Quốc tế

Những nữ tình báo nổi tiếng nhất thời Liên Xô

Họ truy lùng những cựu tướng lĩnh của chế độ Sa hoàng, chiêu mộ các đảng viên cấp cao của Đảng Quốc xã Đức, cũng như đánh cắp những bí mật hạt nhân của Mỹ và Anh.

'Chui sâu leo cao' vào giới lãnh đạo Israel, tình báo Liên Xô đoạt được nhiều bí mật NATO / Chuyện chưa kể về đường dây nóng trao đổi tình báo Washington-Moscow

1. Nadezhda Plevitskaya

Nadezhda Plevitskaya là một trong những ca sĩ được sủng ái nhất của Sa hoàng Nikolai Đệ nhị. Công chúng luôn đón nhận những khúc tình ca và dân ca Nga được cô thể hiện bằng những tràng vỗ tay nhiệt liệt, kéo dài không ngớt.

Nữ tình báo Nadezhda Plevitskaya. Ảnh: Heritage Images/Getty Images.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Nadezhda Plevitskaya sống lưu vong ở nước ngoài. Năm 1930, cô cùng chồng là tướng Nikolai Skorblin được tình báo Liên Xô chiêu mộ. Trong 7 năm, vợ chồng cô hỗ trợ tích cực cho các cơ quan tình báo của Liên Xô trong việc chống lại Tổ chức bạch kiều chống Bolshevik có tên “Liên hiệp quân sự toàn Nga”. Đặc biệt, nhờ có sự trợ giúp của họ mà đã vô hiệu hóa 17 tên gián điệp được đưa vào Liên Xô để tiến hành các vụ khủng bố.

Năm 1937, Nadezhda Plevitskaya tham gia chiến dịch truy bắt tại Paris và di lý về Liên Xô một trong những thành viên chủ chốt của “Liên hiệp quân sự toàn Nga”, tướng Evgeny Miller. Vì vụ việc này mà không lâu sau đó, cô bị cảnh sát Pháp bắt giữ và kết án 20 năm lao động khổ sai. Hai năm sau, cô qua đời trong tù vào ngày 1/10/1940.

2. Elena Ferrari

Olga Revzina, người được biết đến nhiều hơn với biệt danh là Elena Ferrari, đã thành công trong việc kết hợp công việc phục vụ cho tình báo Liên Xô với hoạt động văn học của mình. Những bài thơ của cô được xuất bản tại Liên Xô và Italia, còn những tác phẩm văn xuôi thì nhận được khen ngợi của đại văn hào Nga Maxim Gorky.

Nữ tình báo Elena Ferrari. Ảnh tư liệu.

Vào những năm 1920, Elena Ferrari thành lập mạng lưới tình báo tại Đức và tiến hành chiêu mộ các kỹ sư quân sự tại Italia. Tuy nhiên, chiến dịch có ý nghĩa nhất của cô là tham gia vụ mưu sát nam tước Pyotr Wrangel. Sau thất bại của phong trào bạch vệ trong cuộc nội chiến Nga, một trong những lãnh đạo chủ chốt của phong trào này và cũng là kẻ thù chính của Bolshevik đã sang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng những tàn dư của quân đội Nga hoàng. Ngày 15/10/1921, tàu thủy “Adria” của Italia trên hành trình từ Nga đã đâm vào chiếc thuyền buồm “Lucullus” của nam tước Pyotr Wrangel đang neo đậu tại cảng Istanbul. Lúc đó, vị tướng lãnh đạo lực lượng chống Bolshevik này đang ở trên bờ, nhưng đồ đạc cá nhân của ông ta cùng tài liệu và ngân khố quân đội thì bị rơi chìm xuống đáy cảng.

 

Trong một lần trở về Liên Xô theo định kỳ, Elena Ferrari bị buộc tội phản cách mạng và hoạt động gián điệp, sau đó bị xử bắn ngày 16/7/1938. Năm 1957, cô được minh oan sau khi chết.

3. Elizabeta Zarubina

Cô là một “kẻ săn đầu người” thực thụ. Trong giới tình báo Liên Xô có ít người giỏi chiêu mộ đạt tầm như nữ tình báo Elizabeta Zarubina. Tình báo viên Pavel Sudoplatov từng viết về cô: “Cô ấy rất đáng yêu và cởi mở, dễ dàng tạo mối quan hệ bạn bè với mọi người. Là một phụ nữ trang nhã với những nét đẹp cổ điển và tinh tế, cô ấy như thỏi nam châm thu hút mọi người về phía mình. Cô là một trong những người tuyển mộ điệp viên tinh thông nhất”.

Nữ tình báo Elizabeta Zarubina. Ảnh tư liệu.

Trong những năm hoạt động tại các nước châu Âu và Hoa Kỳ, Elizabeta Zarubina cùng với chồng mình là tình báo viên Vasily Zarubin đã chiêu mộ hàng trăm điệp viên. Họ đã mua chuộc được nhân viên cơ quan mật vụ Đức Gestapo là Willy Lehmann, để ông ta trở thành một trong những người cung cấp thông tin quan trọng nhất cho Liên Xô tại Đệ tam Quốc xã. Mạng lưới điệp viên do hai vợ chồng cô lập nên tại Đức vẫn tiếp tục hoạt động cho đến sau khi chế độ phát-xít bị đánh bại.

Elizabeta Zarubina là nhân viên tình báo đầu tiên của Liên Xô nhận được tin về việc Mỹ bắt đầu nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Sau khi kết bạn với vợ của lãnh đạo “Dự án Manhattan” RobertOppenheimer, cô hỗ trợ để chương trình bí mật bắt đầu thu hút được các nhà vật lý và toán học. Những người này sau đó đã chuyển những thông tin giá trị cho Moskva.

 

4. Melita Norvud

Nhờ có sự hỗ trợ của điệp viên Liên Xô mang biệt danh “Hola”, nhà lãnh đạo Joseph Stalin đã biết về chương trình hạt nhân của Anh quốc nhiều hơn một số thành viên nội các nước này. Trong gần 35 năm hoạt động, Melita Norvud đã sao chép cho Liên Xô những tài liệu mật liên quan đến việc Anh chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nữ tình báo Melita Norvud. Ảnh: Legion Media.

Nữ tình báo, đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô Melita Norvud được tiếp cận những thông tin như vậy sau khi cô được bố trí làm thư ký tại Hiệp hội nghiên cứu kim loại màu Anh quốc (BNFMRA), cơ quan phụ trách về chương trình hạt nhân. Cơ quan phản gián Mi5 của Anh từng vài lần có sự nghi ngờ đối với Melita, nhưng không tìm ra bằng chứng nào cho thấy cô hoạt động gián điệp.

Mãi đến năm 1992, điệp viên mang biệt danh “Hola” mới được được hé lộ danh tính, khi bà Melita Norvud đã bước sang tuổi 80. “Tôi làm việc này không phải vì tiền, mà là bảo vệ chế độ mới đã phải trả cái giá rất lớn để những người dân bình thường có cơm ăn, có cuộc sống xứng đáng, được giáo dục tốt và được chăm sóc y tế”, bà Melita Norvud khi đó nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm