NI: Mỹ thích làm bá chủ nhưng sợ giáp chiến
Vì sao đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đi vào “ngõ cụt”? / Đội quân nhà giàu Saudi Arabia khiến trực thăng Apache Mỹ nhận trái đắng
Tuyên bố của Mỹ chỉ là...tuyên bố
“Mỹ rút lui”, “Mỹ suy yếu”, “Mỹ thực hiện chính sách biệt lập” là một trong số những chủ đề nổi bật đang được bàn luận sôi nổi, nhất là sau những động thái đáng chú ý của Washington như tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc Syria hay việc Tổng thống Donald Trump khăng khăng đòi tiền “phí” đảm bảo an ninh với các đồng minh hàng đầu như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, giới phân tích Mỹ đã chỉ ra rằng những tuyên bố của nước này dưới thời ông Trump có vẻ chỉ mang tính hình thức. Điều đáng bàn là ý đồ thực sự sau đó. Tờ National Interest (NI) bình luận, gần 3 năm sau khi ông Donald Trump đắc cử, đã đến lúc cần gác lại ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo này là người thúc đẩy một chính sách đối ngoại kiềm chế, ngày càng thu hẹp sự hiện diện quân sự hay chủ nghĩa biệt lập.
Theo tạp chí Mỹ, dù ông Trump dành không ít thời gian tại Phòng Bầu dục để chỉ trích việc Mỹ tham gia các tổ chức quốc tế, và rút dần khỏi công cuộc tự do hóa thương mại, ông đang háo hức hơn bao giờ hết trong việc duy trì sự hiện diện về mặt quân sự và sử dụng các lực lượng sát thương của Mỹ, khía cạnh tốn kém và quan trọng nhất đảm bảo vị thế toàn cầu của Mỹ.
Ông chủ Nhà Trắng có thể được ca ngợi là người tận tụy thúc đẩy mục tiêu đưa quân đội Mỹ về nước, nhất là các binh sỹ chiến đấu tại Trung Đông. Khi tuyên bố về ý định rút quân Mỹ khỏi Bắc Syria, ông Trump nhấn mạnh “nhiệm vụ của quân đội không phải là đảm bảo an ninh thế giới”.
Thế nhưng, NI cho rằng không một tổng thống nào đưa 3.000 quân tới Afghanistan và hàng nghìn binh sỹ khác tới Saudi Arabia lại có thể được xem là người nghiêm túc với ý định bỏ rơi Trung Đông. Cũng không một nhà lãnh đạo nào yêu cầu quân đội “đảm bảo an ninh” tại các mỏ dầu nước ngoài, ra lệnh tiến hành không kích ở nước ngoài và công khai nói về các hiệp ước phòng thủ chung mới có thể được xem là người tôn thờ chống chủ nghĩa can thiệp.
Trong một bài viết, NI đặc biệt nhấn mạnh tới “bằng chứng” về chính sách đối ngoại và quân sự của Chính quyền Tổng thống Trump là kế hoạch sử dụng các phương tiện không người lái (UAV). Từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump đã có những thay đổi để mở rộng hoạt động sử dụng máy bay không người lái phục vụ không quân và các lực lượng tình báo.
Ông Trump khôi phục quyền chỉ đạo các chiến dịch bằng máy bay không người lái cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) độc lập với Lầu Năm Góc (điều từng bị đình chỉ dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama); rút lại phần nào các quy định được đặt ra để đảm bảo tính minh bạch trong các trường hợp dân thường thiệt mạng do các cuộc không kích bằng máy bay không người lái, và chỉ đạo mở rộng căn cứ không quân tại Niger, nơi cả CIA và quân đội Mỹ đều có thể triển khai các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại Bắc Phi.
RQ-4 Global Hawk - Một trong những mẫu UAV "khủng" của Mỹ |
NI gọi đây là những hành động có chủ đích nhằm mở rộng hoạt động của máy bay không người lái về cả số lượng và phạm vi. Những con số cụ thể được dẫn ra như số lượng các cuộc không kích sử dụng máy bay không người lái dưới thời ông Trump đã gia tăng đáng kể. Theo Cục Báo chí Điều tra, đã có ít nhất 4.582 cuộc tấn công sử dụng máy bay không người lái tại Afghanistan từ tháng 1/2017, khiến khoảng 2.500 người thiệt mạng.
Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, tính trung bình mỗi ngày quân đội Mỹ tiến hành 4 cuộc không kích bằng máy bay không người lái. Nói cách khác, Mỹ đã phát động một chiến dịch không ngừng nghỉ nhằm triển khai các lực lượng sát thương tại nhiều vùng chiến sự.
Dựa dẫm vào máy bay không người lái
Giới phân tích Mỹ thừa nhận, ông Trump không phải người đi tiên phong trong cuộc chiến sử dụng máy bay không người lái. Chính quyền George W. Bush đã sử dụng loại vũ khí này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu tại Afghanistan, Pakistan, Yemen và Somalia. Máy bay không người lái được xem là công cụ hữu hiệu và tối ưu để tiến hành các cuộc tấn công tại những khu vực quân Mỹ không đồn trú hoặc có địa hình khó khăn không phù hợp để đổ bộ.
Máy bay không người lái ngày càng được sử dụng phổ biến trong chiến tranh. Tổng thống Obama đã sử dụng loại vũ khí này để chống lại chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông và tránh việc sa lầy vào các cuộc chiến tốn kém gây nhiều tranh cãi trong khu vực.
Các UAV giúp Mỹ tiến hành các cuộc tấn công từ xa một cách an toàn |
NI khẳng định, chính sự hiện diện của máy bay không người lái đã giúp ông Obama – người lên nắm quyền vào năm 2008 với cam kết chấm dứt Chiến tranh Iraq và giảm bớt những gánh nặng của quân đội Mỹ ở nước ngoài – có khả năng tiến hành các chiến dịch chống khủng bố mà không vấp phải sự tranh cãi của dư luận trong nước.
Trong năm đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã xóa bỏ các quy định dưới thời người tiền nhiệm Obama về việc sử dụng máy bay không người lái. NI cho rằng Tổng thống Trump rõ ràng đã cân nhắc kỹ việc đưa máy bay không người lái trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến không bao giờ kết thúc chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Theo tạp chí Mỹ, động thái này giúp Mỹ duy trì cam kết hiện diện mạnh mẽ ở nước ngoài trong thời gian cụ thể. Các máy bay không người lái cũng như các căn cứ không quân, và các căn cứ không quân đồng nghĩa với các đơn vị đồn trú và quan hệ đối tác an ninh phức tạp với các nước bản địa trên thế giới.
Bên cạnh đó, chiến lược sử dụng máy bay không người lái trong các vụ không kích cho thấy Mỹ đang tiến hành các chiến dịch “bảo vệ an ninh” trên toàn thế giới dù ông Trump từng tuyên bố nước này không phải là “sen đầm” quốc tế. Dù các cuộc không kích bằng máy bay không người lái giúp giảm bớt số lượng binh sĩ Mỹ chiến đấu trên thực địa, song các chiến dịch này vẫn bị xem là hành động can thiệp quân sự ở bên ngoài.
Một UAV được trang bị đầy tên lửa của Mỹ |
NI khẳng định, dưới thời ông Trump, Mỹ đã lựa chọn tiến hành trên quy mô sâu hơn, rộng hơn và thường xuyên hơn một cuộc chiến mà họ có thể dần rút lui. Điều này cho thấy ông Trump không cam kết thu hẹp, hay kiềm chế sức mạnh và sự hiện diện quân sự Mỹ.
Trái lại với những chủ đề được nêu ngay từ đầu, chính quyền của ông Trump đang thúc đẩy là vị thế hàng đầu về mặt quân sự của Mỹ trên thế giới, mà theo NI là khả năng can thiệp quân sự tại bất kỳ đâu mà họ cảm thấy cần thiết.
Không phải đặc quyền của Mỹ
Tuy nhiên, cuộc chiến bằng máy bay không người lái không phải là đặc quyền của Mỹ. Nếu Washington có thể triển khai các cuộc tấn công bằng loại vũ khí này thì nhiều lực lượng khác cũng có thể làm điều tương tự, thậm chí với chi phí thấp hơn, tính bất ngờ cao hơn và đạt hiệu quả cao hơn.
Ví dụ điển hình là vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hôm 14/9. Giới phân tích cho rằng sự kiện này không chỉ làm bộc lộ sự yếu kém của Riyadh trước khả năng chống đỡ và đáp trả các vụ oanh kích bằng máy bay không người lái, mà còn cho thấy cách thức các hệ thống phòng thủ truyền thống bị phá vỡ bởi công nghệ mới giá rẻ như thế nào.
Một UAV chiến đấu của Iraq mua từ Trung Quốc |
Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Saudi Arabia là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và ước tính đã chi 65 tỷ USD vào mua sắm vũ khí chủ yếu từ Mỹ trong năm 2018. Hệ thống phòng không của Saudi bao gồm hệ thống radar tân tiến nhất, các phi đội máy bay chiến đấu như F-15 và tên lửa Patriot để đánh chặn tên lửa được phóng từ lãnh thổ của kẻ thù.
Tuy nhiên, vụ tấn công hôm 14/9 nhằm vào cơ sở chế biến dầu mỏ Abqaiq thuộc tập đoàn năng lượng quốc gia Aramco và mỏ dầu Khurais đã làm giảm sản lượng khai thác 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương 1/2 sản lượng khai thác của quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ đạo trên thế giới này. Chuyên gia Becca Wasser, thuộc cơ quan nghiên cứu RAND của Mỹ thừa nhận việc Houthi sử dụng máy bay không người lái tấn công Saudi Arabia đã bộc lộ những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của nước này.
Theo giới chuyên gia, mối đe dọa từ máy bay không người lái tiếp tục gia tăng, làm thay đổi cách thức mà các nước tự bảo vệ mình đồng thời cho thấy cách thức mà lực lượng nổi dậy đầu tư phát triển vũ khí cho riêng họ.
Một chiếc UAV của phiến quân Syria bị Nga thu giữ |
Hãng tin AFP dẫn lời một kỹ sư quân sự người Pháp nhận định: "Vấn đề là không có một hệ thống đơn lẻ nào cho phép bạn đối phó với mọi tình huống, và mối đe dọa từ máy bay không người lái thì không ngừng gia tăng".
Các thiết bị không người lái được các cường quốc quân sự như Mỹ, Anh, Israel sử dụng khoảng 10 năm trước với những cái tên như Predator, Reaper hay Hermes. Nhắc đến tên gọi của các thiết bị đã có thể cảm nhận được các cường quốc này đánh giá rất cao sức mạnh của chúng.
Trang ABC News bình luận: “Thời thế đã thay đổi với sự phát triển của công nghệ ở cả thị trường dân sự và quân sự. Giá cả của các thiết bị không người lái đã giảm đáng kể nhưng độ hữu dụng tăng lên nhanh chóng”.
Điều này cho phép nhiều nước nhanh chóng phát triển các chương trình máy bay không người lái có khả năng tấn công. Sự tham gia cuộc chạy đua công nghệ bay không người lái của các nhân tố ngoài quốc doanh đã góp phần phổ biến công nghệ này. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị nổ tự chế tạo (IED) của quân nổi dậy trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Iraq sau năm 2003 đã cho thấy một sự tiến triển khác trong cuộc đua.
UAV chiến đấu Okhotnik (trái) của Nga sóng đôi với Su-57 |
Những thiết bị như vậy có thiết kế đơn giản, thường chỉ cần một số đạn pháo, mìn và một kíp nổ từ xa, chẳng hạn như điện thoại di động. Với cấu trúc không quá phức tạp, IED nhanh chóng trở nên nguy hiểm với khả năng gây thương vong cho quân đồng minh. Đồng thời, khả năng điều khiển từ xa cho phép tránh các cuộc đối đầu trực tiếp và hạn chế sự vượt trội về công nghệ quân sự của quân đồng minh. Thành công của IED ở Iraq đã dẫn tới sự phát triển của loại vũ khí này ở các chiến trường khác như Afghanistan và Somalia.
Một cường quốc quân sự như Nga cũng đang nếm trải cảm giác này khi bị tấn công bằng máy bay không người lái ở Syria. Theo ABC News, dù nhiều quốc gia đã tìm cách ngăn chặn mối đe dọa này thông qua các phương tiện công nghệ cao và đắt tiền, nhưng về cơ bản, các thiết bị bay không người lái vẫn đang là một công cụ hiệu quả của các lực lượng nổi dậy, khiến ngay cả các cường quốc cũng phải e ngại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này
Mỹ không dễ "buông bỏ" những miếng ngon như dầu mỏ ở Syria