Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (15/8): Nga trình làng ZAK-23E 8x8 tại Army-2023

Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (15/8) có những tin đáng chú ý: Nga giới thiệu hệ thống phòng không di động ZAK-23E 8x8 tại Army-2023; pháo binh Ukraine tiếp nhận UAV Shark; tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Suffren thứ hai được bàn giao cho Hải quân Pháp.

Hiệu quả đáng nể của thiết bị giá rẻ trên chiến trường Ukraine / Quân sự thế giới hôm nay (11/8): Tên lửa Iskander-K có thể đã được sử dụng ở Zaporizhzhya

* Nga giới thiệu hệ thống phòng không di động ZAK-23E 8x8 mới tại Army-2023

Tại Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự quốc tế 2023 (Army-2023) khai mạc ngày 14/8 tại Moscow, Nga đã trình làng nguyên mẫu pháo phòng không tự hành 8x8 (SPAAG) mới nhất của mình mang tên Hệ thống phòng không tầm ngắn ZAK-23E (SHORAD).

Army Recognition cho biết, hệ thống này bao gồm hai pháo tự động cỡ nòng 23mm ZU-23 gắn trên xe bọc thép BTR-82A. Hệ thống được phát triển bởi Công ty Cổ phần Tulamashzavod và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuộc Công ty Cổ phần Elins.

Nga giới thiệu hệ thống phòng không di động ZAK-23E 8x8 tại Army-2023. Ảnh: Army Recognition.

Với tốc độ bắn lên tới 3.500 phát/phút, hệ thống phòng không ZAK-23E có khả năng tấn công các mục tiêu trong khoảng cách lên tới 2,5km và ở độ cao lên tới 2.000m. Được trang bị các máy dò quang điện tử tiên tiến, ZAK-23E có khả năng tự động đối phó với các mối đe dọa từ trên không như máy bay không người lái, máy bay trực thăng và tên lửa hành trình.

BTR-82A, được phát triển từ BTR-80A. Trên xe, pháo và súng máy được bố trí bên trong một tháp pháo ổn định, đảm bảo độ chính xác khi bắn khi xe đang hành tiến. Các tính năng bảo vệ như sàn được gia cố, ghế hấp thụ năng lượng ưu tiên sự an toàn của kíp chiến đấu.

ZAK-23E đạt được hiệu quả nhờ tích hợp pháo phòng không 2A7M. Pháo tự động cỡ nòng 23mm này là hậu duệ của mẫu ZU-23-2, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không bay thấp cũng như các phương tiện bọc thép.

ZU-23-2 sử dụng đạn xuyên giáp gây cháy (API-T) và đạn gây cháy nổ mạnh (HEI-T) để tiêu diệt mục tiêu trên không và mặt đất. Với cơ chế ngắm bắn mục tiêu thủ công được hỗ trợ bởi kính ngắm cơ học quang học ZAP-23, hệ thống có khả năng ngắm bắn mục tiêu ở góc phương vị từ 90° đến -10° và khả năng bao quát360°. ZU-23-2 đã được quân đội hơn 20 nước sử dụng và tiếp tục đóng vai trò là giải pháp phòng không đáng tin cậy.

Cấu hình dẫn động 8x8 trang bị cho ZAK-23E cho phép hệ thống phòng không này linh hoạt khi di chuyển trên các loại địa hình khác nhau. Khả năng off-road giúp hệ thống tiếp cận nhiều địa điểm khác nhau, mở rộng phạm vi hoạt động.

 

* Pháo binh Ukraine tiếp nhận tổ hợp máy bay không người lái (UAV) Shark

Theo Militarnyi, lực lượng trinh sát trên không của 5 lữ đoàn pháo binh trong Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiếp nhận 5 tổ hợp UAV Shark từ Quỹ Come Back Alive và Mạng lưới các trạm xăng OKKO. Tiền mua hệ thống được trích từ dự án từ thiện mang tên “EYE FOR AN EYE” do hai đơn vị này thực hiện.

Militarnyi cho biết, tổ hợp UAV Shark nội địa này sẽ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng pháo binh Ukraine trong tác chiến. Hai “nhà tài trợ” nói trên đã đặt mua 25 hệ thống UAV Shark và 19 chiếc trong số đó đang được đưa vào khai thác.

UAV Shark có thể hoạt động hiệu quả trong 4 giờ đồng hồ, trong nền nhiệt dao động từ -15°C đến 50°C, và đạt tốc độ bay tối đa 150km/h. Ảnh minh họa: Come Back Alive.

Tổ hợp UAV Shark được phát triển bởi công ty Ukrspecsystems của Ukraine. Tên Shark của UAV xuất phát từ thiết kế hình dáng bên ngoài của nó tương tự như một con cá mập. Tổ hợp này được trang bị mô-đun liên lạc có độ tin cậy cao và hệ thống camera hiện đại Full HD được trang bị cảm biến quang điện, giúp nó có thể theo dõi mục tiêu đang hoạt động với tốc độ 100km/h. Hệ thống camera hiện đại cũng cho phép Shark thọc sâu (đến 60km) vào phía sau đội hình đối phương và tiến hành giám sát ở khoảng cách lên đến 5km giữa UAV và đối tượng. UAV Shark có thể hoạt động hiệu quả trong 4 giờ đồng hồ trong nền nhiệt dao động từ -15°C đến 50°C, và đạt tốc độ bay tối đa 150km/h với trần bay 3.000m.

Shark được tối ưu hóa cho môi trường tác chiến hiện đại và nhu cầu sử dụng của quân đội. UAV này cung cấp khả năng trinh sát, giám sát, và theo dõi xác định vị trí của đối phương trong thời gian thực, đồng thời điều chỉnh các chuyển động của chúng.

 

Theo nhà sản xuất, hệ thống phóng UAV Bungee SCL-1A hoàn toàn tự động cho phép phóng UAV dễ dàng. Shark được trang bị hệ thống dù để hạ cánh chậm và an toàn. Phiên bản quân sự của UAV này có khả năng chống tác chiến điện tử, cho phép nó hoạt động không bị gián đoạn và đảm bảo thông tin quan trọng không bị mất.

Đáng chú ý là trạm điều khiển mặt đất và thiết bị liên quan được thiết kế để dễ dàng vận chuyển hoặc tích hợp vào một chiếc xe, hoặc có thể được sử dụng như một sản phẩm độc lập. UAV cũng có thể tự động quay lại điểm xuất phát trong trường hợp bị mất liên lạc với mặt đất.

* Bàn giao tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Suffren thứ hai cho Hải quân Pháp

Trong một bước đi quan trọng nhằm củng cố năng lực hàng hải của mình, Tổng cục vũ khí Pháp (DGA) đã chính thức bàn giao tàu ngầm tấn công hạt nhân (SNA) Duguay-Trouin cho Hải quân Pháp. Đây là chiếc tàu ngầmthứ 2 trong số 6 tàu ngầm lớp Suffren thuộc chương trình Barracuda đã được chuyển giao cho Hải quân Pháp tính đến thời điểm hiện tại.

MilitaryLeak ngày 14/8 đưa tin, chiếc tàu ngầm được chuyển đến căn cứ của Hải quân Pháp ở Brest sau một chiến dịch thử nghiệm kéo dài vài tháng. Các cuộc thử nghiệm trên biển của tàu ngầm bắt đầu từ tháng 3 năm nay là công cụ để xác nhận hiệu suất của các hệ thống và thiết bị đa dạng trên tàu.

 

Hải quân Pháp đã tiếp nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp SuffrenDuguay-Trouin. Ảnh: MilitaryLeak

Việc bổ sung tàu ngầm Duguay-Trouin sẽ củng cố quá trình hiện đại hóa đang diễn ra của đội tàu SNA của Pháp, đồng thời góp phần tái khẳng định Pháp là một cường quốc hải quân đáng gờm trên trường quốc tế.

Theo MilitaryLeak, nổi bật bởi sức bền và khả năng thích ứng, các tàu ngầm lớp Suffren có thể thực hiện đa dạng các nhiệm vụ, từ hỗ trợ răn đe và hộ tống tàu sân bay và đội tác chiến đổ bộ tấn công đến thu thập thông tin tình báo và tác chiến chống ngầm và chống chiến hạm mặt nước...

Tàu ngầm lớp Suffren vượt trội so với tàu ngầm tiền nhiệm lớp Rubis về tốc độ, độ bền và tính linh hoạt. Đáng chú ý, lớp tàu ngầm này có những khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ ở khoảng cách đáng kể, được hỗ trợ bởi tên lửa hành trìnhtầm xa phóng từ biển MdCN.

Theo Naval News, tàu ngầm lớp Suffren dài 99m, đường kính 8,8m, lượng choán nước bề mặt là 4.700 tấn, lượng choán nước khi lặn là 5.100 tấn. Tàu có thể đạt độ sâu tối đa khi lặn là hơn 350m và di chuyển với tốc độ 46km/h. Tàu được trang bị tên lửa hành trình hải quân, ngư lôi dẫn đường hạng nặng F21, tên lửa chống hạm Exocet SM39 hiện đại hóa, thủy lôi FG-29. Tàu có thể hoạt động liên tục 70 ngày trên biển mà không cần tiếp tế.

Tàu ngầm lớp Suffren đầu tiên được chuyển giao cho Hải quân Pháp vào tháng 11/2020. Bốn chiếc còn lại – Tourville, de Grasse, Rubis và Casabianca – đang trong quá trình đóng. Việc giao hàng dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2030.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm