Quốc tế

Nỗi 'thèm khát' của các nước F/A-18C đã bị Mỹ loại biên

Tiêm kích hạm F/A-18C Hornet được đánh giá là một trong những dòng chiến đấu cơ hải quân tốt nhất thế giới, mặc dù ra đời đã lâu nhưng tính năng của nó tỏ ra còn vượt trội hơn nhiều so với 'đàn em' sau này.

Trong nhiều thập kỷ, tiêm kích hạm F/A-18C Hornet là máy bay chiến đấu và tấn công chủ lực của Hải quân Mỹ, được triển khai trên mọi tàu sân bay của nước này.

F/A-18C Hornet giữ vai trò như một máy bay chiến đấu hộ tống và phòng không hạm đội. Trong chế độ tấn công, nó được sử dụng để oanh kích, can thiệp và hỗ trợ không chiến cự ly trong cũng như ngoài tầm nhìn.

Vào ngày 2/10, chiếc F/A-18C Hornet cuối cùng của Hải quân Mỹ đã được giao cho phi đội tiêm kích (VFA) số 106 để thực hiện chuyến bay trực chiến chính thức cuối cùng tại một căn cứ không quân hải quân.

Ngày 5/10 đánh dấu chuyến bay của chiếc F/A-18C cuối cùng còn hoạt động trong biên chế Hải quân Mỹ, Chuẩn Đô đốc Brian Becker - chỉ huy lực lượng không quân hải quân khu vực Đại Tây Dương cho biết.

Máy bay cất cánh từ NAS Oceana cùng với 3 chiếc Super Hornet F/A-18F, chuyến bay kéo dài một tiếng rưỡi và trở về Oceana, nơi nó sẽ chính thức được "nhận sổ hưu" sau khi đã làm xong quy trình tháo bỏ phụ tùng.

Chiếc máy bay huyền thoại này đã phục vụ suốt 31 năm trong thành phần phi đội số 106 đóng tại sân bay Cecil Florida, nó đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm vào ngày 14/10/1988.

Chuẩn đô đốc Becker nói thêm rằng dòng tiêm kích hạm F/A-18C đã có thời gian phục vụ đáng ngưỡng mộ trong hơn 30 năm và nêu bật lịch sử của nó trong ngành hàng không hải quân.

Bên cạnh đó, ông Becker còn cho biết cải tiến công nghệ của F/A-18C đã được tiếp tục trên phiên bản nâng cấp F/A-18 E/F/G và giúp Hải quân Mỹ có sự chuyển đổi tốt từ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 sang thứ 5.

Trong năm ngoái, đơn vị không quân tiêm kích số 106 đã chuyển giao hơn 50 chiếc F/A-18 Hornet cho nhiều bộ chỉ huy hàng không hải quân của Mỹ, cũng như đưa về chế độ bảo quản để sử dụng trong tương lai nếu cần.

Cả hai biến thể F/A-18A và F/A-18C Hornet hiện đã được thay thế bằng phiên bản nâng cấp F/A-18E/F Super Hornet tối tân hơn nhiều, nhận biết rõ nhất đó là thế hệ sau sử dụng cửa hút khí hình chữ nhật kích thước lớn hơn.

Mặc dù tuổi đời đã khá cao nhưng tính năng kỹ chiến thuật của F/A-18C Hornet vẫn được đánh giá trội hơn J-15 của Trung Quốc hay Su-33 và MiG-29K của Nga.

Việc không quân Hải quân Mỹ cho dòng chiến đấu cơ này "nhận sổ hưu" chắc chắn sẽ khiến cho nhiều quốc gia đang còn vận hành tiêm kích này cảm thấy vô cùng tiếc nuối.

Tuy nhiên nếu có nhu cầu thì họ hoàn toàn có cơ hội tiếp nhận những chiếc chiến đấu cơ đặc biệt này thông qua chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa - EDA của Mỹ.

Rất nhiều chiếc F/A-18C Hornet sẽ vẫn được lưu trữ tại căn cứ không quân Davis-Monthan tại bang Arizona thêm một thời gian dài nữa trước khi chính thức bị tháo dỡ lấy sắt vụn.

Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo