các khinh khí cầu lớp Akron có thể khó điều khiển khi gió to. Vào tháng 2/1932, khinh khí cầu USS Akron bị tuột khỏi hệ thống neo giữ khi gió giật mạnh đúng vào lúc một nhóm nghị sĩ đang chờ được lên hàng không mẫu hạm “bay” này.

Ba tháng sau đó, tại thành phố San Diego, hai thành viên phi hành đoàn của USS Akron đã thiệt mạng và một người khác bị thương khi tìm cách neo đậu hàng không mẫu hạm “bay” xuống mặt đất. Ngày 3/4/1933, khi đang thực hiện một sứ mệnh ở ngoài khơi bờ biển bang New Jersey, gió to khiến USS Akron lao xuống dưới 305m chỉ trong vòng vài giây. Phi hành đoàn không kịp trở tay và mất khả năng kiểm soát USS Akron. USS Akron rơi xuống biển khiến 73 trong tổng số 76 người có mặt trên hàng không mẫu hạm “bay” thiệt mạng.

Trong khi đó, ngày 12/2/1935, tới lượt “người em” USS Macon gặp nạn. Tạp chí National Interest cho biết, trước đó vài tháng, USS Macon từng gặp trục trặc kỹ thuật, song hải quân Mỹ lại không hề tìm cách khắc phục. Hậu quả là một cơn bão khiến USS Macon rơi xuống biển khi đang bay trên Thái Bình Dương. Vì tốc độ rơi xuống biển chậm hơn so với vụ tai nạn của USS Akron, cộng với việc được trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh nên 81 trong tổng số 83 người có mặt trên USS Macon đã thoát chết.

Cây bút Kyle Mizokami cho biết, việc mất hai chiếc khinh khí cầu lớp Akron-USS Akron và USS Macon đặt dấu chấm hết cho ý tưởng về hàng không mẫu hạm “bay” của Mỹ. Ý tưởng này tưởng chừng như chìm vào quên lãng trong nhiều thập niên qua thì bất ngờ gần đây đã được khơi lại. “Việc Lầu Năm Góc xúc tiến nghiên cứu biến máy bay vận tải C-130 Hercules thành một hàng không mẫu hạm “bay” dành cho các máy bay không người lái cũng đồng nghĩa ý tưởng trên vẫn còn đó. Hàng không mẫu hạm “bay” có thể tái xuất, cho dù có số lượng phi hành đoàn ít hơn nhiều”, cây bút Kyle Mizokami nhận định.

 

Theo Hoàng Vũ/Quân Đội Nhân Dân
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm