Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (22/10): Ấn Độ tiếp nhận tàu khu trục INS Imphal, Mỹ thử nghiệm máy bay T-7A Red Hawk

Quân sự thế giới hôm nay (22/10) có những nội dung sau: Hải quân Ấn Độ tiếp nhận tàu khu trục INS Imphal, Nhật Bản đặt mua 300 súng chống tăng Carl-Gustaf M4, không quân Mỹ thử nghiệm máy bay T-7A Red Hawk.

Xe tăng chủ lực Merkava IV của Israel mạnh cỡ nào? / Anh sẽ không cung cấp thêm xe tăng Challenger 2 cho Ukraine?

* Hải quân Ấn Độ tiếp nhận tàu khu trục lớp Visakhapatnam thứ 3

Hải quân Ấn Độ thông báo vừa tiếp nhận tàu INS Imphal, tàu khu trục lớp Visakhapatnam thứ 3 trong Dự án 15B. Imphal là tàu khu trục tên lửa dẫn đường tàng hình do Cục Thiết kế Hải quân Ấn Độ thiết kế và Hãng đóng tàu Mazagon Dock tại Mumbai sản xuất.

Tàu lớp Visakhapatnam thứ 3 này được đánh giá là dấu ấn của ngành đóng tàu bản địa và là một trong những tàu chiến được trang bị công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Là tàu khu trục tên lửa dẫn đường với lượng giãn nước 7.400 tấn và chiều dài tổng thể 164m, Imphal được trang bị vũ khí và cảm biến hiện đại, bao gồm tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm và ngư lôi. Được hỗ trợ bởi hệ thống động cơ đẩy kết hợp tua-bin khí (COGAG) bao gồm bốn tua-bin khí, tàu có thể đạt tốc độ trên 56km/giờ.

Quân sự thế giới hôm nay (22-10): Ấn Độ tiếp nhận tàu khu trục INS Imphal, Mỹ thử nghiệm máy bay T-7A Red Hawk
Hình ảnh tàu khu trục Imphal. Ảnh: Hải quân Ấn Độ.

Khoảng 75% vũ khí trang bị trên Imphal là vũ khí bản địa, bao gồm tên lửa đất đối không tầm trung của công ty quốc phòng Bharat Electronics Ltd (Bangalore), tên lửa đất đối đất BrahMos của BrahMos Aerospace (New Delhi), ống phóng ngư lôi và bệ phóng tên lửa chống ngầm của Larsen & Toubro.

Chuyến hải trình thử nghiệm đầu tiên trên biển của Imphal bắt đầu vào ngày 28/4/2023. Kể từ đó, tàu khu trục tên lửa dẫn đường này đã trải qua một quá trình thử nghiệm toàn diện tại cảng và trên biển. So với bất kỳ tàu khu trục bản địa nào khác, Imphal đang là tàu có thời gian chế tạo và thử nghiệm ngắn nhất.

Theo Hải quân Ấn Độ, tàu thuộc Dự án 15B có chiều dài 163m, rộng hơn 17m và có thể chở theo thủy thủ đoàn hơn 300 người. Tàu có những thiết kế mới nhằm cải thiện khả năng sống sót, khả năng tàng hình và khả năng cơ động. Tàu thuộc dự án 15B còn được thiết kế để chứa và vận hành 2 trực thăng đa năng.

Ngoài ra, tàu lớp Visakhapatnam còn thừa kế hệ thống cảm biến và vũ khí của thiết kế trước đó là tàu khu trục lớp Kolkata (Dự án 15A), bao gồm radar mảng pha quét điện tử đa năng EL/M-2248 MF-STAR băng tần S, radar phòng không Thales LW-08 băng tần D, và sonar BEL HUMSA-NG. Giống như Dự án 15A, Dự án 15B sẽ được trang bị 32 tên lửa đất đối không Barak 8 (phóng từ các ống phóng thẳng đứng (VLS) và 16 tên lửa hành trình chống hạm BrahMos.

* Nhật Bản đặt mua 300 súng chống tăng Carl-Gustaf

 

Tờ The Defense Post đưa tin, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản vừa đặt mua 300 súng chống tăng Carl-Gustaf M4 từ công ty sản xuất quốc phòng Saab của Thụy Điển. Lô hàng dự kiến sẽ được giao vào năm 2025.

Với khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau, dòng súng chống tăng Carl-Gustaf mang lại tính linh hoạt chiến thuật và được đánh giá là loại vũ khí vác vai đắt hàng được quân đội nhiều quốc gia trên thế giới săn đón hiện nay. Được sản xuất bởi công ty sản xuất quốc phòng Saab từ năm 1948, Carl-Gustaf được đưa vào biên chế của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản từ năm 1979 và đang được hơn 40 quốc gia trên thế giới sử dụng.

Nói đến thương vụ này, ông Görgen Johansson, người đứng đầu bộ phận Dynamics của Saab cho biết, đơn hàng mới này là bằng chứng cho thấy Carl-Gustaf đã đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đặt ra.

Quân sự thế giới hôm nay (22-10): Ấn Độ tiếp nhận tàu khu trục INS Imphal, Mỹ thử nghiệm máy bay T-7A Red Hawk
Lô hàng súng chống tăng Carl-Gustaf M4 dự kiến sẽ được giao vào năm 2025. Ảnh: Saab.

Carl-Gustaf là loại súng không giật vác vai được thiết kế cho các đơn vị bộ binh thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, vô hiệu hóa tàu đổ bộ và phá hủy boong ke. Súng có thiết kế nhỏ gọn và được biết đến với độ tin cậy, dễ sử dụng và hiệu quả trong nhiều tình huống chiến đấu.

Một trong những tính năng đáng chú ý của hệ thống vũ khí đa năng Carl-Gustaf là khả năng bắn đa dạng các loại đạn, mang lại sự linh hoạt trong các tình huống chiến đấu. Hệ thống này được trang bị nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT), đạn đa dụng (HEDP) và pháo sáng.

 

Phạm vi hoạt động Carl-Gustaf phụ thuộc vào loại đạn được sử dụng. Với đạn HEAT, hệ thống có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 700m. Trong khi đó, với đạn HEDP, Carl-Gustaf có tầm bắn hiệu quả lên tới 1.000m. Loại súng vác vai này cũng có thể bắn pháo sáng tới khu vực cách xa 2.000m, cho phép các đơn vị bộ binh tấn công mục tiêu một cách hiệu quả ở nhiều khoảng cách khác nhau, nâng cao khả năng tác chiến trên chiến trường.

* Máy bay huấn luyện T-7 Red Hawk sẽ bay tới Căn cứ Không quân Edwards

Defense News đưa tin, ngày 26-10 tới, chiếc máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk đầu tiên của Không quân Mỹ sẽ bay khoảng 2.900km để tới Căn cứ Không quân Edwards ở California cho các thử nghiệm chuyên sâu. Chiếc T-7 đầu tiên này đã được “ông lớn” Boeing giao cho không quân Mỹ vào tháng 9.

Theo Đại tá Kirt Cassell, Giám đốc chương trình T-7A Red Hawk của Không quân Mỹ, trong 2 hoặc 3 tuần tới, lực lượng không quân sẽ tiến hành thử nghiệm máng trượt của hệ thống thoát hiểm.

Loại T-7 này sẽ là máy bay phản lực tiếp theo được Không quân Mỹ dùng để đào tạo phi công mới, được thiết kế theo mô phỏng các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35. Không quân Mỹ đã có kế hoạch mua 351 chiếc Red Hawks để thay thế 504 chiếc máy bay huấn luyện T-38 Talon đã cũ. Tuy nhiên, chương trình này đã bị trì hoãn nhiều năm khi một số vấn đề liên quan đến hệ thống thoát hiểm và phần mềm điều khiển đã được phát hiện trong quá trình thử nghiệm. Theo kế hoạch ban đầu, T-7 sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2024. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đẩy sang đầu năm 2027.

 

Quân sự thế giới hôm nay (22-10): Ấn Độ tiếp nhận tàu khu trục INS Imphal, Mỹ thử nghiệm máy bay T-7A Red Hawk
T-7 sẽ là máy bay phản lực tiếp theo dùng để đào tạo phi công mới. Ảnh: Boeing.

Không quân Mỹ cũng cho biết đang chuẩn bị nhận thêm 4 chiếc T-7 nữa trong những tháng tới. Chiếc thứ hai dự kiến sẽ được giao cho không quân Mỹ vào tuần đầu tiên của tháng 11, sau đó sẽ bay đến Căn cứ Không quân Eglin ở Florida để tiến hành các thử nghiệm về thời tiết. Chiếc T-7 thứ 3 dự kiến sẽ bay tới Edwards vào cuối tháng 11, trong khi chiếc thứ 4 và thứ 5 sẽ được bàn giao vào cuối tháng 12.

- Video: Tàu hộ vệ Fremm – “Gã khổng lồ” trên biển của Hải quân Pháp.

Vũ khí - Khí tài

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm