Quốc tế

Ông Trump: Nếu khôn ngoan, Trung Quốc nên ký thỏa thuận với Mỹ ngay bây giờ

Tổng thống Donald Trump cảnh báo Trung Quốc nên ký thỏa thuận thương mại với Mỹ ngay bây giờ vì nếu để tới nhiệm kỳ 2 của ông, mọi chuyện có thể sẽ còn tồi tệ hơn.

Triều Tiên: Mỹ không muốn cải thiện quan hệ, chỉ tìm cách lật đổ / Nữ chính trị gia đồng tính gốc Á có thể trở thành ngoại trưởng Úc

Ông Trump: Nếu khôn ngoan, Trung Quốc nên ký thỏa thuận với Mỹ ngay bây giờ - 1

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

“Tôi nghĩ Trung Quốc cảm thấy rằng họ bị thua thiệt quá lớn trong các cuộc đàm phán gần đây, tới mức họ nghĩ rằng họ có thể chờ cho tới cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2020 để xem liệu họ có thể may mắn và liệu phe Dân chủ có giành chiến thắng hay không. Trong trường hợp đó, họ sẽ tiếp tục đánh cắp của Mỹ 500 tỷ USD mỗi năm”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 11/5, đề cập tới cuộc bâầu cử tổng thống Mỹ.

“Vấn đề duy nhất đó là, họ biết rằng tôi sẽ thắng (nền kinh tế tốt nhất và số việc làm cao nhất trong lịch sử Mỹ cùng nhiều thứ khác nữa). Thỏa thuận dành cho họ sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu nó được đàm phán trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi. Nếu khôn ngoan, họ nên hành động ngay bây giờ, mặc dù tôi vẫn thích thu thêm nhiều khoản thuế lớn”, ông Trump viết tiếp.

Những bình luận trên được đưa ra sau một loạt tuyên bố và động thái cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc gần đây. Tuần này, chính quyền Tổng thống Trump đã chính thức thông qua lệnh tăng gấp đôi thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%. Sau đó, ông Trump tiếp tục chỉ đạo bắt đầu quá trình áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, ước tính khoảng 300 tỷ USD.

Ngày 10/5, phái đoàn Mỹ và Trung Quốc kết thúc hai ngày đàm phán thương mại tại Washington. Phái đoàn Trung Quốc đã trở về nước ngay sau cuộc đàm phán mà không có các cuộc gặp gỡ giữa trưởng phái đoàn đàm phán Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, với Tổng thống Donald Trump như trước đó.

Tổng thống Trump hôm qua cho biết các doanh nghiệp có thể dễ dàng né tránh các chi phí phát sinh bằng việc sản xuất hàng hóa tại Mỹ.

 

“Một cách dễ dàng để tránh thuế quan ư? Hãy sản xuất hàng hóa và sản phẩm của các bạn tại nước Mỹ. Đó là cách rất đơn giản”, ông Trump viết trên Twitter.

Mỹ và Trung Quốc dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc đạt được thỏa thuận cuối cùng cho căng thẳng thương mại song phương. Washington muốn Bắc Kinh siết chặt việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giảm bớt trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và giảm thâm hụt thương mại. Đổi lại, Trung Quốc muốn Mỹ chấm dứt các thuế quan và xem đây là một phần trong thỏa thuận “cân bằng”.

Mỹ có thể thiệt hại do áp thuế

Mặc dù một số người ủng hộ ca ngợi Tổng thống Trump là nhà đàm phán cứng rắn, song các nghị sĩ Cộng hòa cảnh báo kế hoạch áp thuế của ông chủ Nhà Trắng gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Nhiều nông dân Mỹ, trong đó có cả những người ủng hộ ông Trump, cho biết thuế quan đã tác động tới họ.

Khi cuộc chiến thương mại ngày càng mở rộng, Trung Quốc đã đáp trả Mỹ bằng cách áp thuế lên 110 tỷ USD hàng xuất khẩu nông sản và các hàng hóa khác của Mỹ.

 

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley từ bang Iowa hoan nghênh các thuế mới áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, song cũng hối thúc các nhà đàm phán Mỹ nhanh chóng tìm ra giải pháp để Mỹ “có thể tránh được thuế quan kéo dài, vì chúng có thể tác động tới chính nền kinh tế Mỹ”.

Trong bài viết được đăng tải hôm nay, Thời báo Hoàn Cầu, một ấn phẩm của nhà nước Trung Quốc, cảnh báo: “Mỹ đã hiểu sai các lợi ích của cả hai phía và đánh giá thấp trầm trọng sức chịu đựng của Trung Quốc”.

“Sự tự tin và mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc sẽ không sụt giảm dù Mỹ có tăng thuế đi chăng nữa”, Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh.

Tổng thống Trump ngày 10/5 cho biết các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục trong khi Washington áp thuế với Bắc Kinh. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với CNBC rằng hiện các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo vẫn chưa được lên kế hoạch.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm