Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96, lãnh đạo thế giới gửi lời chia buồn
G7 thông qua quyết định áp trần giá dầu nhập khẩu của Nga / Đồng Yen xuống thấp nhất trong 24 năm
"Cái chết của Mẹ yêu dấu của tôi, Nữ hoàng, là một khoảnh khắc đau buồn lớn nhất đối với tôi và tất cả các thành viên trong gia đình tôi", con trai cả của Nữ hoàng Elizabeth II, Charles, nói.
"Chúng tôi vô cùng thương tiếc sự ra đi của một Nữ hoàng đáng kính và một người mẹ được nhiều người yêu mến. Tôi biết sự ra đi của bà sẽ được cảm nhận sâu sắc trên khắp đất nước, Vương quốc và Khối thịnh vượng chung, cũng như vô số người trên khắp thế giới", người đàn ông 73 tuổi cho biết trong một tuyên bố.
Tin tức về việc sức khỏe của Nữ hoàng đang xấu đi xuất hiện ngay sau buổi trưa ngày 8/9 khi các bác sĩ của bà cho biết bà đang được giám sát y tế, khiến thành viên trong gia đình bà phải gấp rút đến Scotland để ở bên cạnh bà.
Hàng nghìn người tập trung bên ngoài Cung điện Buckingham, ở thủ đô London của nước Anh, và lặng đi khi lá cờ được hạ xuống. Đám đông tràn đến cổng khi thông báo thông báo về cái chết của Nữ hoàng, người đã trị vì nước Anh trong 7 thập kỷ qua.
Các quan chức hoàng gia cho biết, Vua Charles III và phu nhân, Hoàng hậu Camilla sẽ ở lại lâu đài Balmoral, nơi Nữ hoàng qua đời, trước khi trở về London vào ngày 9/9. Vua Charles III dự kiến sẽ phát biểu trước người dân Anh và gặp Thủ tướng Liz Truss. Thông tin chi tiết về đám tang hiện vẫn chưa được xác nhận.
Không chỉ là người có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị còn là vị vua có thời gian tại vị lâu nhất thế giới. Bà là vị Nữ hoàng đáng kính trong lòng người dân nước Anh. Theo hiến pháp, Nữ hoàng Anh có vai trò quan trọng trong các hoạt động mang tính nghi lễ của đất nước. Vai trò thực tế của Nữ hoàng là trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước, giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.
Trên bình diện quốc tế, Elizabeth đệ nhị là vị Nữ hoàng đặc biệt và đáng kính. Trong 70 năm qua, bà đã có các cuộc gặp và đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có 13 vị Tổng thống Mỹ. Không chỉ là nguyên thủ của Anh, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị còn là nguyên thủ của Khối Thịnh vượng chung, tổ chức liên chính phủ gồm 53 quốc gia thành viên. Ngoài Anh, bà còn là Nữ hoàng của 14 quốc gia khác trong khối, trong đó có Canada, Australia và New Zealand.
Sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời, Thái tử Charles trở thành Vua của Vương quốc Anh và là nguyên thủ quốc gia của 14 vương quốc khác bao gồm Australia, Canada và New Zealand. Ông dự kiến sẽ đến thăm tất cả các quốc gia thuộc Vương quốc Anh trong những ngày tới.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới vào ngày 8/9 đã gửi lời chia buồn và bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời vào chiều cùng ngày (theo giờ địa phương).
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ: "Là nguyên thủ quốc gia trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II được nhiều người mến mộ vì phẩm giá và sự cống hiến của bà trên khắp thế giới. Nữ hoàng Elizabeth II là người bạn tốt của Liên Hợp Quốc. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Nữ hoàng vì sự cống hiến bền bỉ, suốt đời của bà trong sự nghiệp phụng sự nhân dân. Thế giới sẽ mãi ghi nhớ sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của bà".
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, "trong một thế giới liên tục thay đổi, Nữ hoàng Elizabeth II là sự hiện diện vững chắc và nguồn an ủi cũng như niềm tự hào của nhiều thế hệ người Anh. Di sản của bà in đậm trong những trang sử của nước Anh và trong câu chuyện về thế giới chúng ta."
Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá: "Nữ hoàng Elizabeth II đã luôn cho chúng ta thấy tầm quan trọng của những giá trị lâu dài trong thế giới hiện đại bằng sự phục vụ và cam kết của mình".
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: "Nữ hoàng Elizabeth II đại diện cho tính liên tục và thống nhất của nước Anh trong hơn 70 năm qua. Bà là một người bạn của nước Pháp, một nữ hoàng nhân hậu, người đã để lại dấu ấn lâu dài cho đất nước và thế kỷ của bà".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được nhớ đến "như một nhà lãnh đạo kiên trung trong thời đại của chúng ta. Sự lãnh đạo của bà đã truyền cảm hứng cho đất nước và dân tộc của mình. Thật đau buồn trước sự ra đi của bà. Xin chia buồn với gia đình bà và người dân Vương quốc Anh".
Theo Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, "Nữ hoàng Elizabeth II là người phụ nữ định hình thế kỷ. Bà đã chứng kiến và viết nên lịch sử đương đại".
Ngoại trưởng Đức Annalena Bearbock đánh giá, "Nữ hoàng Elizabeth II là nguồn sức mạnh mang lại sự tự tin cho đất nước của bà trong gần 100 năm. Nước Đức sẽ mãi biết ơn bà vì đã tiếp cận chúng tôi cho các nỗ lực hòa giải sau thảm họa Chiến tranh thế giới thứ hai".
Công chúa Elizabeth của Anh bắt tay cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, ngày 22/3/1950. (Ảnh: AP)
Công chúa Elizabeth cưỡi ngựa ở Công viên Windsor, Windsor, Anh, tháng 4/1935. (Ảnh: AP)
Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh vẫy tay chào những người ủng hộ từ ban công tại Cung điện Buckingham, năm 1953. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nữ hoàng Elizabeth II cưỡi ngựa trong khuôn viên của Lâu đài Windsor, Anh, ngày 8/6/1982. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, phải, và Nữ hoàng Elizabeth II đứng cùng Tổng thống Pháp Valery Giscard d'Estaing, tại Cung điện Buckingham ở London, tháng 5/1977. (Ảnh: AP)
Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Hoàng thân Philip trong Lễ bế mạc Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung lần thứ 12, tại Trung tâm Thể thao Nữ hoàng Elizabeth II, ở Brisbane, Australia, ngày 9/10/1982. (Ảnh: AP)
Tổng thống George H. W. Bush hộ tống Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip trên sân vận động Memorial vào ngày 15/5/1991, ở Baltimore. (Ảnh: AP)
Ảnh chụp ngày 17/4/2000, Nữ hoàng Anh Elizabeth II nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Windsor, Anh. (Ảnh: AP)
Tổng thống George W. Bush, trái và đệ nhất phu nhân Laura Bush đi dạo với Nữ hoàng Elizabeth II của Anh, ngày 21/11/2003. (Ảnh: AP)
Nữ hoàng Elizabeth II duyệt Lễ duyệt binh tại Học viện Quân sự Hoàng gia ở Sandhurst, Anh, ngày 12/4/2006. (Ảnh: AP)
Nữ hoàng Elizabeth II và Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự một bữa tiệc cấp nhà nước ở Cung điện Buckingham, London, ngày 24/5/2011. (Ảnh: AP)
Ảnh chụp Nữ hoàng vào ngày 18/12/2012. (Ảnh: AP)
Nữ hoàng cùng các thành viên gia đình Hoàng gia Anh trên ban công của Cung điện Buckingham, ngày 10/7/2018. (Ảnh: AP)
Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Thủ tướng Boris Johnson ở Lâu đài Windsor, Windsor, Anh, ngày 19/10/2021. (Ảnh: AP)
Nữ hoàng Anh Elizabeth II chào đón tân thủ tướng Anh Liz Truss tại Balmoral, Scotland, ngày 6/9/2022. (Ảnh: AP)
Hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth II được chiếu lên một màn hình lớn ở London, ngày 8/9/2022. (Ảnh: AP)
End of content
Không có tin nào tiếp theo