Quốc tế

Pháp bắt giữ gần 2.000 người sau các cuộc biểu tình bạo động

Cảnh sát Pháp đã bắt giữ hơn 1.700 người sau các cuộc biểu tình bạo động "Áo vàng" nổ ra trên khắp nước Pháp cuối tuần qua. Trong khi đó, số người bị thương cũng lên tới hàng trăm người.

Chính phủ Pháp nhượng bộ sau vụ bạo loạn tồi tệ nhất nhiều thập niên / Những người biểu tình 'Áo vàng' gây rúng động nước Pháp là ai?

Pháp bắt giữ gần 2.000 người sau các cuộc biểu tình bạo động

 Người biểu tình đốt phá nhiều cơ sở vật chất trong các cuộc biểu tình bạo động Áo vàng ở Paris. (Ảnh: Reuters)

Người biểu tình đốt phá nhiều cơ sở vật chất trong các cuộc biểu tình bạo động Áo vàng ở Paris. (Ảnh: Reuters)

Bất chấp nhượng bộ của chính phủ Pháp, những người biểu tình của phong trào "Áo vàng" tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình bạo động trên khắp nước Pháp, đặc biệt ở thủ đô Paris vào cuối tuần qua.

Hãng tin RT dẫn số liệu từ Bộ Nội vụ Pháp cho biết, cảnh sát nước này đã bắt giữ 1.723 người trong các cuộc biểu tình "Áo vàng" ngày 8/12. Các cuộc biểu tình biến thành bạo động cũng khiến gần 300 người bị thương, trong đó, riêng tại Paris là 135 người.

Đây là tuần thứ 4 liên tiếp các cuộc biểu tình Áo vàng diễn ra, buộc chính phủ Pháp phải tăng cường các biện pháp an ninh. Các biện pháp đó gồm có tăng cường lực lượng cảnh sát, điều xe thiết giáp đến thủ đô Paris.

Phó Thị trưởng Paris Emmanuel Gregoire xác nhận, làn sóng biểu tình mới nhất này gây thiệt hại cho thủ đô Paris lớn hơn so với các cuộc biểu tình trước đó.

 

Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến sẽ có bài phát biểu trước toàn dân vào hôm nay 10/12 trong một nỗ lực nhằm xoa dịu người biểu tình.

Theo kế hoạch, người đứng đầu chính phủ Pháp sẽ gặp gỡ với đại diện các công đoàn, lãnh đạo các tổ chức và giới chức các địa phương nhằm tìm ra một phương án đối phó thích hợp với làn sóng biểu tình bạo động. Bộ trưởng Lao động Muriel Penicaud cho biết, Tổng thống Macron sẽ công bố "các biện pháp cụ thể và ngay lập tức" nhưng sẽ không bao gồm thỏa thuận nâng lương tối thiểu.

Các cuộc biểu tình bạo động ở Pháp nổ ra từ giữa tháng 11 nhằm yêu cầu chính phủ giảm giá nhiên liệu, tăng lương tối thiểu… Chính phủ của Tổng thống Macron ban đầu kiên quyết không nhượng bộ, nhưng sau đó quyết định hoãn tăng thuế với hy vọng chấm dứt các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, người biểu tình dường như vẫn chưa thỏa mãn.


Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm