‘Quái thú’ Su-35S Nga chặn đứng tiêm kích F-35I Israel trên không phận Syria
Các tiêm kích Su-35S của Nga được cho là đã xuất kích khẩn cấp để truy cản chiến đấu cơ F-35I của Israel, nhằm ngăn chặn một đợt tấn công lớn nhằm vào Syria.
Hai tiêm kích bom Su-34 của Nga va vào nhau trên không / MiG-29UPG Ấn Độ dễ bị áp đảo khi Pakistan mua tiêm kích Kfir Block 60 cực mạnh
Không quân Nga triển khai tiêm kích Su-35S tới miền Nam Syria, khiến Israel phải hủy kế hoạch không kích tại đây, theo truyền thông Nga.
Biên đội tiêm kích Su-35S được huy động khẩn cấp đến khu vực miền Nam Syria hôm 10/9, sau khi các chiến đấu cơ của Israel xuất hiện trong khu vực này, tạp chí chuyên về hàng không quân sự của Nga Avia.Pro đưa tin.
Không quân Israel lúc đó được cho là đang chuẩn bị phát động một đợt không kích ở miền Nam Syria để đáp trả vụ tấn công bằng rocket do lực lượng dân quân thân Iran ở Damascus thực hiện, nhắm vào lãnh thổ nước này.
"Theo dữ liệu ban đầu, vài giờ trước khi các hệ thống phòng không của Syria được báo động để sẵn sàng đẩy lùi cuộc không kích bằng tên lửa của Israel, biên đội Su-35S Nga đã ngăn cản máy bay Tel Aviv thực hiện đòn tấn công", tạp chí Nga viết.
Đây được cho là lần hiếm hoi chiến đấu cơ Su-35S Nga can thiệp để ngăn chặn các cuộc không kích của Israel vào đồng minh Syria.
Tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S được Nga lần đầu triển khai tới căn cứ không quân Hmeymim ở Syria vào tháng 1/2016, sau khi tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 Nga trên vùng trời Syria.
Hồi tháng 5, Su-35S cũng được cho là đã xuất kích để ngăn chặn một đợt tấn công của tiêm kích Israel nhằm vào các mục tiêu quân sự ở gần Thủ đô Damascus.
Israel đã thực hiện hàng trăm vụ không kích nhắm vào lực lượng được Iran hậu thuẫn tại Syria để ngăn Tehran xây dựng căn cứ và hiện diện quân sự lâu dài tại khu vực giáp Cao nguyên Golan.
Tuy nhiên, Nga thường không can thiệp vào các cuộc không kích của Israel nhắm vào lực lượng thân Iran trên lãnh thổ Syria, mà chủ yếu tập trung hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria giành lại lãnh thổ từ tay phiến quân Hồi giáo.
Tuy nhiên, gần đây khi các cuộc không kích của Israel nhắm vào quân đội Syria, Nga đã lên tiếng phản đối.
Việc cho tiêm kích Su-35S ngăn chặn chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Israel được cho là động thái cứng rắn của Nga nhằm bảo vệ đồng minh.
Khả nặng cơ động cao, kho vũ khí khủng khiếp, hệ thống điện tử tối tân, tiêm kích Su-35S được coi là con quái thú trên bầu trời. Hiện loại máy bay này đang được Nga sử dụng tích cực trong việc trấn áp phiến quân Syria tại Idlib.
Su-35 được trang bị 2 động cơ Lyulka AL-35F điều chỉnh hướng phụt 3D, có lực đẩy thường 74.5 kN và khi đốt nhiên liệu phụ trội lực đẩy tăng lên 142 kN mỗi chiếc.
Động cơ cực khỏe giúp Su-35S có tốc độ tối đa 2.390km/h, tầm bay lên tới 3.900km.
Su-35S có trần hoạt động cao tới 18.000 m.
Su-35S là một trong những chiến đấu cơ có tốc độ leo cao nhanh nhất thế giới với vận tốc 280 m/s.
Về kích thước, Su-35 dài 21,9m, cao 5,9m, sải cánh 15,3m.
Su-35 có trọng lượng rỗng 17,5 tấn, tải trọng cất cánh tối đa 34,5 tấn.
Su-35 có 12 điểm treo với tổng trọng lượng vũ khí đem theo lên tới 8 tấn.
Ngoài một pháo 30mm GSh-30 với 150 viên đạn gắn ở mũi, Su-35S còn có thể mang hầu hết các loại vũ khí dành cho chiến đấu cơ của Nga.
Để đối không, Su-35 được trang bị những loại tên lửa AA-12 Adder (R-77), AA-11 Archer (R-73), AA-10 Alamo (R-27) và tên lửa tầm bắn siêu xa P-37M (R-37M).
Để làm nhiệm vụ cường kích, Su-35 được trang bị những loại tên lửa như: AS-17 Krypton (Kh-31), AS-16 Kickback (Kh-15), AS-10 Karen (Kh-25ML), AS-14 Kedge (Kh-29), AS-15 Kent (Kh-55), AS-13 Kingbolt (Kh-59).
Su-35S có thể mang theo các loại bom: KAB-500, LKAB-1500; bom dẫn đường bằng laser/TVFAB-100/250/500/750/1000...
Chiến đấu cơ này cũng được trang bị các ống phóng rocket S-5, S-8 để tấn công đối phương.
Về hệ thống radar điều khiển hỏa lực, Su-35 sử dụng radar mảng pha thụ động IRBIS-E (PESA), cự ly phát hiện máy bay thông thường lên tới 350km, tàu chiến cỡ lớn là 400km.
Đặc biệt nó có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình có bề mặt tán xạ radar dưới 3m ở khoảng cách xa 100 - 150 km.
Radar IRBIS-E (PESA) là công nghệ đỉnh cao trên thế giới khi có thể cùng lúc bắt chết 30 mục tiêu và đồng loạt phóng 8 quả tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động, để tấn công 8 mục tiêu khác nhau.
Ngoài ra, phía đuôi Su-35S cũng được lắp một radar nhỏ vị trí giữa hai động cơ cho phép phát hiện các mục tiêu từ phía sau.
Việc Nga tăng cường hoạt động của chiến đấu cơ Su-35S tại Syria, ngoài việc thị uy, Matxcơva còn nhân đây để quảng bá nhằm thúc đẩy xuất khẩu khí tài đặc biệt này.
Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo