Quốc tế

Những ván bài để ngỏ về eo biển Hormuz

Trong vòng 24 giờ, giới quan sát quốc tế liên tục dồn sự chú ý về eo biển Hormuz, để rồi cuối cùng tạm thở phào. Song, “chưa có gì thực sự căng thẳng xảy đến” không có nghĩa là “không thể có gì thực sự căng thẳng xảy đến”.

Iran bị nghi bắt tàu chở dầu “mất tích” tại eo biển Hormuz / Ukraine đe dọa dùng tên lửa Neptune bắn sập cầu vượt eo biển Kerch nối Nga với Crimea

Cho đến khi nào Mỹ và Iran chưa tìm được một điểm thỏa hiệp để bắt đầu ngồi xuống và đối thoại, những cơ cấu vận hành của guồng máy kinh tế thế giới vẫn hoàn toàn có thể bị ngáng trở.

Lời “nhắc nhở” của Tehran

Có thể tin là cả Anh lẫn Iran đều không muốn đẩy cao tình trạng căng thẳng xung quanh vụ Iran bắt giữ 23 thủy thủ cùng con tàu chở dầu treo cờ Anh mang tên Stena Impero (ngày 20/7).

Hãng thông tấn quốc gia Iran (ISNA) tuyên bố rằng giới chức Iran sẽ điều tra con tàu này cùng thủy thủ đoàn về một vụ va chạm với tàu cá bản địa ở ngoài khơi tỉnh Hormozgan, qua những vấn đề liên quan đến chuyên môn và kỹ thuật.

Eo biển Hormuz - yết hầu Vùng Vịnh.

Eo biển Hormuz - yết hầu Vùng Vịnh.

Động thái này khiến sự vụ trở nên hoàn toàn không còn giống (ít nhất là trên lý thuyết) với một hành động trả đũa cho việc tàu Iran Grace-1 bị chính quyền Anh tại eo biển Ginbraltar bắt giữ trước đó 2 tuần (và vừa gia hạn giam giữ thêm 30 ngày).

Trong khi đó, ông Tom Tugendhat - Chủ tịch Hạ viện Anh - nhận xét: “Sẽ là rất thiếu khôn ngoan nếu sử dụng các biện pháp quân sự để buộc Iran thả tàu Stena Impero”.

London cũng gợi ý rằng họ sẵn sàng thả tàu Grace-1 nếu phía Iran chứng minh được rằng con tàu ấy không vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) về việc cấm chuyển dầu tới Syria.

Nhưng, đó là những gì xảy ra vào ngày 20/7. Còn vào thời điểm một ngày trước đó, ngay khi nhận tin về chuyện Stena Impero “có biến”, phản ứng tức thời của London là lời cảnh báo của Ngoại trưởng Jeremy Hunt: “Chúng tôi khẳng định rõ ràng rằng nếu tình hình hiện tại không được giải quyết, những hậu quả nghiêm trọng hoàn toàn có thể xảy ra”.

Chưa rõ những hậu quả đó có thể là những kịch bản nào thì cũng lập tức, Chính phủ Anh khuyến cáo tàu thuyền của nước mình “tạm tránh đến eo biển Hormuz trong một thời gian”. Mà bởi vì Hormuz chính là yết hầu chặn các tuyến hải trình nối từ “rốn dầu” Vùng Vịnh ra thế giới nên việc tránh xa nó đồng nghĩa với những thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế.

 

Từ khía cạnh này, cho dù Stena Impero bị bắt giữ với lý do gì, nước Anh cũng đã nhận được một lời nhắc về cán cân nặng nhẹ trong những quyết định của mình.

Anh quốc không có cách nào phủ nhận rằng cùng Israel, họ là những đồng minh gần gũi và thân thiết nhất của nước Mỹ. Và họ cũng là một trong 6 cường quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký thỏa thuận lịch sử Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề hạt nhân của Iran năm 2015 - vấn đề đang bị Nhà Trắng xới lại để tạo nên không biết bao nhiêu sóng gió suốt 2 năm nay.

Quân bài trong tay áo

Không phải là khả năng nào bí mật, thậm chí là một hành động đương nhiên có thể được áp dụng nhưng kịch bản Iran phong tỏa eo biển Hormuz, bằng thủy lôi và bằng hải quân tương đối hùng mạnh của mình, vẫn luôn là bài toán khiến phương Tây đau đầu.

Nếu điều đó xảy ra, mọi chuyến tàu chở dầu từ khu vực sản xuất dầu mỏ chính của thế giới sẽ không thể hoạt động, đồng nghĩa với mọi guồng máy kinh tế bị ngưng trệ, đồng nghĩa với những biến động khôn lường về chi phí sản xuất, thị trường và doanh thu.

 

Tàu sân bay USS Boxer đã có mặt tại Vùng Vịnh.

Để ngăn cản điều đó xảy ra, để bảo đảm lợi ích cốt lõi của mình, Mỹ và các đồng minh chỉ còn cách sử dụng hành động quân sự thật mãnh liệt nhằm vào Iran, thông qua việc điều động những hạm đội hùng mạnh nhất của mình tới Vùng Vịnh. Song, Iran vẫn luôn có sự hậu thuẫn của đồng minh truyền thống là Nga - đại cường quân sự hàng đầu thế giới.

Chính bởi vậy, phong tỏa eo biển Hormuz là phương án thỉnh thoảng lại được Tehran nhắc tới, mỗi khi cảm thấy bị dồn ép quá mức. Nhưng, cũng chính bởi vậy, suốt thời kỳ bị cấm vận dai dẳng trước JCPOA, họ chưa từng sử dụng đến biện pháp đó. Đó là một quân bài để “lấy lại thế trận” trên bàn đàm phán, một vũ khí lưỡng bại câu thương mang tính răn đe hơn là một công cụ thực tế.

Tuy nhiên, bởi vì Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của mình đang gây nhiều áp lực cho Tehran không kém gì thời Washington liệt họ vào “trục ma quỷ”, bởi vì Anh, Pháp và Đức đang tỏ ra bất lực trong việc cứu vãn JCPOA và bởi vì động thái bắt giữ tàu Grace-1 có thể xem là một biểu hiện “về hùa” với Mỹ, rút cục, Iran cũng cần phải “tự vệ”. Họ không cho phép mình tỏ ra sợ hãi.

Trước đó, ngày 18/7, sau khi phía hải quân Mỹ tuyên bố bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Iran, Tehran khẳng định rằng chiếc máy bay ấy đã trở về căn cứ an toàn và họ sẽ công bố những hình ảnh chụp chiến hạm USS Boxer đang di chuyển tới eo biển Hormuz.

 

Những pha “nắn gân” nhau rất thú vị. Nhưng cuối cùng, sau tất cả, sẽ là điều gì?

Trò chơi cân não

Càng kéo dài tình trạng bế tắc trong căng thẳng này, nền kinh tế Iran càng thiệt hại nặng nề hơn, trong khi phía Mỹ hầu như chẳng “trầy xước” chút nào.

Ở một góc độ khác, không ai dám chắc rằng nếu có một cái cớ nào đó để đóng vai nạn nhân bị khiêu khích và tấn công trực diện, nước Mỹ hiện tại liệu có thực sự e dè, hay lập tức tận dụng một thứ “sự cố vịnh Bắc Bộ” mới?

Ở thế yếu, điều Tehran có thể làm (và nhất thiết sẽ khoét sâu) là khuếch đại những tổn thất của tất cả các bên liên quan, cho họ thấy rằng họ thiệt hại quá nhiều khi tuân thủ một cách máy móc những lệnh trừng phạt từ nước Mỹ.

 

Việc Stena Impero sẽ gợi lại và khắc họa sâu thêm những ý niệm đó, không chỉ với Anh mà còn với cả những quốc gia khác. Ví dụ, Bộ Ngoại giao Phillippines đã lên tiếng ngỏ ý sẽ đề nghị Iran trả tự do cho một công dân của nước mình, là một trong số 23 thủy thủ của con tàu ấy.

Trong khi đó, cũng ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: Việc Mỹ gây sức ép với Iran, cũng như sự áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp thuộc nước thứ ba là cội nguồn căng thẳng với Tehran.

“Quân tốt thí” Stena Impero.

Tuyên bố này được đưa ra bởi phía Mỹ áp đặt trừng phạt với các công ty Trung Quốc bị cáo buộc giúp Iran mua các vật liệu phục vụ chương trình hạt nhân. Nhưng, đối với Trung Quốc, họ kêu gọi “Mỹ lập tức điều chỉnh cách tiếp cận sai lầm này và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của tất cả các bên”.

Từ một nơi xa hơn, điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin kín đáo cảnh báo: “Điều này (tình thế đối đầu căng thẳng giữa Iran và phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh) khiến chúng tôi lo ngại, vì diễn ra gần đất nước của chúng tôi.

 

Tình trạng căng thẳng ấy có thể gây bất ổn tình hình xung quanh Iran, tác động tới một số quốc gia mà chúng tôi có mối quan hệ rất gần gũi, khiến làn sóng di cư ngày càng đông và gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế thế giới cũng như lĩnh vực năng lượng toàn cầu”.

“Leo thang căng thẳng sẽ gây bất lợi cho tất cả các bên”, ai cũng nhìn thấy điều đó, trừ những người muốn tạo nên căng thẳng.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ủy ban Điều phối Phong trào không liên kết (khai mạc ngày 20/7 tại Venezuela), Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc Maria Fernanda Espinosa Garces cũng nhấn mạnh: Chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế là những biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định cho thế giới.

Vấn đề là, một “Nước Mỹ trên hết” từ năm 2016 đã luôn từ chối chủ nghĩa đa phương. Còn bây giờ, khi đường đua mới đến vị trí Tổng thống Hoa Kỳ xem như đã mở, trong cuộc đọ sức không khoan nhượng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Donald Trump lại càng có lý do để cứng rắn đến tận cùng. Ông sẽ không để bị chỉ trích là nhu nhược, như chính ông từng chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama.

Đàm phán với Iran, bởi vậy, nhiều khả năng vẫn sẽ chỉ được “nhấc lên đặt xuống” như một quân bài chính trị mà không nhất thiết phải giải quyết “rốt ráo” trong tương lai gần. Cho đến khi đó, Tehran vẫn luôn phải tìm mọi cách để tập hợp bên mình thêm nhiều “nạn nhân”.

 

Theo Đông Phong/An ninh thế giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm