Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (27/12): Ukraine phá hủy tàu đổ bộ Nga, Không quân Mỹ trang bị máy bay F-15EX Eagle II

Quân sự thế giới hôm nay (27/12) có những nội dung sau: Ukraine tuyên bố đánh chìm tàu đổ bộ của Hải quân Nga, Không quân Mỹ trang bị máy bay F-15EX Eagle II, Iran nhận tên lửa hành trình Abu Mahdi tích hợp trí tuệ nhân tạo.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 11/11 / Quân sự thế giới hôm nay (11/11): Máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk bay thử nghiệm

* Ukraine tuyên bố đánh chìm tàu đổ bộ của Hải quân Nga

Ngày 26-12, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận một sự cố xảy ra tại cảng Feodosia ở Crimea. Lực lượng vũ trang Ukraine đã phóng tên lửa vào cảng, khiến tàu đổ bộ Novocherkassk (BDK-46) của Hạm đội Biển Đen Nga bị hư hại.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc không kích đã tạo ra một vụ nổ lớn và gây cháy trên diện rộng, tuy nhiên vụ cháy đã nhanh chóng được khống chế. Lực lượng phòng không Nga ngay sau đó đã bắn hạ hai cường kích Su-24 mang theo tên lửa hành trình của Ukraine .

Theo Sergey Aksyonov, lãnh đạo Crimea do Nga bổ nhiệm, vụ tấn công này đã khiến 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương và 6 tòa nhà bị hư hại.

Ukraine tiến hành không kích cảng Feodosia ở Crimea vào khoảng 2 giờ 30 phút sáng giờ địa phương, khiến tàu đổ bộ Novocherkassk của Nga bị hư hại. Ảnh: Financial Times

Ukraine tiến hành không kích cảng Feodosia ở Crimea vào khoảng 2 giờ 30 phút sáng giờ địa phương, khiến tàu đổ bộ Novocherkassk của Nga bị hư hại. Ảnh: Financial Times

Cùng ngày, Mykola Oleshchuk, Tư lệnh Không quân Ukraine đã tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang của quốc gia này đã sử dụng tên lửa hành trình đánh chìm tàu đổ bộ của Nga.

Kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, bán đảo này đã trở thành tâm điểm của các hoạt động quân sự trong khu vực, đặc biệt là từ sau khi nổ ra "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine vào tháng 2-2022. Lực lượng Nga ở Crimea đã phải đối mặt với rất nhiều các cuộc tấn công từ Ukraine. Sau một số cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào các tàu và trụ sở của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, Nga đã di chuyển phần lớn tàu của hạm đội từ cảng Sevastopol ở Bán đảo Crimea đến Novorossiysk ở vùng Krasnodor Krai, miền Nam nước này và cảng Feodosia ở Crimea.

Tàu đổ bộ Novocherkassk của Hạm đội Biển Đen Nga. Ảnh: Wikipedia

Tàu đổ bộ Novocherkassk của Hạm đội Biển Đen Nga. Ảnh: Wikipedia


Novocherkassk là tàu đổ bộ thuộc lớp Ropucha thuộc Dự án 775 của Hải quân Liên Xô. Phương tiện này được đóng tại nhà máy đóng tàu Stocznia Polnocna ở Gdansk, Ba Lan. Một trong những đặc điểm nổi bật của tàu lớp Ropucha này là tính linh hoạt. Tàu được trang bị cửa ở cả mũi và đuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển phương tiện và thiết bị một cách hiệu quả. Sàn tàu rộng rãi trải dọc theo chiều dài thân tàu, rất phù hợp cho các hoạt động đổ bộ trên biển.

 

Về thông số kỹ thuật, Novocherkassk dài 112,5m, rộng 15,01m, mớn nước 4,26m. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn là 2.768 tấn và khi đầy tải là 4.012 tấn. Sử dụng động cơ diesel Zgoda-Sulzer 16ZVB40/48 công suất 9.600 mã lực, Novocherkassk có thể di chuyển với vận tốc tối đa lên tới gần 34km/giờ và phạm vi hoạt động 7.408km. Tàu có thể hoạt động liên tục trong vòng 30 ngày.

Về hỏa lực, Novocherkassk được trang bị 2 hải pháo AK-725 57mm nhằm mục đích tự vệ và hỗ trợ cho các hoạt động ven bờ. Ngoài ra, tàu còn mang theo 32 tên lửa đất đối không Strela-2 (SAM) và hệ thống pháo phản lực phóng loạt A-215 Grad-M.

Novocherkassk có thể chở 10 xe tăng chiến đấu chủ lực và 340 binh lính. Ngoài ra, tàu có thể vận chuyển tới 500 tấn hàng hóa.

* Không quân Mỹ trang bị máy bay F-15EX Eagle II

Lực lượng Không quân Mỹ mới đây vừa tiếp nhận 2 máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II, được gọi là EX3 và EX4, tại Căn cứ Không quân Eglin ở Florida.

 

Máy bay chiến đấu F-15EX. Ảnh: Air & Space Forces Magazine

Máy bay chiến đấu F-15EX. Ảnh: Air & Space Forces Magazine

Theo đó, F-15EX Eagle II là phiên bản mới nhất của mẫu F-15 huyền thoại. So với người tiền nhiệm, F-15EX sở hữu tính linh hoạt và hiệu suất chiến đấu trên không vượt trội. Mẫu tiêm kích này được trang bị hệ thống cảnh báo và giám sát áp suất buồng lái, một tính năng quan trọng để đảm bảo sự an toàn. Ngoài ra, máy bay còn được tích hợp ăng-ten tần số cực cao để liên lạc vệ tinh, mở rộng khả năng liên lạc và kết nối trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.

Một điểm cải tiến khác của F-15EX là sửa đổi về cấu trúc, bao gồm thân máy bay phía trước được thiết kế lại để đáp ứng nhu cầu cụ thể của Không quân Mỹ. Việc điều chỉnh cấu trúc này không chỉ nhằm mục đích cải thiện tính khí động học của máy bay mà còn tối ưu hóa việc tích hợp các hệ thống vũ khí tiên tiến. Trong thời gian tới, các phi đội thử nghiệm tại Eglin dự kiến sẽ nhận thêm 2 máy bay phản lực F-15EX.

*Iran nhận tên lửa hành trình Abu Mahdi tích hợp trí tuệ nhân tạo

TrangNavy Recognitionngày 26-12 đăng tin lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và hải quân quốc gia nước này vừa tiếp nhận tên lửa hành trình Abu Mahdi được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giúp tăng cường khả năng tấn công trên biển trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.

 

Hải quân Iran vừa tiếp nhận tên lửa hành trình Abu Mahdi tích hợp trí tuệ nhân tạo. Ảnh: SOFREP

Hải quân Iran vừa tiếp nhận tên lửa hành trình Abu Mahdi tích hợp trí tuệ nhân tạo. Ảnh: SOFREP

Chỉ huy Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Alireza Tangsiri cho biết việc tích hợp AI vào tên lửa Abu Mahdi sẽ mang lại độ chính xác cao hơn và cải thiện khả năng cơ động của tên lửa. Với công nghệ này, Abu Mahdi có thể phân tích dữ liệu theo thời gian thực, điều chỉnh quỹ đạo trong khi bay và tránh các hệ thống phòng không của đối phương một cách hiệu quả hơn. AI cũng sẽ cung cấp khả năng đưa ra quyết định tự động để tối ưu hóa quỹ đạo chuyến bay, từ đó tăng khả năng thành công của nhiệm vụ.

Theo đó, Abu Mahdi được phát triển bởi Cơ quan Công nghiệp hàng không vũ trụ Iran và được đặt tên theo Abu Mahdi al-Muhandis, Tư lệnh Lực lượng dân quân người Iraq, bị ám sát vào năm 2020. Loại vũ khí này thể hiện bước tiến đáng kể trong kho vũ khí của Iran, vượt qua những tên lửa tiền nhiệm về tầm bắn và khả năng.

Được thiết kế cho các hoạt động hải quân, Abu Mahdi có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác vượt trội. Tên lửa này có tầm bắn hơn 1.000km. Sử dụng động cơ phản lực, tên lửa có thể bay với tốc độ cao và duy trì quỹ đạo bay ổn định và chính xác. Các tính năng của tên lửa cho phép nó có thể chống lại các biện pháp đối phó điện tử và tránh các hệ thống radar, khiến nó trở thành một vũ khí lý tưởng trong môi trường chiến đấu phức tạp.

Việc tích hợp AI vào tên lửa Abu Mahdi thể hiện cam kết của Iran trong việc tăng cường năng lực quân sự cũng như nâng cao khả năng phòng thủ của quốc gia Hồi giáo này. Điều này cũng có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, mang đến cho Iran một phương tiện hiệu quả hơn để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng và bảo vệ lợi ích hàng hải của quốc gia.

 

Nguồn: Tổng hợp

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm