Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (27/7): Ukraine sẽ nhận thêm hệ thống phòng không Skynex

Quân sự thế giới hôm nay (27/7) có những thông tin đáng chú ý sau: Ukraine sẽ nhận thêm 2 hệ thống phòng không tầm ngắn Skynex trong năm nay; Hàn Quốc giành hợp đồng cung cấp xe chiến đấu bộ binh cho quân đội Australia; Không quân Mỹ tiếp tục thử nghiệm hệ thống tên lửa Rapid Dragon.

Tướng Không quân Mỹ cảnh báo kho dự trữ vũ khí của NATO thấp ở mức 'nguy hiểm' / Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 25/7

* Ukraine sẽ nhận thêm 2 hệ thống phòng không tầm ngắn Skynex trong năm nay

Theo Army Recognition, Rheinmetall đã xác nhận sẽ cung cấp 2 tổ hợp phòng không tầm ngắn Skynex cho Ukraine trong nửa cuối năm 2023. Các tổ hợp này sẽ được lắp trên khung gầm xe tải Rheinmetall MAN HX 8x8 và sử dụng đạn 35mm Ahead.

Cũng theo Army Recognition, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã tiết lộ thông tin cho biết hệ thống phòng khôngnày đã được đưa vào sử dụng trước đó ở Ukraine. Hệ thống phòng không Skynex được thiết kế để chống máy bay không người lái và tên lửa hành trình tầm ngắn. Skynex sử dụng hệ thống quản lý chiến đấu Oerlikon Skymaster, cho phép tích hợp các mô-đun cảm biến và các bộ hiệu ứng khác nhau theo yêu cầu nhiệm vụ.

Hệ thống phòng không tầm ngắn Skynex trên khung gầm xe tảiRheinmetall MAN HX 8x8. Ảnh: Army Recognition

Pháo Oerlikon Mk3 35mm trang bị trên Skynex có tầm bắn hiệu quả 4.000m và tốc độ bắn 1.000 phát/phút. Phiên bản cơ bản của Skynex có thể đánh chặn máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái chiến thuật, tên lửa không đối đất, đạn cối và rocket ở khoảng cách 4km. Đây là giải pháp lý tưởng để bảo vệ các cơ sở quân sự quan trọng như căn cứ quân sự, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác.

Một lợi thế đáng chú ý là hệ thống Skynex có giá vận hành khá phải chăng do sử dụng đạn Ahead rẻ hơn nhiều so với các hệ thống phòng không sử dụng tên lửa dẫn đường. Theo ước tính của công ty Rheinmetall thì chi phí để tiêu diệt một mục tiêu trên không thông thường bằng hệ thống Skynex chỉ là 4.000 Euro (4.435 USD), trong khi đó các hệ thống tên lửa như IRIS-T phải chi gấp gần 100 lần để tiêu diệt một mục tiêu như vậy.

Trong xung đột ở Ukraine, các hệ thống phòng không đóng vai trò rất quan trọng do máy bay không người lái được sử dụng rộng rãi. Chi phí để bắn hạ một máy bay không người lái cỡ nhỏ thường vượt xa chi phí sản xuất ra chính máy bay không người lái đó. Do vậy, điều cần thiết với các bên là phát triển khả năng bắn hạ máy bay không người lái với các thiết bị có chi phí vận hành thấp như pháo phòng không tự hành Gepard hay hệ thống phòng không tầm ngắn Skynex.

* Hàn Quốc giành hợp đồng cung cấp xe chiến đấu bộ binh cho quân đội Australia

Theo ABC News, Australia đã chọn xe chiến đấu bộ binhRedback của Hanwha của Hàn Quốc thay vì Lynx do công ty Rheinmetall của Đức sản xuất. Hợp đồng trị giá lên tới hơn 6 tỷ USD.

 

Công ty Hanwha của Hàn Quốc sẽ sản xuất hơn 100 xe chiến đấu bộ binh Redback cho quân đội Australia. Ảnh: ABC News

Như vậy, Hàn Quốc là quốc gia châu Á lần đầu tiên giành được hợp đồng quốc phòng trị giá hàng tỷ USD với Australia. Quyết định này đặt ra nghi vấn về cam kết mới đây của Đức về việc mua 100 xe trinh sát chiến đấu Boxer chế tạo ở Queensland.

Đầu năm nay, bản đánh giá chiến lược quốc phòng mới của Australia đã đưa ra kế hoạch chi tiết về chính sách chiến lược, lập kế hoạch và huy động nguồn lực quốc phòng của nước này trong những thập kỷ tới. Theo đó, phạm vi dự án nâng cấp của Lục quân Australia đã cắt giảm từ 450 xe chiến đấu bộ binh xuống chỉ còn 129.

Theo hợp đồng, Hanwha sẽ chế tạo hơn 100 xe chiến đấu bộ binh Redback tại nhà máy Geelong ở thuộc bang Victoria. Công ty Rheinmetall của Đức đã không thành công trong đề xuất phát triển xe chiến đấu bộ binh Lynx của mình tại Ipswich. Quyết định chọn Hanwha của Australia sẽ giúp tăng cường quan hệ an ninh với một quốc gia quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng chắc chắn đây không phải là một tin vui với công ty quốc phòng Đức Rheinmetall.

* Không quân Mỹ tiếp tục thử nghiệm tên lửa hành trình Rapid Dragon

Mobility Guardian là cuộc tập trận quy mô lớn nhằm kiểm tra phạm vi và năng lực hoạt động của một số máy bay vận tải quân sự cỡ lớn của lực lượng Không quân Mỹ. Theo Task and Purpose, trong cuộc tập trận mới kết thúc trong tháng này Mobility Guardian 2023 ở Thái Bình Dương, Không quân Mỹ đã thử nghiệm một trong những vũ khí mới nhất và độc đáo nhất: Tên lửa Rapid Dragon.

 

Tên lửa hành trình Rapid Dragon được thả từ máy bay vận tải bằng thùng hàng. Ảnh: Không quân Mỹ

Tên lửa hành trình Rapid Dragon được thả từ máy bay vận tải bằng thùng hàng bằng dù từ khoang cửa phía sau. Thông thường, các loại tên lửa hành trìnhchỉ được triển khai bởi các máy bay chiến đấu hay máy bay ném bom, nhưng với Rapid Dragon, máy bay vận tải C-17 và C-130 cũng có thể trực tiếp tham gia tác chiến.

Sau lần thử nhiệm tên lửa Rapid Dragon đầu tiên vào năm 2022 tại Na Uy, Trung tá Valerie Knight, người chỉ huy nhiệm vụ thử nghiệm thuộc Trung đoàn không quân tác chiến đặc biệt số 352, đánh giá: “Máy bay vận tải C-130J là phương tiện hoàn hảo để thực hiện hoạt động tác chiến này [phóng tên lửa Rapid Dragon] vì nó có thể cất cánh, hạ cánh và hoạt động từ đường băng chỉ dài 3.000 fút (khoảng 914m) và các khu vực cất, hạ cánh khó khăn khác trong khi máy bay ném bom không thể làm được điều đó”.

Với việc thêm một lần nữa thử nghiệm tên lửa hành trình Rapid Dragon, Không quân Mỹ đang tiến gần hơn tới việc “vũ trang hóa” các loại máy bay vận tại quân sự hạng nặng như C-17, C-130.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm