Ông Trump nêu hai yêu cầu “rất đơn giản” của Mỹ với Iran
Mỹ trang bị gì cho căn cứ trực thăng tại Syria? / Iran lên tiếng về thông tin Mỹ tấn công mạng làm tê liệt hệ thống tên lửa
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump hôm nay 24/6 cho biết các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản, nên bảo vệ các tàu chở dầu của họ đi qua eo biển Hormuz sau các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu tại khu vực gần đây.
“Trung Quốc nhận 91% số dầu của nước này từ eo biển, Nhật Bản nhận 62% và nhiều nước khác cũng vậy. Vậy tại sao chúng ta phải bảo vệ các tuyến vận tải cho các nước khác (trong nhiều năm) mà không nhận được sự đền bù nào. Tất cả các nước nên bảo vệ các tàu của họ tại những nơi thường được xem là hành trình nguy hiểm”, Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
“Chúng ta thậm chí không cần phải hiện diện ở đó vì Mỹ (tính đến nay) đã trở thành nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới. Yêu cầu của Mỹ với Iran rất đơn giản - không vũ khí hạt nhân và không tài trợ thêm cho khủng bố”, ông Trump viết thêm.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump đề cập tới trách nhiệm của các nước khác trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính với Mỹ. Ông Trump từng kêu gọi các nước thành viên NATO chi tiêu ngân sách nhiều hơn cho hoạt động phòng vệ, thay vì chỉ trông cậy vào ô bảo hộ của Mỹ.
Bình luận của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng leo thang. Washington đổ lỗi cho Tehran đứng sau vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu thuộc sở hữu của Nhật Bản và Na Uy tại eo biển Hormuz.
Ngoài ra, Mỹ cũng cáo buộc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ tại vùng biển quốc tế, trong khi Tehran nói máy bay này đã xâm phạm không phận của Iran. Mỹ dự kiến sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới với Iran trong ngày hôm nay nhằm siết chặt mọi nguồn lực của Tehran.
Vũ khí hạt nhân và tài trợ khủng bố là hai trong những vấn đề then chốt gây căng thẳng giữa chính quyền Trump và Iran. Ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm ngoái và cảnh báo hôm 18/6 rằng, Mỹ sẽ cân nhắc sử dụng vũ lực quân sự với Iran để ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Tôi chỉ muốn nói rõ rằng chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ (tại Iran). Chúng tôi chỉ muốn (Iran) không còn vũ khí hạt nhân”, ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo hồi tháng trước nhân chuyến thăm Nhật Bản.
Tổng thống Trump từng nhiều lần cáo buộc Iran là đất nước “khủng bố”. Chính quyền Trump cũng coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là “khủng bố”, bất chấp phản ứng giận dữ của Tehran.
Phát biểu trước báo giới hôm nay, Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook cho biết Tổng thống Trump sẵn sàng đàm phán với Iran về một thỏa thuận để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đổi lại, Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời chấm dứt hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
“Đây là vị tổng thống sẵn sàng ngồi xuống đối thoại với chính quyền Iran. Tôi nghĩ câu hỏi mọi người nên hỏi là… tại sao Iran tiếp tục khước từ các biện pháp ngoại giao?”, ông Hook nói.
Theo Đặc phái viên Mỹ, Iran “đang rơi vào tình trạng suy thoái” và tình hình có thể trở nên “tồi tệ hơn”. Theo đó, Iran nên bước vào bàn đàm phán, nếu không nền kinh tế nước này sẽ “tiếp tục sụp đổ”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo