Quân sự thế giới hôm nay (10/7): 1.000 binh sĩ và vũ khí hạng nặng bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh NATO
Trực thăng Nga phóng tên lửa bắn cháy đoàn xe bọc thép của Ukraine / Clip: 9K33M3 Osa-AKM - “Ong bắp cày” của quân đội Nga
Thủ đô Vilnius đã đón nhận 1.000 binh sĩ từ 16 nước thành viên NATO tới đảm bảo an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/7. Các tổ hợp phòng không Patriot và máy bay chiến đấu cũng được điều đến Litva để đảm bảo an ninh khi các nhà lãnh đạo cấp cao tới hội nghị tại nơi chỉ cách biên giới Belarus 32km.
Theo Reuters, Đức đã bố trí 12 tổ hợp phòng không Patriot ở Litva, trong đó có 8 tổ hợp đã được đặt quanh sân bay Vilnis, với mục đích ngăn chặn các nguy cơ từ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình cũng như các loại máy bay chiến đấu. Tây Ban Nha triển khai hệ thống phòng không NASAMS và Pháp đã đưa pháo tự hànhCaesar tới Litva. Lực lượng máy bay chiến đấu của Phần Lan, Đan Mạch và Pháp cũng chuẩn bị tới đồn trú ở Vilnius, trong khi Anh và Pháp phụ trách lực lượng phòng chống máy bay không người lái.
Các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Đức tại sân bay Vilnius. Ảnh: Reuters |
Các đơn vị đặc nhiệm của Ba Lan và Đức sẽ vận hành máy bay trực thăng trong khi thiết bị và chuyên gia phòng chống vũ khí hóa học, sinh học và phóng xạ từ một số quốc gia khác cũng đã được triển khai tới nước chủ nhà.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nhấn mạnh: Những bước tăng cường an ninh trước Hội nghị thượng đỉnh NATO cho thấy các nước đồng minh nội khối cần nhanh chóng thiết lập hệ thống phòng không thường trực ở khu vực Baltic.
Về phía Litva, nước này đã tăng gấp ba lực lượng phòng thủ ở khu vực biên giới với Belarus và Nga, đồng thời huy động thêm lực lượng bảo vệ biên giới từ Latvia và Ba Lan. Hai nước này cũng đã cử thêm lực lượng cảnh sát tới Vilnius, tăng cường kiểm tra biên giới trong suốt thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
* Pháp công bố viện trợ quân sự mới cho Ukraine
Theo tờ Ukrinform, tuyên bố này được Bộ trưởng phụ trách châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh quốc tế Pháp, phóng viên Ukrinform đưa tin.
Bà Colonna nhấn mạnh Pháp sẽ tiếp tục và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine: “Chúng tôi đang chuẩn bị các chuyến hàng viện trợ quân sự mới nhằm liên tục đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine”.
Liên quan đến việc đảm bảo an ninh cho Ukraine trước khi gia nhập NATO, bà Colonna cho biết Pháp mong muốn Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius sẽ “tạo cơ hội củng cố sự ủng hộ của khối đối với Ukraine trên cơ sở lâu dài và mang lại ý nghĩa cụ thể cho triển vọng gia nhập NATO [cho Ukraine]”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại điện Elysee, Paris ngày 14-5-2023. Ảnh: AP |
Theo bà Colonna, Pháp đang làm việc với một số đối tác để xác định các biện pháp đảm bảo an ninh cho Ukraine song song với lộ trình nước này hội nhập khối.
“Các biện pháp đảm bảo an ninh này vẫn đang được đàm phán, nhưng mục đích sẽ rất rõ ràng: Trong thời gian trước mắt, các biện pháp này cung cấp cho Ukraine đủ khí tài, phương tiện để tự vệ”.
Pháp cũng đã quyết định sẽ phân bổ thêm 40 triệu euro (43,88 triệu USD) viện trợ tài chính cho Ukraine trong năm 2023.
* Quân đội Somalia tiêu diệt 40 phần tử khủng bố
Hãng thông tấn Mehr (Mehr News Agency) dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, Quân đội Somalia mới thực hiện một chiến dịch pháo kích vào nơi ẩn náu và kho đạn của những tay súng khủng bố, tiêu diệt ít nhất 40 phần tử khủng bố, trong đó có một số thủ lĩnh của al-Shabaab.
Nhóm vũ trang al-Shabaab có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và đã nhận trách nhiệm về nhiều hoạt động khủng bố khiến hàng trăm người thiệt mạng ở châu Phi.
Nhóm vũ trang này liên tục tấn công quân đội chính phủ và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi ở thủ đô Mogadishu và các khu vực khác trên khắp đất nước Somalia, đồng thời cũng đã thực hiện các hoạt động tương tự ở nhiều vùng khác của châu Phi.
Ít nhất 40 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt trong chiến dịch chống khủng bố của Somalia. Ảnh: Mehr News Agency |
Từ tháng 7-2022, chính phủ Somalia đã tiến hành các chiến dịch quân sự chống khủng bố với sự hợp tác của các bộ lạc có vũ trang, tấn công và tiêu diệt các tay súng của nhóm al-Shabaab.
* Triều Tiên lên án động thái Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tới bán đảo Triều Tiên
Theo Reuters, ngày 10/7 Triều Tiên đã lên án động thái đưa tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên, cho rằng điều này đẩy cao nguy cơ xung đột hạt nhân trên thực tế.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cũng tuyên bố các máy bay trinh sát của Mỹ gần đây đã vi phạm không phận gần bờ biển phía Đông nước này. KCNA nhấn mạnh việc Mỹ đưa vũ khí hạt nhân chiến lược tới bán đảo Triều Tiên là một sự đe dọa trắng trợn đối với Triều Tiên và các nước cũng như hòa bình trong khu vực.
Tháng 6 vừa qua, một tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình của Mỹ đã cập cảng Busan, Hàn Quốc. Trước đó, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí về kế hoạch thăm cảng Hàn Quốc đối với tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ lần đầu tiên kể từ thập niên 1980.
End of content
Không có tin nào tiếp theo