Ông Trump nổi giận dọa trả đũa Pháp vì luật đánh thuế "ông lớn" công nghệ Mỹ
Philippines bắt 5 người Việt nghi vận chuyển trái phép trầm hương / Vụ cướp chấn động ở Brazil: 720 kg vàng biến mất chỉ trong vòng 3 phút tại sân bay
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Sky News.
“Pháp áp thuế công nghệ số lên các công ty lớn của Mỹ. Nếu có ai đó đánh thuế họ, thì đó phải là quê nhà của họ, nước Mỹ. Chúng tôi sẽ công bố biện pháp đáp trả thích đáng với hành động ngốc nghếch của ông Macron (Tổng thổng Pháp Emmanuel Macron)”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 26/7.
Ông Macron đã kí thành luật nhằm đánh thuế 3% lên doanh thu của các ông lớn công nghệ như Facebook hay Amazon. Đạo luật này sẽ được áp dụng tính từ đầu năm 2019 và tác động tới các công ty có doanh thu toàn cầu ít nhất là 845 triệu USD và doanh thu từ dịch vụ công nghệ số từ 28 triệu USD tại Pháp.
Theo AP, sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi luật mới, phần lớn trong số đó từ Mỹ, và một số công ty Trung Quốc, Đức, Anh và ngay cả Pháp.
Luật thuế công nghệ của Pháp và phản ứng của ông Trump được cho có thể sẽ tiếp tục khiến căng thẳng giữa 2 đồng minh thân thiết 2 bên bờ Đại Tây Dương tiếp tục leo thang. Pháp chưa lên tiếng bình luận về lời cảnh báo của ông Trump.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ từng cam kết sẽ có động thái với sản phẩm rượu của Pháp. Ông nói rằng rượu Pháp có thể nhập vào Mỹ mà theo một cơ chế thuế gần như bằng không trong khi Paris lại đánh thuế rượu nhập từ Mỹ. Ông Trump đánh giá đây là chính sách thương mại bất công.
Dòng tweet của ông Trump được đăng tải ngay sau khi Nhà Trắng phát đi thông báo cho biết họ “rất thất vọng” về luật thuế mới của Pháp.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết: “Chính quyền ông Trump nói rằng họ sẽ không ngồi yên và dung thứ cho sự đối xử phân biệt chống lại các công ty có trụ sở tại Mỹ”.
Pháp không phải là quốc gia châu Âu duy nhất cho rằng các công ty công nghệ số và cung cấp các dịch vụ sử dụng mạng internet không đóng góp đủ thuế. Pháp cho rằng các công ty công nghệ thường đặt trụ sở ở các quốc gia có chính sách thuế thấp và chuyển tiền xuyên biên giới. Chính vì thế, họ có thể “lách” qua luật thuế ở quốc gia mà họ kinh doanh và bán sản phẩm.
Quan điểm của Pháp là nền kinh tế toàn cầu hiện thời phải dựa trên dữ liệu, như một sự chuyển dịch từ từ so với hệ thống thuế suất đã tồn tại từ thế kỷ 20 tới nay.
Ngoài Pháp, Đức và Anh cũng đang cân nhắc việc thông qua các dự luật thuế tương tự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo