Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (24/8): Giải mã uy lực tên lửa 5V28 của hệ thống phòng không S-200

Quân sự thế giới hôm nay (24/8) có những nội dung chính sau: Bí mật nào giúp Ukraine đưa tên lửa 5V28 của hệ thống phòng không S-200 thành vũ khí tấn công uy lực nhất hiện nay? Indonesia công bố cam kết mua 24 chiến đấu cơ F-15EX Eagle II; Nhật Bản tăng cường năng lực phòng không với tên lửa Stunner của Israel.

Kinh ngạc khi Nga sản xuất tới 5.000 UAV cảm tử Gastello hàng tháng / Vì sao chiến thuật quân sự của Mỹ và NATO thất bại ở Ukraine?

* Bí mật nào giúp tên lửa 5V28 trở thành vũ khí tấn công uy lực nhất của Ukraine?

Theo Forbes, từ một hệ thống phòng không, S-200 đã được Không quân Ukraine chuyển đổi thành vũ khí tấn công mặt đất được cho là uy lực nhất của Ukraine hiện nay. Mấu chốt nằm ở chỗ hệ thống tên lửa đất đối không S-200 sản xuất từ những năm của thập niên 1960 sử dụng tên lửa 5V28 nặng 8 tấn vốn được thiết kế với nhiệm vụ bắn hạ máy bay ném bom chiến lược trang bị vũ khí hạt nhân. Để sử dụng được cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, S-200 và tên lửa 5V28 phải có những thay đổi đáng kể.

Bệ phóng hệ thống phòng không S-200 và tên lửa (trái). Tên lửa sử dụng cho S-200 gồm các biến thế 5V21, 5V28, 5V28V. Ảnh: Forbes

Theo chuyên gia tên lửa Trent Telenko, cựu kiểm định viên thuộc Cơ quan quản lý hợp đồng quốc phòng Mỹ, rất có thể các kỹ sư của Ukraine đã thay radar gắn mũi của 5V28 bằng thiết bị tự dẫn mới. Vốn rất quen thuộc với S-200, tên lửa 5V28 và các hệ thống phụ trợ, Trent Telenko nhận định có thể thiết bị dò tìm mục tiêu mới này là radar của tên lửa đạn đạo Grom-2.

Grom-2 do công ty KB Pivdenne của Ukraine phát triển với mục đích thay thế tên lửa đạn đạo Tochka-U hiện có của Ukraine. Đây là tên lửa một tầng đẩy, sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn khoảng 500km, sử dụng radar bước sóng milimet cho phép điều chỉnh chính xác đường bay tên lửa khi hướng về mục tiêu. Rất có thể tên lửa 5V28 đã được tích hợp radar nhỏ gọn của Grom-2. Với bộ tự dẫn hiện đại này cộng thêm đầu đạn có sức công phá lớn, 5V28 đang trở thành vũ khí tấn công đầy uy lực của Ukraine, có phạm vi tác chiến lên tới 400km.

Ngày 28-7, một quả tên lửa 5V28 đã bắn trúng một căn cứ không quân ở Tagarong, cách biên giới Ukraine khoảng hơn 30km. Moscow cũng nhiều lần tuyên bố bắn hạ tên lửa 5V28 và lần gần đây nhất là ở bán đảo Crimea ngày 12-8. Tên lửa có vận tốc tối đa Mach 4 (gấp 4 lần vận tốc âm thanh, tiệm cận vũ khí siêu vượt âm) và hầu hết các hệ thống phòng không hiện có trên thế giới đều sẽ phải rất khó khăn mới có thể đánh chặn được tên lửa 5V28 vốn chỉ cần 5 phút là đã vươn tới mục tiêu ở khoảng cách tối đa 400km.

Hình ảnh được cho là tên lửa 5V28 rơi ở Tagarong. Nguồn: Tài khoản Twitter Noel Report

* Indonesia công bố cam kết mua 24 chiến đấu cơ F-15EX Eagle II

Military Leak ngày 23-8 đưa tin Indonesia đã công bố cam kết mua 24 máy bay chiến đấu Boeing F-15EX Eagle II. Ông Mark Sears, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Chương trình Boeing Fighters, cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư chuyên môn nhiều năm để phát triển năng lực cho F-15EX. Trên thế giới không có máy bay chiến đấu nào giống F-15EX và nền tảng này sẽ đưa Indonesia lên vị trí dẫn đầu về khả năng thống trị trên không”. Theo Bulgarian Military, khi chiến đấu cơ F-15EX Eagle II đầu tiên xuất hiện tại St. Louis, sự kiện quan trọng này còn cho thấy Boeing đã sẵn sàng bàn giao F-15EX cho Không quân Mỹ vào cuối năm nay.

 

F-15EX Eagle II là biến thể mới nhất của máy bay chiến đấu F-15, do Boeing phát triển cho Không quân Mỹ. Đây là phiên bản nâng cấp của F-15E Strike Eagle đã được đưa vào sử dụng từ những năm của thập niên 1980. F-15EX được thiết kế để thay thế các mẫu F-15C/D cũ hơn, đã hoạt động hơn 40 năm nay.

Indonesia công bố cam kết mua 24 chiến đấu cơ F-15EX Eagle II. Ảnh: Boeing

F-15EX Eagle II được trang bị nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất và bom. Chiến đấu cơ này có thể mang theo theo tới 22 tên lửa không đối không như AIM-120 và AIM-9X, và tối đa 12.700kg vũ khí không đối đất, bao gồm bom GBU-31 JDAM và bom đường kính nhỏ. F-15EX cũng được trang bị súng 20mm sử dụng trong cận chiến.

F-15EX Eagle II đã được nâng cấp với buồng lái trang bị hệ thống kỹ thuật số có màn hình lớn và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, giúp phi công nâng cao khả năng nhận định tình hình trong tác chiến và tiến hành các tác vụ tương ứng. Bên cạnh đó, F-15EX còn được trang bị thiết bị tác chiến điện tử mới, giúp tăng cường khả năng phát hiện và đánh bại các mối đe dọa của đối phương.

* Nhật Bản tăng cường hệ thống phòng không Patriot với tên lửa đánh chặn Stunner của Israel

Cũng theo Military Leak, Nhật Bản đang thực hiện các bước đi chiến lược để củng cố khả năng phòng thủ tên lửa. Trước đây, Nhật Bản đã đầu tư các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot PAC-3 nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo và các hệ thống này đã được triển khai ở một số đảo có vị trí chiến lược như Ishigaki, Yonaguni và Miyako, tạo thành tuyến phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm xa vòng ngoài.

 

Stunner là tên lửa phòng không tầm trung, một bộ phận quan trọng của hệ thống phòng không David’s Sling. Ảnh: Army Technology

Hệ thống PAC-3, do Raytheon phát triển, đã được nâng cấp đáng kể vào những năm 1995, 1996 và 2000 và một bản cập nhật phần mềm đã được đưa ra vào năm 1999 cho phép nâng cao khả năng thông tin liên lạc với hệ thống mạng chỉ huy và kiểm soát Link 16 giúp nhận định tình hình tác chiến tốt hơn.

Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng trong khu vực là lý do khiến Nhật Bản tiếp tục đổi mới và thích ứng. Năm 2022, Nhật Bản đã có bước đi quyết định trong việc củng cố năng lực phòng không của mình bằng cách nghiên cứu tích hợp tên lửa đánh chặn Stunner của Israel vào các bệ phóng Patriot hiện có.

Stunner là tên lửa phòng không tầm trung, một bộ phận quan trọng trong hệ thống phòng không hiện đại David’s Sling, được hợp tác phát triển bởi Rafael và Raytheon. Stunner có thiết kế linh hoạt và tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả cao trong phòng chống tên lửa đạn đạo. Với việc trang bị thêm tên lửa tầm trung Stunner, Nhật Bản đang trong lộ trình tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo nhiều lớp, từ tầm xa đến tầm trung và giai đoạn cuối.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm