Quốc tế

Ông Erdogan cho F-35 cơ hội khi nhắc đến tiêm kích Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa lần đầu nói sẽ mua tiêm kích Nga nếu Mỹ quyết không chuyển F-35 khi đã đến hạn giao hàng.

Tuyên bố được ông Erdogan đưa ra khi được hỏi liệu có đề xuất mua Nga với Moscow hay không. "Khi chúng tôi mua hệ thống tên lửa S-400, chúng tôi không cần sự cho phép của bất kỳ ai, vì vậy nếu đã quyết định chúng tôi sẽ mua chúng. Nếu vấn đề F-35 không được giải quyết, chúng tôi sẽ thực hiện những bước cần thiết", Tổng thống Erdogan nói.

Mỹ ra mắt F-35 sản xuất cho Thổ.

Dù đã khá rõ ràng nhưng trong tuyên bố của mình, ông Erdogan không hề nhắc đến sẽ mua loại tiêm kích nào của Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, loại tiêm kích Thổ đang tính có thể mua là Su-57. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra bởi trước đó đúng 5 ngày, người đứng đầu Bộ Quốc phòng nước này, ông Hulusi Akar khẳng định, Ankara chưa bao giờ có kế hoạch mua Su-35 và sẽ không mua chúng.

"Những thông tin trước đó cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua 36 chiếc Su-35 là không đúng sự thật", Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói. Nhưng điều bất ngờ không chỉ ở lời phủ nhận mua Su-35 khi ông này nói về lý do không mua Su-35: "Chúng tôi là đối tác với dự án tiêm kích F-35 của Mỹ. Chúng tôi có quyền được tiếp nhận những chiến đấu cơ thế hệ 5 này".

Không phải ngẫu nhiên khi cả Tổng thống Erdogan và Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar đều nhắc đến tiêm kích F-35 vào thời điểm này bởi trong hợp đồng được ký kết giữa Mỹ và khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rõ, lô F-35 đầu tiên sẽ được chuyển giao trước khi kết thúc tháng 11/2019. Chính vì vậy, thông điệp trong tuyên bố của ông Erdogan có thể là: nếu không chuyển giao F-35 đúng thời hạn, việc mua tiêm kích Nga là khó tránh.

Và nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua Su-57 Nga sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho cả hai bên. Nga vừa cung cấp được 2 hợp đồng vũ khí lớn cho một quốc gia NATO (S-400 và Su-57), nâng cao vị thế của Nga, quảng bá tính năng vũ khí cho các đối tác tiềm năng khác, vừa tiếp tục ràng buộc Thổ Nhĩ Kỳ vào 2 khoản vay lớn, đổi lại các lợi ích địa-chính trị và kinh tế khác.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có được 2 loại vũ khí rất hiện đại, là bảo bối trấn quốc trong trường hợp có xung đột nào đó với một quốc gia NATO, vừa gia tăng lợi ích quốc gia khi mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với 1 quốc gia giàu tiềm năng như Nga.

Nếu hợp đồng Su-57 được ký kết tiếp thì có thể nói rằng, đó là một cái tát quá mạnh đối với Mỹ và NATO. Được biết, tiêm kích Su-57 được phát triển trong khuôn khổ chương trình "Tổ hợp Hàng không Tương lai cho Không quân Chiến thuật" (Prospective Airborne Complex of Frontline Aviation - PAK FA).

Đây là thế hệ chiến đấu cơ tàng hình hai động cơ được thiết kế cho vai trò tấn công và phòng thủ ưu việt, là đối thủ lớn nhất của hai dòng chiến đấu cơ đồng hạng của Mỹ là F-22 Raptor và F-35. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, radar mảng pha điện tử tối tân, cũng như với một loạt các loại vũ khí có độ chính xác cao khác.

Theo Thùy Dung/Báo Đất Việt

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo