Quốc tế

Vì sao đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đi vào “ngõ cụt”?

Các cuộc đàm phán Mỹ - Triều nhằm giải trừ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn rơi vào bế tắc sau mọi nỗ lực từ cả hai phía.

Nga rào kín biên giới bằng lưới mắt thần dày đặc / Quân đội Nga tiến vào "thủ đô" của khủng bố Nhà nước Hồi giáo

Vì sao đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đi vào “ngõ cụt”? - 1

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt ra hạn chót cuối năm để Mỹ thay đổi lập trường trong các cuộc đàm phán song phương. Tuy nhiên, giới chức Mỹ không thực sự coi trọng cảnh báo này của Bình Nhưỡng.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc tuần trước tuyên bố, vấn đề phi hạt nhân hóa bây giờ đã được đưa ra khỏi bàn đàm phán với Mỹ.

Hãng tin Reuters đã “điểm mặt” một số vấn đề mâu thuẫn giữa Mỹ và Triều Tiên khiến các cuộc đàm phán giữa hai nước liên tục rơi vào bế tắc.

Chính sách thù địch

Một đặc phái viên của Triều Tiên đã cáo buộc các quan chức Mỹ khăng khăng giữ “thái độ và quan điểm cũ” khi các cuộc đàm phán giữa hai nước diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển hồi tháng 10 bị sụp đổ. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà ngoại giao Mỹ - Triều sau khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi cuối tháng 6 đồng ý nối lại đàm phán trong cuộc gặp tại đường biên giới liên Triều.

 

Hiện không có nhiều thông tin về những gì Mỹ và Triều Tiên đã đề xuất và tìm kiếm trong cuộc đàm phán hồi tháng 10.

Tuy nhiên, Triều Tiên cho đến nay vẫn yêu cầu Mỹ phải có động thái “có qua có lại” sau khi Bình Nhưỡng dỡ bỏ một cơ sở thử nghiệm hạt nhân. Một trong những điều mà Bình Nhưỡng kỳ vọng là Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 2, Triều Tiên đã đề xuất xóa sổ tổ hợp hạt nhân Yongbyon của nước này để đổi lấy việc hủy bỏ 5 nghị quyết trừng phạt chính của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng việc Triều Tiên phá hủy Yongbyon vẫn chưa đủ. Washington kêu gọi Bình Nhưỡng chuyển vũ khí hạt nhân và nhiên liệu chế tạo bom hạt nhân tới Mỹ.

Triều Tiên cũng thông báo đã dỡ bỏ cơ sở phóng tên lửa Sohae, coi đây là bước đầu tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, Triều Tiên lại sử dụng chính cơ sở này để thực hiện một vụ thử nghiệm mà Bình Nhưỡng tuyên bố là “rất quan trọng” hôm 8/12.

 

Triều Tiên cũng liên tục kêu gọi Mỹ dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, đồng thời yêu cầu Washington dừng “chính sách thù địch”, bao gồm việc chỉ trích vấn đề nhân quyền của Bình Nhưỡng.

Phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Vì sao đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đi vào “ngõ cụt”? - 2

Hình ảnh vụ phóng thử pháo siêu lớn của Triều Tiên hôm 28/11 (Ảnh: KCNA)

Theo một nguồn tin ngoại giao giấu tên tại Seoul, Hàn Quốc, giới chức Mỹ bước tới bàn đàm phán tại Stockholm nhằm tìm kiếm mục tiêu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” Triều Tiên. Ngoài ra, các nhà đàm phán Mỹ cũng hối thúc Triều Tiên dừng các vụ thử vũ khí, coi đây là bước đầu tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Mặc dù một số thông tin trên truyền thông nói rằng, Mỹ đã lên kế hoạch đề xuất dỡ bỏ tạm thời các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu than đá và hàng may mặc của Triều Tiên, song nguồn tin ngoại giao trên cho biết cuộc đàm phán tại Stockholm không thảo luận chi tiết về vấn đề này.

 

Mỹ và Hàn Quốc đã cân nhắc về những lĩnh vực khả thi để nới lỏng trừng phạt Triều Tiên, với điều kiện là các lệnh trừng phạt này có thể được áp đặt trở lại nếu cần thiết. Một trong số đó là nối lại các chuyến du lịch của người Hàn Quốc tới Triều Tiên.

Ngược lại, Triều Tiên vẫn tìm kiếm “sự bảo đảm mang tính hệ thống” cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và loại bỏ hoàn toàn 5 nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

5 nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc được đưa ra vào các năm 2016 và 2017, giới hạn đáng kể hoạt động xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên và cấm các giao dịch tài chính quốc tế, ngăn chặn Bình Nhưỡng kiếm ít nhất 1 tỷ USD/năm.

Mặc dù Triều Tiên vẫn kỳ vọng các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ, song nguồn tin ngoại giao nói rằng Mỹ không thể đánh cược bằng việc nới lỏng trừng phạt và trao cho Triều Tiên những món quà mà không đạt được bước tiến triển đáng kể nào về việc phi hạt nhân hóa.

“Các lệnh trừng phạt về cơ bản là tất cả những gì mà họ (Mỹ) phải gây sức ép với Triều Tiên”, nguồn tin cho biết.

 

Các nhà đàm phán Mỹ đã chọn thời điểm cho cuộc đàm phán tiếp theo với Triều Tiên sau khi cuộc gặp tại Stockholm bị đổ vỡ. Tuy nhiên, giới chức Triều Tiên được cho là vẫn chưa hợp tác.

Hạn chót với Mỹ

Khi hạn chót cuối năm sắp tới gần, Triều Tiên đã có các động thái gia tăng căng thẳng, phóng hàng chục tên lửa và cảnh báo rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể chọn một con đường khác nếu con đường ngoại giao với Mỹ thất bại.

Một chỉ huy quân sự Triều Tiên tuần trước cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un “không hài lòng” với những phát ngôn của Tổng thống Donald Trump rằng ông có thể sử dụng vũ lực quân sự chống lại Bình Nhưỡng nếu cần thiết.

Cuộc đua tái tranh cử tổng thống và cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump có thể khiến Triều Tiên càng tự tin vào thế mạnh của nước này trên bàn đàm phán.

 

Các vụ thử vũ khí gần đây làm dấy lên quan ngại rằng Triều Tiên có thể nối lại các vụ thử tên lửa và hạt nhân, vốn dừng lại từ năm 2017. Giới phân tích mô tả vụ phóng các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên hồi tháng trước là lời nhắc nhở với Tổng thống Trump.

“Triều Tiên đang đẩy dần mọi thứ vượt qua giới hạn bằng các vụ thử, và người Mỹ nói rằng các vụ thử này không phải là vấn đề quá lớn, tuy nhiên họ không thoải mái với điều đó. Nếu không có bất kỳ tiến triển nào trước cuối năm nay, Triều Tiên sẽ làm điều gì đó, có thể là một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Khi đó, Mỹ sẽ không có phương án nào ngoài việc đáp trả cứng rắn, và trong tình huống xấu nhất, các cuộc đàm phán có thể đổ vỡ mãi mãi”, nguồn tin ngoại giao nhận định.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm