Quân sự thế giới hôm nay (26/8): Tiêm kích F-16 do Na Uy viện trợ có đem lại khác biệt trên chiến trường Ukraine?
Xe chiến đấu bộ binh Manul mạnh vượt trội nhờ module Epoch / Ukraine tung bằng chứng phá hủy hệ thống phòng không S-400 bảo vệ Crimea
* Hải quân Mỹ mua thêm trực thăng CH-53K
Sikorsky, một công ty con của Lockheed Martin, sẽ cung cấp 35 chiếc trực thăng vận tải hạng nặng CH-53K King Stallion cho Hải quân Mỹ và không quân Israel. Defense News cho biết, thương vụ trị giá 2,77 tỷ USD.
Theo hợp đồng ký ngày 24/8, 27 chiếc sẽ được chuyển giao cho Thủy quân lục chiến Mỹ và 8 chiếc khác sẽ được bàn giao cho Không quân Israel.
Kiểm tra khả năng của CH-53K King Stallion tại Căn cứ Thủy quân lục chiến Lejeune ngày 16/12/2021. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ |
Chủ tịch Sikorsky Paul Lemmo cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, hợp đồng mua 35 máy bay trực thăng CH-53K này sẽ cung cấp cho Thủy quân lục chiến Mỹ và không quân Israel những công nghệ mang tính đột phá của thế kỷ 21.
Dự kiến, việc giao hàng sẽ bắt đầu vào năm 2026.
CH-53K là biến thể mới nhất của dòng trực thăng CH-53 Sea Stallion, có chiều dài 30,2m, cao 8,46m, đường kính cánh quạt 24m, trần bay 5.500m, đạt vận tốc tối đa 310km/h, tầm hoạt động 852km. Siêu trực thăng này được trang bị 3 động cơ trục cánh quạt T408-GE-400 có công suất mỗi động cơ tới 7.500 mã lực. Thân máy bay đủ rộng để vận chuyển khối lượng hàng hóa tối đa 15,9 tấn. Trực thăng có thể chở tối đa 55 binh lính hoặc tải được 24 thương binh nằm trên cáng. Máy bay được trang bị súng GAU-21 và GAU-15/A. CH-53K có thể cẩu trực thăng hạng trung hoặc các máy bay tiêm kích hạng nhẹ để cơ động di chuyển khi cần thiết.
* Na Uy sẽ viện trợ tiêm kích F-16 cho UkraineNa Uy là quốc gia châu Âu thứ ba sau Hà Lan và Đan Mạch sẽ viện trợ chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.
Stars and Stripes đưa tin, phát biểu với Hãng thông tấn Na Uy NTB ở Kiev nhân chuyến thăm Ukraine, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cho biết Na Uy sẽ cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine với số lượng dưới 10 chiếc. Na Uy sẽ thảo luận về số lượng máy bay cũng như lịch trình chuyển giao với Kiev và các nước đồng minh khác.
Na Uy tuyên bố sẽ viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraina. Ảnh minh họa: AP |
Ngoài tiêm kích F-16, Na Uy còn cam kết tặng tên lửa phòng không cho Ukraine để bảo vệ dân thường cũng như cơ sở hạ tầng và các đơn vị quân sự.
Hồi tháng 2, Na Uy đã tuyên bố sẽ tài trợ 75 tỷ kroner (7 tỷ USD) cho Kiev như một phần của gói hỗ trợ 5 năm, đưa Na Uy trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho Ukraine. Số tiền này sẽ được chia đều cho hỗ trợ quân sự và nhân đạo trong 5 năm.
Theo cam kết viện trợ cho Ukraine, Đan Mạch sẽ cung cấp 19 máy bay F-16, trong khi Hà Lan chưa cụ thể số máy bay. Trong một diễn biến khác, nhằm giúp Ukraine vận hành tiêm kích F-16, bắt đầu từ tháng 10 tới, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ huấn luyện phi công Ukraine lái tiêm kích. Theo kế hoạch, các phi công sẽ được đào tạo tiếng Anh tại căn cứ không quân Lackland ở San Antonio, bang Texas trong tháng 9 trước khi tham gia huấn luyện bay tại căn cứ không quân của Vệ binh Quốc gia Morris ở Arizona từ tháng 10.
F-16 là chiến đấu cơ từ lâu Ukraine mong muốn có nhằm thay đổi cơ bản cục diện diễn biến trên chiến trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sở hữu tiêm kích F-16 có đem lại lợi thế cho Ukraine hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp và hiện tại Ukraine có quá nhiều khó khăn để có vận hành chiến đấu cơ này một cáchhiệu quả. Những khó khăn đó bao gồm các yếu tố như: Hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hậu cần của Không quân Ukraine; số lượng máy bay F-16 các nước cam kết viện trợ còn chưa nhiều; phi công Ukraine còn phải trải qua quá trình huấn luyện lâu dài để có thể làm chủ phương tiện chiến đấu này; hệ thống phòng không S-300, S-400 của Nga đang hoạt động rất hiệu quả và F-16 tỏ ra khá yếu kém trước các hệ thống phòng không này; máy bay chiến đấu Su-35 của Nga vẫn chiếm ưu thế trên bầu trời Ukraine và ngay cả khi so sánh với F-16...
* Nhật Bản, Mỹ, Australia, Philippines tiến hành tập trận hải quân chung
Japantoday ngày 26/8 đưa tin cuộc tập trận hải quân chung diễn ra ở Biển Đông bắt đầu từ 24/8. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Izumo - tàu khu trục trực thăng lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và tàu khu trục Samidare đã tham gia cuộc tập trận. Cũng theo Bộ này, cuộc tập trận có sự góp mặt của tàu tác chiến duyên hải Mobile của Hải quân Mỹ, tàu tấn công đổ bộ Canberra của Australia, tàu khu trục Anzac, máy bay chiến đấu F-35A, và tàu đổ bộ Dabao Del Sur của Hải quân Philippines.
Izumo là tàu khu trục trực thăng lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Ảnh: Kyodo |
Theo các nguồn tin, Philippines đang cân nhắc tuần tra hàng hải chung với các tàu của Nhật Bản, Mỹ và Australia.
Hồi tháng 6, Nhật Bản, Mỹ, Australia và Philippines đã tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng đầu tiên tại Singapore. Tại cuộc họp này, các bên đồng ý tăng cường hợp tác an ninh nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
* Rơi máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet, phi công thiệt mạng
Vụ tai nạn diễn ra ở một khu vực hẻo lánh của Trạm Không quân Thủy quân lục chiến Miramar gần San Diego đêm 24-8 và thi thể phi công được tìm thấy ngày 25/8.
NBCConnecticut dẫn thông cáo của Thủy quân lục chiến số 2 cho biết, phi công là người duy nhất trên máy bay. Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ đã tìm thấy thi thể của phi công gần địa điểm máy bay rơi.
Danh tính phi công vẫn chưa được tiết lộ.
Hiện trường vụ rơi máy bay chiến đấuF/A-18 Hornet ngày 24/8. |
F/A-18 Hornet là máy bay chiến đấu hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Đây được coi là máy bay chủ lực của lực lượng hàng không chiến thuật của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Năm 2008, 4 người thiệt mạng ở San Diego khi một chiếc F/A-18D Hornet lao xuống khu dân cư cách căn cứ Miramar khoảng 3,2km. Phi công sống sót sau khi nhảy dù và được điều trị tại bệnh viện sau khi mắc kẹt trên cây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo