Đằng sau động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+
Top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới / “Cơn gió ngược” mới của kinh tế Trung Quốc
Như vậy, OPEC+ đã quyết định phớt lờ sức ép và những lời kêu gọi của các nước phương Tây để tiếp tục hướng tới giữ giá dầu ở mức cao.
Giá dầu đã giảm từ mức trung bình khoảng 120 USD/thùng hồi tháng 7 về dao động xung quanh mốc 95 USD/thùng thời gian gần đây.
Đi đầu trong bước đi cắt giảm của OPEC+ ngày hôm qua là Saudi Arabia đã từng cho rằng xu thế giảm của giá dầu đã bị thị trường cường điệu hóa, hay nói cách khác là tâm lý thị trường đang không kỳ vọng nhiều vào mặt hàng dầu, có xu hướng đẩy giá đi xuống. OPEC+, ngày hôm qua, đã quyết định hành động để đảo ngược xu thế này.
Thời báo Khaleej (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) bình luận OPEC+ đã cho thấy họ có thái độ thận trọng với tâm lý của thị trường hiện nay, cùng với thanh khoản mỏng và việc Trung Quốc tiếp tục gia hạn các biện pháp đóng cửa nhằm ngăn chặn COVID-19.
OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày trong tháng 10. (Ảnh minh họa - Ảnh: Eagle)
Nếu nhìn lại lịch sử, như giai đoạn 2010 - 2014, giá dầu khi ấy cũng ở mức cao, dao động xung quanh mốc 100 - 110 USD/thùng, sau đó tháng 3/2016, giá dầu tụt dốc xuống chỉ còn 30 USD/thùng/thùng, với sự suy giảm kinh tế và sự bùng nổ của dầu khí đá phiến.
Bước đi cắt giảm 100.000 thùng/ngày trong tháng 10 của OPEC+ được cho là không đáng bao nhiêu. Tuy nhiên nó lại được xem là có tính biểu tượng cao, gửi một tín hiệu tới thị trường là OPEC+ đang ở chế độ sẵn sàng kiềm giữ giá và sẽ ngăn chặn tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư.
Bước đi cắt giảm dầu của OPEC+ lại trúng đúng vào thời điểm Nhóm các nước Công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) quyết định áp mức trần đối với giá dầu nhập khẩu của Nga. Vì vậy, không ít người cho rằng OPEC+ cắt giảm sản lượng có thể một phần đến từ sức ép của Nga muốn đáp trả G7.
Tuy nhiên thực tế, theo tiết lộ của trang báo Egypt Oil and Gas (Ai Cập), Nga lại là quốc gia phản đối việc OPEC+ cắt giảm trở lại sản lượng. Nguyên nhân là Nga đang bán dầu ổn định cho các khách hàng châu Á, bất chấp các lệnh của phương Tây. Moscow không thấy có lý do để phải cắt giảm sản lượng.
Dư luận Trung Đông đã không đưa ra một dự đoán về giá dầu sau bước đi cắt giảm của OPEC+. Dù vậy nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu giá có bị biến động vì bước đi này thì cũng chỉ thuần túy xuất phát từ yếu tố tâm lý, do đó ảnh hưởng sẽ chỉ trong ngắn hạn. Lý do là bởi OPEC+ quyết định cắt giảm mức sản lượng mục tiêu 100.000 thùng/ngày. Tuy nhiên điều này không có ý nghĩa gì khi mức sản lượng thực tế các nước OPEC+ đáp ứng hiện nay vẫn đang thấp hơn tới gần 3 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng mục tiêu họ đề ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo