Quốc tế

Những tên lửa chống hạm "bé hạt tiêu" nhưng sở hữu uy lực vô cùng đáng nể

DNVN - Những loại tên lửa chống hạm dưới đây có kích thước chỉ tương đương một quả tên lửa chống tăng, tuy nhiên chúng lại đang trở thành phương tiện xây dựng nên phương thức tác chiến của hải quân hiện đại.

Xe tăng hạng trung nội địa tối tân nhất khu vực Đông Nam Á / Tổng thống Trump kêu gọi Nga, Syria ngừng ném bom “chảo lửa” Idlib

Khi nhắc tới tên lửa hành trình chống hạm, mọi người thường nghĩ về những quả đạn có kích thước lớn hoặc rất lớn với tầm bắn xa, uy lực mạnh và giá thành cao.

Nhưng tác chiến hải quân hiện đại lại đang phải đối mặt nguy cơ mới đó là các tàu cao tốc cỡ nhỏ mà sử dụng tên lửa chống hạm truyền thống là quá tốn kém, đây là lúc để tên lửa chống hạm cỡ nhỏ ra đời và giành lấy ưu thế với những đại diện tiêu biểu sau đây.

Tên lửa chống hạm AGM-176 Griffin

Tên lửa chống hạm AGM-176 Griffin

AGM-176 Griffin là loại tên lửa có trọng lượng nhẹ với độ chính xác đảm bảo có thể tiêu diệt mục tiêu bằng động năng được phát triển bởi Raytheon cho Không quân Mỹ nhằm trang bị cho các máy bay chiến đấu không người lái.

Griffin được thiết kế để có thể phóng đi từ mặt đất, từ máy bay như một tên lửa không đối đất thông thường hoặc rơi có hiệu chỉnh như một quả bom dẫn hướng nhờ đầu dò laser kết hợp với hệ dẫn đường GPS trong giai đoạn bay quán tính.

AGM-176 chính thức được giới thiệu năm 2008; tên lửa có trọng lượng 20 kg; chiều dài 110 cm; đường kính thân 140 mm; mang theo đầu đạn nặng 5,9 kg; tầm bắn 5,6 km khi phóng từ mặt đất hoặc 20 km khi phóng từ trên không.

Tên lửa Griffin có thể sẽ sớm được trang bị cho tàu chiến đấu ven bờ LCS của Hải quân Mỹ nhằm chống lại các mục tiêu như xuồng vũ trang cao tốc của Iran khi mà các cuộc thử nghiệm đều cho kết quả tốt.

 

Tên lửa chống hạm C-701

Tên lửa chống hạm C-701

C-701 (còn gọi là YingJi-7) là loại tên lửa đối hạm cỡ nhỏ do Trung Quốc sản xuất, nó thường được so sánh với tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick của Mỹ, tuy nhiên C-701 có kích thước nhỏ hơn và trọng lượng chỉ bằng một nửa Maverick.

C-701 có thể triển khai trên các tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ hoặc từ bệ phóng cơ động trên mặt đất. Một phiên bản phóng từ trên không của C-701 nhằm trang bị cho trực thăng Z-9C mang tên YJ-9 đang được phát triển.

 

Tên lửa C-701 được đưa vào trang bị từ năm 1989. Thông số kỹ thuật cơ bản: trọng lượng 117 kg; chiều dài 2,507 m; đường kính thân 0,18 m; sải cánh 0,587 m và mang theo đầu đạn phá mảnh bán xuyên giáp với chế độ nổ giữ chậm nặng 29 kg.

Tầm bắn tối đa của C-701 đạt 25 km; tốc độ Mach 0,8; độ cao hành trình 15 - 20 m; đầu dò của tên lửa có thể là radar chủ động (C-701R) hoặc quang truyền hình (C-701T) hoặc hồng ngoại (C-701IR).

Tên lửa chống hạm Sea Skua

Tên lửa chống hạm Sea Skua

Sea Skua là tên lửa không đối hạm tầm ngắm, trọng lượng nhẹ do Tập đoàn British Aircraft thiết kế năm 1972 và chính thức đưa vào trang bị từ năm 1982.

 

Tên lửa Sea Skua thường được phóng đi từ trực thăng Westland Lynx, ngoài ra Hải quân Kuwait còn lắp loại tên lửa này trên tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ lớp Umm Al Maradem.

Sea Skua có trọng lượng 145 kg; chiều dài 2,5 m; sải cánh 0,72 m; đường kính thân 0,25 m; lắp đầu nổ giữ chậm nặng 30 kg.

Tên lửa trang bị động cơ nhiên liệu rắn cùng tầng khởi tốc cho tầm bắn tối đa 25 km, tốc độ hành trình Mach 0,8. Sea Skua được trang bị 2 cảm biến chính gồm: radar dẫn đường bán chủ động và radar đo cao AHV-7.

Tên lửa chống hạm AGM-119 Penguin

Tên lửa chống hạm AGM-119 Penguin

 

Penguin là loại tên lửa không đối hạm được sản xuất bởi hãng Kongsberg Defence & Aerospace (KDA) của Na Uy từ đầu những năm 1970. Hải quân Mỹ mua lại bản quyền sản xuất loại tên lửa này và định danh là AGM-119.

Penguin là loại tên lửa chống hạm đầu tiên của phương Tây được trang bị đầu dò hồng ngoại (khác với kỹ thuật dẫn hướng bằng radar chủ động phổ biến thời điểm đó).

Hiện nay tên lửa Penguin đã được cải tiến bằng việc nâng cấp đầu dò hồng ngoại, bổ sung chức năng tham chiếu GPS, thay động cơ phản lực thế hệ mới và đặc biệt là một máy tính đủ khả năng thực hiện và xử lý các tín hiệu số.

Phiên bản tên lửa Penguin phóng từ tàu chiến Mk 2 và phóng từ trên không Mk 3 có trọng lượng 385/370 kg; chiều dài 3,0/3,2 m; sải cánh 1,4/1,0 m; đường kính 0,28 m; mang theo đầu nổ giữ chậm nặng 120/130 kg.

 

Tầm bắn của Penguin Mk 2/Mk 3 đạt 34/55 km; vận tốc hành trình cận âm; sử dụng đầu dò xung laser/ hồng ngoại thụ động (phiên bản Mk 2) hoặc đầu dò hồng ngoại chủ động/radar đo cao (phiên bản Mk 3).

Phong Vũ (Theo Military Today)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm