Quốc tế

Phương Tây có thể “cứu” Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga?

Ukraine được cho là trông cậy vào sự giúp đỡ của Mỹ và phương Tây trong trường hợp xảy ra căng thẳng với Nga, tuy nhiên mức độ hỗ trợ đến đâu vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Ukraine dọa hủy 40 hiệp định với Nga giữa lúc căng thẳng / Ông Putin "bóc mẽ'' việc Tổng thống Ukraine áp đặt thiết quân luật

Cận cảnh màn rượt đuổi của tàu chiến Nga và Ukraine

 Lực lượng Biên phòng Ukraine tuần tra dọc biển Azov. (Ảnh: Getty)

Lực lượng Biên phòng Ukraine tuần tra dọc biển Azov. (Ảnh: Getty)

Khi 24 thủy thủ và 3 tàu chiến Ukraine bị Nga bắt giữ sau vụ đụng độ tại vùng biển gần bán đảo Crimea hôm 25/11, Phó Đô đốc Ihor Voronchenko, tư lệnh lực lượng hải quân của Ukraine, tuyên bố nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin là “tai họa” của thế kỷ 21 và phải được ngăn chặn.

Tuy nhiên, chính Phó Đô đốc Vorochenko cũng không muốn Ukraine sẽ đối đầu tới cùng với Nga. Tư lệnh hải quân Ukraine thừa nhận: “Tất nhiên, chúng ta không thể đánh bại họ”.

Thay vào đó, Ukraine đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, phong tỏa eo biển Bosporus, một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới. Ngoài ra, Ukraine cũng kêu gọi NATO cử dàn tàu chiến tới biển Azov.

Đồng quan điểm với Phó Đô đốc Vorochenko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine Hanna Hopko cũng thừa nhận: “Chúng ta không thể đối đầu với Nga bằng vũ lực”. Thay vào đó, bà Hopko và một số quan chức Ukraine kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt Nga mạnh tay hơn để ngăn chặn những hành động mà Kiev cho là gây hấn của Moscow.

 

 Các tàu Nga và Ukraine chạm trán gần eo biển Kerch hôm 25/11. (Ảnh: RT)

Các tàu Nga và Ukraine chạm trán gần eo biển Kerch hôm 25/11. (Ảnh: RT)

Cơ hội xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong trường hợp này gần như bằng không, tuy vậy những đề xuất của tư lệnh hải quân Ukraine đã cho thấy mức độ phụ thuộc của Ukraine vào sự trợ giúp của các lực lượng bên ngoài trong bối cảnh Ukraine phải tự đương đầu với một nước Nga hùng mạnh với tư cách là một quốc gia chủ quyền.

Vụ việc vừa xảy ra cũng đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại về nỗ lực của Ukraine nhằm thoát khỏi “quỹ đạo” của Nga từ sau cuộc cách mạng năm 2014, rằng phương Tây sẵn sàng hỗ trợ Ukraine đến đâu khi Kiev bị cho là chìm trong tham nhũng?

Những đề nghị giúp đỡ từ phía Ukraine trong lúc “nước sôi lửa bỏng” đã đặt các nước bạn bè của Kiev vào tình huống khó xử: Làm thế nào để hỗ trợ Ukraine mà không châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn hoặc rơi vào những bê bối chính trị phức tạp trong nội bộ Ukraine trước thềm bầu cử.

Ukraine đang ở trong trạng thái lo lắng cao độ. Giới chức nước này cảnh báo về nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh lớn với Nga, tuy nhiên vẫn khẳng định lệnh thiết quân luật không ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của người dân. Căng thẳng ngày càng tăng lên khi Nga ngày 30/11 tuyên bố đã đưa 3 thuyền trưởng Ukraine bị Nga bắt giữ tới Moscow, trong khi Ukraine tuyên bố cấm nhập cảnh đối với toàn bộ nam công dân Nga từ 16-60 tuổi.

 

Phương Tây thận trọng

 Bản đồ vùng biển Azov và biển Đen (Ảnh: BBC, AP)

Bản đồ vùng biển Azov và biển Đen (Ảnh: BBC, AP)

Phải chờ tới 3 ngày sau vụ đụng độ giữa lực lượng tuần duyên Nga và các tàu chiến Ukraine gần eo biển Kerch, Liên minh châu Âu (EU) mới ra một tuyên bố với nội dung đơn giản là bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” đối với vụ việc và yêu cầu Nga thả các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ. Khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề nghị NATO đưa tàu chiến tới biển Azov, NATO nói rằng liên minh quân sự này không có kế hoạch thực hiện theo đề nghị của Kiev.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu cho rằng cả Nga và Ukraine đều phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra căng thẳng trên biển. Tuy nhiên sau đó, ông chủ Nhà Trắng cũng có xu hướng ủng hộ Ukraine hơn, hoặc ít nhất cũng đồng tình với quan điểm của Kiev rằng Nga nên trao trả các tàu cũng như thủy thủ bị bắt giữ.

Tổng thống Trump cũng thông báo ông sẽ hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ trước với Tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vì các hành động của Nga với Ukraine. Tuy vậy, Ukraine dường như chờ đợi nhiều hơn, thay vì chỉ là thái độ cảm thông từ phía tổng thống Mỹ.

 

Các tàu chiến của Mỹ thường xuyên đi qua biển Đen, song vẫn tránh tiến vào biển Azov dưới một cây cầu do Nga xây dựng, nối đất liền Nga với bán đảo Crimea, và thông qua eo biển Kerch. Anders Aslund, một chuyên gia về Nga tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định Mỹ có thể sẽ cứng rắn hơn nếu Tổng thống Putin tỏ ra kiềm chế. Tuy nhiên, chính Washington cũng không muốn đặt các thủy thủ Mỹ vào tình huống nguy hiểm khi hoạt động tại vùng biển gần Nga.

 Tàu chở hàng Nga chặn dưới cầu Kerch trong khi máy bay hoạt động trên không trong vụ đụng độ với các tàu chiến Ukraine. (Ảnh: RT)

Tàu chở hàng Nga chặn dưới cầu Kerch trong khi máy bay hoạt động trên không trong vụ đụng độ với các tàu chiến Ukraine. (Ảnh: RT)

Ngoài ra, nhiều người cũng lo ngại rằng Tổng thống Poroshenko, người đang nhận được tỷ lệ ủng hộ rất thấp từ các cử tri Ukraine, có thể sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng trên biển với Nga để thay đổi vị thế chính trị ngày càng suy yếu, đồng thời dập tắt nhiều ý kiến chỉ trích ông trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào tháng 3 năm sau. Các nhà ngoại giao phương Tây tại Kiev cũng cho biết họ đặc biệt quan ngại về quyết định của Tổng thống Poroshenko khi áp đặt lệnh thiết quân luật sau vụ việc căng thẳng với Nga.

Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie L. Yovanovitch mô tả hành động nổ súng nhằm vào các tàu hải quân cũng như bắt giữ các thủy thủ Ukraine của Nga là “leo thang căng thẳng và là một phần trong lối hành xử hung hăng của Nga”. Tuy nhiên, bà Yovanovitch cũng gọi việc áp đặt thiết quân luật của Ukraine là “quyết định nghiêm trọng” và Mỹ “sẽ theo dõi chặt chẽ” động thái này của Kiev.

Theo Andrii Klymenko, lãnh đạo nhóm nghiên cứu tại Kiev từng theo dõi các hoạt động kiểm soát của Nga tại biển Azov, Moscow đã gia tăng đáng kể nỗ lực nhằm kiểm soát hoạt động của các tàu ra vào biển Azov sau khi Tổng thống Putin khánh thành cây cầu mới hồi tháng 5 với chi phí xây dựng lên tới hơn 3 tỷ USD.

 

Ông Klymenko cho biết sau khi để các tàu đi lại tự do trong suốt nhiều năm, Nga đã chặn 21 tàu hồi tháng 5, 25 tàu hồi tháng 6 và 40 tàu hồi tháng 7. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nga đã giảm mạnh sau khi Ukraine thông báo về việc mở một căn cứ hải quân nhỏ ở Berdyansk hồi tháng 9 để bảo vệ khu vực ven biển Azov. Trong tháng 10, Nga chỉ chặn 2 tàu để Cơ quan An ninh Liên bang kiểm tra.

“Điều này cho thấy khi chúng ta phản kháng, chúng ta sẽ thu được kết quả. Nga thường rất dũng cảm khi họ vượt trội hơn chúng ta, nhưng họ sẽ phải suy nghĩ lại nếu có thêm sự cân bằng quyền lực”, ông Klymenko nhận định.


Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm