Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (14/7): Nga và Ukraine gia tăng tấn công lẫn nhau trên không gian mạng

Quân sự thế giới hôm nay (14/7) có những thông tin đáng chú ý sau: Nga và Ukraine tăng cường tấn công lẫn nhau trên không gian mạng; Ukraine nhận gói viện trợ quân sự mới của Đức; Ấn Độ mua thêm máy bay chiến đấu và tàu ngầm từ Pháp.

Nga sử dụng đạn thông minh Krasnopol-M2 trong cuộc xung đột / Ngoại trưởng Nga: Nhật Bản và Hàn Quốc không phản đối việc sở hữu vũ khí hạt nhân

* Ukraine nhận pháo phòng không tự hành Geopard của Đức

Theo Defense Express ngày 14/7, chính phủ Đức đã công bố danh sách vũ khí, khí tài quân sự mới được chuyển cho Ukraine. Danh mục cụ thể bao gồm 6 pháo phòng không tự hành Gepard SPAAG, 3.230 đạn pháo 155mm, 1.184 đạn khói 155mm, xe xây cầu Biber kèm một cầu dã chiến, 5 xe bảo vệ biên giới, 10 thiết bị dẫn đường laser và 10 trạm điều khiển hỏa lực cho hệ thống tên lửa IRIS-T, 24.192 đạn súng phóng lựu 40mm, và 2 bộ phụ kiện cho máy bay không người lái trinh sát Vector.

Đức có kế hoạch chuyển thêm 45 pháo phòng không tự hành Gepard SPAAG cho Ukraine vào cuối năm nay. Ảnh: Defense Express

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Đức đã cho biết sẽ gửi gói viện trợ quân sự trị giá 770 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 2 hệ thống phòng không Patriot, 24 xe tăng Leopard 1A5, 40 xe chiến đấu bộ binh Marder và 20.000 viên đạn pháo.

Gepard là pháo phòng không tự hành của Đức hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được thiết kế để bảo vệ các lực lượng mặt đất và tiêu diệt các mục tiêu trên không với pháo 35mm, súng máy MG-3 7,62mm và radar tìm kiếm và theo dõi mục tiêu lắp đặt trên tháp pháo có khả năng quay 360o.

Cuối tháng 7 năm ngoái Ukraine đã nhận những chiếc Gepard SPAAG đầu tiên từ Đức. Theo Defense Express, Đức đã có kế hoạch chuyển thêm 45 pháo phòng không tự hànhGepard SPAAG cho Ukraine vào cuối năm nay nhằm giúp nước này tăng cường năng lực phòng không.

* Nga và Ukraine tăng cường tấn công lẫn nhau trên không gian mạng

Các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) giữa Nga và Ukraine đang được cả hai phía trong chiến dịch quân sự đặc biệt gia tăng thực hiện nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng của nhau.

Theo công ty an ninh mạng Kaspersky, cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine, số vụ tấn công DDoS nhằm vào Ukraine đã tăng 450% so với trước đó. Mục tiêu nhắm tới là vô hiệu hóa hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh, đường điện, hệ thống ngân hàng và các mục tiêu dễ bị tổn thương khác. Phía Ukraine cũng tăng cường thực hiện các vụ tấn công DDoS đối với Nga, trong đó điển hình là vụ làm trì hoãn bài phát biểu của Tổng thống Nga tại một diễn đàn kinh tế vào năm 2022. Các hacker của Ukraine thậm chí còn xâm nhập vào các camera an ninh phía sau chiến tuyến để theo dõi vị trí của các đơn vị quân đội Nga, hỗ trợ cho lực lượng quân sự của mình.

 

Nga và Ukraine tăng cường tấn công lẫn nhau trên không gian mạng. Ảnh: WhiteHat

Các cuộc tấn công DDoS rất dễ thực hiện do chúng không yêu cầu hacker phải triển khai bất kỳ mã nào trên máy chủ của mục tiêu. Tấn công DDoS (Distributed Denial of Service) là làm cho trang web hoặc máy chủ của đối phương quá tải lưu lượng truy cập bằng cách sử dụng nhiều hệ thống khác nhau từ nhiều địa điểm khác nhau cùng truy cập vào hệ thống. Mục đích là đánh sập máy tính hoặc server, làm gián đoạn dịch vụ, và sau khi có được quyền kiểm soát máy tính sẽ gửi dữ liệu và các yêu cầu xấu đến các thiết bị khác thông qua trang web hoặc địa chỉ email của hệ thống bị tấn công.

Các cuộc tấn công DDoS giữa Nga và Ukraine cho thấy công nghệ đang có tác động quan trọng đến hoạt động tác chiến trong chiến tranh hiện đại hiện nay và trong tương lai.

* Ấn Độ mua thêm máy bay và tàu ngầm từ Pháp

Hội đồng mua sắm quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn mua 26 máy bay chiến đấu Rafale hải quân và 3 tàu ngầm Scorpene của Pháp, trong đó 3 tàu ngầm Scorpene sẽ được đóng tại xưởng Mazagon của Ấn Độ.

Thông báo từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Hội đồng mua sắm quốc phòng thấy cần thiết phải mua 26 máy bay Rafale hải quân cùng các thiết bị phụ trợ, vũ khí, thiết bị mô phỏng, phụ tùng, tài liệu, hỗ trợ đào tạo phi công và hậu cần liên quan cho Hải quân Ấn Độ từ chính phủ Pháp theo Thỏa thuận liên chính phủ IGA”.

 

Ấn Độ mua thêm vũ khí, khí tài từ Pháp. Ảnh:Dassault.

Thông báo cũng cho biết thêm việc mua 3 tàu ngầm với tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ không chỉ giúp duy trì lực lượng cần thiết và khả năng sẵn sàng chiến đấu cho Hải quân Ấn Độ mà còn tạo ra cơ hội việc làm đáng kể cho đất nước. Thỏa thuận mua sắm này có thể sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Pháp theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trong 4 thập kỷ qua, Ấn Độ đã mua nhiều máy bay chiến đấu của Pháp. Trước khi đặt hàng mua Rafale vào năm 2015, Ấn Độ đã mua máy bay phản lực Mirage vào những năm của thập niên 1980 và hiện nay Ấn Độ vẫn còn 2 phi đội Mirage phục vụ trong lực lượng không quân. Năm 2005, Ấn Độ cũng mua 6 tàu ngầm diesel lớp Scorpene của Pháp với giá 188 tỷ rupee (2,29 tỷ USD) và chiếc cuối cùng sẽ được đưa vào hoạt động trong năm tới.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm