Phương Tây tìm cách loại Nga khỏi G20: Ông Putin vẫn định tới thượng đỉnh như bình thường
VZ: Tròn 1 tháng sau ngày Nga nổ súng ở Ukraine, giai đoạn 2 chiến dịch QS sẽ như thế nào? / Toàn cảnh diễn biến mới nhất chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trưa 24/3
Nga bị loại khỏi G20?
Đại sứ Nga Lyudmila Vorobieva tại Indonesia cho biết hôm 23/3, tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 do Indonesia đăng cai vào tháng 10 tới.
"Điều này sẽ phụ thuộc vào nhiều thứ đang có tiến triển tích cực, trong đó có tình hình dịch bệnh Covid-19. Tính đến hiện tại, ý định của ông Putin là tham dự sự kiện này," đại sứ nói.
Diễn đàn G20 tổ chức vào tháng 10 năm nay ở Bali sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế chứ không phải cuộc chiến ở Ukraina, đại sứ Nga nói thêm rằng bà đã biết về những nỗ lực nhằm loại bỏ Nga khỏi câu lạc bộ kinh tế toàn cầu.
"Không chỉ G20, nhiều tổ chức ở phương Tây hiện cũng đang tìm cách loại bỏ Nga," bà Vorobieva nói và cho rằng hành động này sẽ khiến các quốc gia gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết "các vấn đề kinh tế" toàn cầu.
Bà Vorobieva cũng ca ngợi "lập trường vững chắc" của Indonesia và kêu gọi nước này không khuất phục trước áp lực của phương Tây. Jakarta từ lâu đã có quan hệ thân thiết với Moscow, và Tổng thống Indonesia Joko Widodo gần đây nói với tạp chí Nikkei Asia (Nhật) rằng ông ủng hộ lệnh ngừng bắn nhưng coi các biện pháp trừng phạt kinh tế là một công cụ không hiệu quả.
Đại sứ Nga Lyudmila Vorobieva tại Indonesia
Đầu tuần này, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan Piotr Nowak nói với các phóng viên rằng ông đã đề xuất loại Nga khỏi G-20, trong cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo.
"Về câu hỏi của G-20, chúng tôi tin rằng không thể duy trì hoạt động kinh doanh bình thường đối với Nga trong các tổ chức quốc tế và trong cộng đồng quốc tế," Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói hôm 22/3.
"Đối với các thể chế và các quyết định cụ thể, chúng tôi muốn tham khảo ý kiến của các đồng minh, đối tác của chúng tôi trong các thể chế đó trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào," ông Sullivan nói.
Tư cách thành viên của Nga trong G8, nhóm 8 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, đã bị đình chỉ sau khi nước này sáp nhập lãnh thổ Crimea hồi năm 2014. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 23/3 cho biết các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraina đang diễn ra, nhưng ông cáo buộc Kiev thường xuyên thay đổi các yêu cầu của mình.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ trong một bài phát biểu video rằng các cuộc đàm phán "rất khó khăn".
Đòi hỏi của Nga
Ngoại trưởng Nga Lavrov không đề cập trực tiếp đến vấn đề của G-20 nhưng nói rằng Nga cần đảm bảo rằng Nga sẽ không bao giờ phải phụ thuộc kinh tế vào một đối tác phương Tây khi mà nước này "thức dậy với tâm trạng khó chịu".
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Moscow yêu cầu đối xử bình đẳng và cuộc chiến đã nêu bật "sự thông suốt" trong nước khiến nước này chấm dứt sự phụ thuộc vào phương Tây trong tương lai.
"Tất nhiên, nếu họ muốn hợp tác, chúng tôi sẽ không ngoảnh mặt đi nếu việc này dựa trên sự bình đẳng và vì lợi ích của hai bên," ông Lavrov nói thêm.
Lễ khai mạc hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Jakarta, Indonesia vào ngày 17/2/2022. Nguồn: Reuters
Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào nhằm loại Nga khỏi các diễn đàn toàn cầu đều có thể bị các quốc gia khác phủ quyết. Trung Quốc hôm 23/3 gọi Nga là "thành viên quan trọng" của G-20.
"Không thành viên nào có quyền loại bỏ quốc gia khác. G-20 nên thực hiện chủ nghĩa đa phương thực chất, tăng cường đoàn kết và hợp tác," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với các phóng viên.
Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng các thành viên G-20 sẽ phải xem xét các vấn đề nhưng ưu tiên vẫn là tập trung vào việc thiết lập hòa bình.
"Khi đề cập tới việc làm thế nào để mọi việc vẫn tiếp diễn tại WTO và G-20, câu hỏi này bắt buộc phải được các quốc gia có liên quan thảo luận và không một quốc gia nào được quyền quyết định riêng lẻ," thủ tướng Scholz tuyên bố theo trích dẫn của hãng Reuters.
"Rõ ràng là chúng tôi cần đồng thuận để giải quyết những việc khác khẩn thiết hơn trong các cuộc họp như thế này. Chúng tôi cần đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức," thủ tướng Đức nói thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo