Quốc tế

Ông Antony Blinken - Người được chọn cho chiếc ghế nóng Ngoại trưởng Mỹ tương lai là ai?

Antony J. Blinken, người ủng hộ các tổ chức đa phương kiêm cố vấn chính sách đối ngoại của ông Joe Biden, được đề cử làm Bộ trưởng ngoại giao Mỹ.

Mỹ có tham vọng gì khi thành lập Lực lượng đổ bộ vũ trụ? / Tên lửa nguy hiểm nhất hành tinh Stinger sắp bị Mỹ ‘khai tử’

Dày dạn kinh nghiệm

Ông Antony J. Blinken, 58 tuổi, đã đồng hành với ông Joe Biden trong gần 20 năm qua trong đó có giai đoạn giữ cương vị trợ lý cấp cao nhất cho ông Biden tại Ủy ban đối ngoại thượng viện.

Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton.

Ông từng đảm nhiệm vai trò trợ lý cấp cao của ứng cử viên Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, sau đó là cố vấn an ninh quốc gia khi ông Biden còn là Phó tổng thống Mỹ. Những bước đi và phản ứng của nước Mỹ trước nhiều biến động chính trị và bất ổn xảy ra tại khắp Trung Đông, Ai Cập, Iraq, Syria và Libya thời đó mang dấu ấn quan trọng của ông Blinken.

Chính sách đối ngoại tới đây của ông được kỳ vọng sẽ có thể xoa dịu giới ngoại giao Mỹ cũng như những nhà lãnh đạo toàn cầu sau 4 năm nước Mỹ được dẫn dắt bởi tổng thống Donald Trump.

Antony Blinken - Người được chọn cho chiếc ghế nóng Ngoại trưởng Mỹ tương lai là ai? - Ảnh 1.
Antony J. Blinken, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama. Nguồn: AP.

Ông Joe Biden cũng đề cử một trợ lý thân cận khác là ông Jake Sullivan làm cố vấn an ninh quốc gia. Ông Jake Sullivan từng là người đứng đầu hoạch định các chính sách tại Bộ Ngoại giao dưới thời bà Hillary Clinton làm bộ trưởng ngoại giao Mỹ, sau đó ông trở thành cố vấn chiến lược thân cận nhất của bà.

Antony J. Blinken và Jake Sullivan được cho là những người có thể thay ông Biden nói lên tiếng nói riêng có thông qua các chính sách đối ngoại. Họ phản đối quan điểm "America First" – "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump vì cho rằng nó chỉ khiến nền kinh tế đứng đầu thế giới thêm cô lập và tạo ra khoảng trống cho các đối thủ chen chân.

Gần hơn với khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ nhưng không khoan nhượng với Nga

Thế giới đang chờ đợi một nước Mỹ tái thiết về chính sách ngoại giao nếu ông Blinken nhậm chức bộ trưởng ngoại giao Mỹ, một nước Mỹ sẵn sàng tham gia các thỏa thuận và thể chế toàn cầu bao gồmHiệp định Parisvề khí hậu, Chương trình Hạt nhân của Iran và Tổ chức Y tế Thế giới, những thoả thuận mà tổng thống Donald Trump đã rút khỏi.

Antony Blinken - Người được chọn cho chiếc ghế nóng Ngoại trưởng Mỹ tương lai là ai? - Ảnh 2.

Thế giới đang chờ đợi một nước Mỹ tái thiết về chính sách ngoại giao nếu ông Blinken nhậm chức bộ trưởng ngoại giao Mỹ. Nguồn: Washington Post.

 

"Ngay cả một quốc gia lớn mạnh như Mỹ cũng không thể một mình đối phó với tất cả" - Ông Blinken từng tuyên bố.

Theo quan điểm của ông, việc Mỹ hợp tác với các quốc gia khác sẽ "chắp thêm đôi cánh" cho nền kinh tế đứng đầu thế giới trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc thông qua các chính sách đa phương, đầu tư công nghệ và nhân quyền thay vì buộc các quốc gia riêng lẻ phải lựa chọn giữa hai nền kinh tế.

Điều đó đồng nghĩa với việc mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực Thái Bình Dương sẽ được củng cố. Khu vực Thái Bình Dương cũng chính là nơi mà 14 quốc gia mới đây đã ký một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, viết tắt là RCEP. Hiệp định này có sự tham gia của Trung Quốc.

Chính sách này dưới thời chính quyền tổng thống mới có thể làm khăng khít hơn quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ, quốc gia được Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng.

 

Mỹ cũng sẽ công nhận châu Âu là đối tác "đầu tiên thay vì cuối cùng" trong nhiều kế hoạch sắp tới.

Antony Blinken - Người được chọn cho chiếc ghế nóng Ngoại trưởng Mỹ tương lai là ai? - Ảnh 4.

Ông Antony J. Blinken cho biết việc Mỹ hợp tác với các quốc gia khác sẽ "chắp thêm đôi cánh" cho nền kinh tế đứng đầu thế giới. Nguồn: Bloomberg.

Ông Blinken sẽ có khoảng 15 ngày nếu nhậm chức để gia hạn thêm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn với Nga, thỏa thuận mà tổng thống Donald Trump đã từ chối tham gia vì sự có mặt của Trung Quốc. Ông Blinken nói: "Chúng tôi có thể sẽ gia hạn thỏa thuận hạn chế vũ khí mới START và tìm cách phát triển nó".

Tuy nhiên, ông Blinken có thể sẽ không thoả hiệp với Nga. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông đề xuất nước Mỹ tận dụng việc Nga phải phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, để làm đòn bẩy. Tuy nhiên, việc quyết định đối phó với Matxcơva theo cách này có thể mang lại một số bất lợi cho Mỹ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang "tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc".

Làm dịu bớt cuộc khủng hoảng tị nạn và di cư

 

Ông Blinken còn cho biết sẽ làm dịu bớt các cuộc khủng hoảng về tỵ nạn và di cư. Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã giới hạn chỉ 110.000 dân tỵ nạn được phép tái định cư tại Mỹ trong năm tài chính 2017. Con số này đã giảm xuống còn 15.000 người vào năm tài chính 2021.

Ông Blinken cũng tuyên bố sẽ tìm cách hỗ trợ Guatemala, Honduras và El Salvador, "Tam giác" phía Bắc của Trung Mỹ, để thuyết phục những người di cư rằng họ sẽ an toàn hơn khi ở lại quê nhà.

Tại Thượng viện, ông Blinken đề xuất thành lập ba khu tự trị ở Iraq, điều trước đây bị bác bỏ. Dưới thời chính quyền cựu tổng thống Obama, ông Blinken đóng vai trò then chốt trong các nỗ lực thuyết phục 60 quốc gia chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Iraq và Syria.

Trong một bài phát biểu tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ vào năm 2015, ông Blinken nói: "Trong bất kỳ thời kỳ khủng hoảng hay thiên tai nào, nước Mỹ luôn là nơi đầu tiên mà thế giới hướng về... Chúng tôi luôn cố gắng hết sức với những nguyên tắc riêng mà nước Mỹ đặt ra, bởi lãnh đạo Mỹ luôn có khả năng đặc biệt trong việc tạo ra sự khác biệt".

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm