Những người rời chảo lửa Mariupol với ước mơ vụn vỡ: "Thành phố của cháu... đã chết rồi"
Toàn cảnh diễn biến mới nhất chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trưa 19/3 / Reuters: Chiến sự khốc liệt, Ukraine rút lực lượng cực kì đặc biệt về bảo vệ đất nước
Yuliia Karpenko, 17 tuổi, là một học sinh trung học sinh sống tại thành phố Mariupol của Ukraine. Cô gái này chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3 trong năm nay và vẫn đang băn khoăn trước những lựa chọn tiếp theo trong cuộc đời - học ngành xã hội học hay ngôn ngữ học ở đại học.
Nhưng đó là trước khi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra.
Ước mơ vụn vỡ
Theo hãng tin Reuters (Anh), giờ đây Karpenko đang không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu, khi cô bé đang phải chạy trốn khỏi sự tàn phá, và thành phố Mariupol thì đang "vỡ vụn" dưới những đợt pháo kích lớn trong cuộc giao tranh của quân Ukraine và quân Nga.
"Mọi kế hoạch của cháu đều đã bị phá hỏng", Karpenko trả lời phỏng vấn của Reuters qua điện thoại từ nơi trú ẩn ở Lviv, thành phố ở miền Tây Ukraine xa chiến tuyến, nơi hàng trăm ngàn người dân nước này cũng đang ẩn náu.
"Cháu hy vọng sẽ được đến Đức ngay lúc này. Cháu muốn được tiếp tục đi học", Karpenko nói.
Karpenko cùng mẹ và cha dượng của cô bé đã thoát khỏi thành phố vào ngày 15/3. Cô gái này cho biết tòa nhà của họ đã trúng không kích của Nga và căn họ bên cạnh bị cháy, nên họ quyết định đã đến lúc phải rời đi.
"Tất cả các cửa sổ đều vỡ tan tành. Gia đình cháu rất sợ hãi vì căn hộ đã hư hỏng nặng", Karpenko nói.
Reuters dẫn lời chính quyền địa phương cho biết, khoảng 400.000 người đã bị mắc kẹt tại thành phố cảng chiến lược Mariupol trong hơn 2 tuần, trong khi các đợt không kích đã cắt đứt nguồn cung cấp điện, hệ thống sưởi và hệ thống cấp nước trung tâm.
Trong khi đó, Nga phủ nhận việc ném bom vào khu dân cư và nhắm đến dân thường.
Hội đồng thành phố Mariupol ghi nhận thành phố này đã chịu thiệt hại vật chất "khổng lồ". Theo đó, các quan chức thành phố Mariupol ước tính khoảng 80% nhà cửa trong thành phố bị phá hủy, trong đó có đến gần 30% không thể sửa chữa.
"Mọi thứ thật kinh khủng", Karpenko nói với Reuters. "Những ngôi nhà bốc cháy, tất cả các cửa hàng đều đóng cửa và bệnh viện bị đánh bom. Không có đủ bác sĩ để chăm sóc cho mọi người. Cháu đã nhìn thấy một thi thể đàn ông trên băng ghế trong 4 ngày liên tiếp, đó là một người nghiện rượu và chết cóng. Nhưng xung quanh không có ai giúp ông ấy".
Karpenko cho biết cô bé vẫn chưa thể liên hệ với ông bà mình, cả hai đều đã ngoài 70 tuổi và quyết định không đi sơ tán mà ở lại nhà riêng của họ ở Mariupol. Điện thoại di động và Internet đều đã bị gián đoạn do xung đột quân sự.
Các tòa nhà dân cư bị hư hại trong cuộc giao tranh của Ukraine và Nga tại Mariupol. Ảnh: REUTERS / Alexander Ermochenko
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, những thường dân không thể thoát khỏi cuộc không kích của quân đội Nga đang gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Cơ quan này mô tả tình hình ở các thành phố Mariupol và Sumy là "cực kỳ thảm khốc; người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men trầm trọng và có thể dẫn đến một "sự thiếu hụt chết người".
"Cháu chẳng còn nhà ở đó"
Hôm 17/3, Ukraine cáo buộc Nga không kích nhà hát lớn nhất tại Mariupol, nơi có hơn 1.000 người đang trú ẩn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19/3 xác nhận giới chức địa phương đã giải cứu được 130 người khỏi đống đổ nát, nhưng vẫn chưa có thêm thông tin về con số thương vong hay những người còn đang mắc kẹt.
Phía Nga đã phủ nhận việc đánh bom tòa nhà này.
Hội đồng thành phố cảnh báo Mariupol đã cạn kiệt nguồn thực phẩm và nước dự trữ cuối cùng vào Chủ nhật tuần trước (12/3) và cho biết họ không thể điều trị hoặc thống kê thương vong trong các vụ pháo kích.
Giới chức Ukraine ước tính hơn 2.500 dân thường đã thiệt mạng ở Mariupol kể từ khi Nga phát động cái mà họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ngày 24/2, theo Reuters.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia hôm 18/3, thống đốc vùng Donetsk Pavlo Kyrylenko cho biết khoảng 35.000 người đã tìm cách rời khỏi thành phố Mariupol trong những ngày gần đây, nhiều người đi bộ hoặc đi bằng xe ô tô riêng.
Một trong số những người đã sơ tán là bạn của Karpenko, Rostyslov Nepomniashchyh, năm nay cũng 17 tuổi. Nepomniashchyh cho biết cậu đã rời khỏi thành phố trên một đoàn xe nhỏ vào ngày 14/3, hành trình mất khoảng 10 tiếng.
Giống như Karpenko, Nepomniashchyh cũng chuẩn bị rời Ukraine để sang Ba Lan, sau đó là đến Đức.
Mặc dù vẫn hy vọng trở lại Ukraine, nhưng cậu thiếu niên này không nghĩ rằng mình sẽ trở về Mariupol vào một ngày nào đó.
"Cháu về Mariupol cũng không để làm gì nữa. Cháu chẳng còn nhà, chẳng còn nơi ở trong thành phố Mariupol, và thành phố của cháu về cơ bản là đã chết và đổ nát cả rồi", Nepomniashchyh nói.
"Đó thực sự là một thành phố xinh đẹp. Cháu thích sống ở đó. Cháu mừng khi có tuổi thơ ở đó. Cháu đã có cuộc sống tốt đẹp ở nơi này, nhưng..." - giọng nói của cậu thiếu niên nhỏ dần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo