Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (3/7): Đức từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine

Quân sự thế giới hôm nay (3/7) có những thông tin đáng chú ý sau: Đức từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine; Israel không kích thành phố Homs, Syria; giao tranh tái diễn ác liệt giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF.

Clip: PAC Patriot – Vũ khí phòng không chủ lực của quân đội Mỹ / Israel tấn công hệ thống phòng không ở Syria

* Đức từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine

Truyền thông Đức ngày 2/7 đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa khẳng định Đức sẽ không gửi tên lửa Taurus tới Ukraine nhằm tránh khả năng xảy ra tình trạng vũ khí Đức bị sử dụng để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD của Đức và được hỏi về khả năng viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine, ông Olaf Scholz nói: “Chúng tôi xem xét kỹ lưỡng tất cả các yêu cầu nhận được từ phía Ukraine. Có một nguyên tắc mà chúng ta chia sẻ với Mỹ là chúng ta không muốn vũ khí của mình bị sử dụng để xâm nhập lãnh thổ Nga”.

Đức từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine. Ảnh: Alarabiya

Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết trong một cuộc phỏng vấn với DW rằng Berlin đã bác bỏ ý tưởng chuyển giao tên lửa hành trìnhTaurus cho Ukraine. Bộ trưởng Boris Pistorius cũng nói thêm rằng cũng như Washington, Berlin luôn đảm bảo để vũ khí của mình không được sử dụng trên lãnh thổ Nga.

Trước đó, theo hãng thông tấn Ukrinform và tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung của Đức, hồi tháng 5, Ukraine đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa Taurus. Kyiv từ lâu đã đề nghị được cung cấp vũ khí và chiến đấu cơ nhằm tăng cường khả năng phòng không và tiến hành các chiến dịch trên không trong bối cảnh Nga vẫn chiếm ưu thế vượt trội trên bầu trời. Anh đã cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow và Pháp cho biết sẽ cung cấp tên lửa cùng loại (Pháp gọi là tên lửa Scalp-EG).

Taurus KEPD 350 là một tên lửa hành trình không đối đất tầm xa nổi tiếng với khả năng tấn công từ xa một cách an toàn và máy bay mang tên lửa không phải đi vào không phận của đối phương. Với tầm bắn khoảng 500km, mang đầu đạn hai tầng nặng 500kg, khả năng tàng hình tiên tiến và tốc độ cận âm, tên lửa Taurus có thể xuyên thủng nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa. Hệ thống định vị tiên tiến sử dụng thuật toán đối chiếu hình ảnh cho phép Taurus hoạt động ngay cả trong môi trường không có hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

* Israel không kích thành phố Homs

Một tên lửa Syria đã phát nổ trên lãnh thổ Israel. Ảnh: The Syrian Obsever

Theo một tuyên bố của quân đội Syria ngày 2/7, Không quân Israel đã tiến hành một số cuộc không kích gần thành phố Homs, miền trung Syria, gây thiệt hại về tài sản nhưng không có thương vong xảy ra. Trong các đợt không kích, một tên lửa Syria đã phát nổ trên lãnh thổ Israel.

 

The Syrian Obsever đưa tin một quan chức quân sự Syria giấu tên cho báo giới biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ thành công một số tên lửa do máy bay chiến đấu của Israel bắn qua không phận Lebanon, nhằm vào mục tiêu là trụ sở của lực lượng quân cảnh phía Nam thành phố Homs.

Phía Israel từ chối bình luận về cuộc không kích ở Homs. Tuy nhiên, quân đội nước này xác nhận một tên lửa phòng không của Syria đã phát nổ trên lãnh thổ Israel và không gây thiệt hại về người và tài sản. Theo cảnh sát Israel, những mảnh vỡ của tên lửa này rơi xuống một khu vực thuộc thành phố Rahat.

Để đối phó với vụ nổ tên lửa, Israel đã điều động máy bay chiến đấu tấn công mục tiêu phòng không đã bắn đi quả tên lửa này và tấn công một số mục tiêu khác. Ngoài ra, quân đội Israel không cung cấp thêm thông tin chi tiết cụ thể khác.

* Giao tranh tái diễn ác liệt giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF

Giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), làm rung chuyển thủ đô Khartoum.

 

Giao tranh tái diễn ác liệt giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF. Ảnh: Aljazeera

Theo Aljazeera, giao tranh bắt đầu từ đầu giờ sáng ngày 2/7 ở phía Bắc thành phố Khartoum và lực lượng RSF đã tìm cách tấn công các vị trí của quân đội Sudan, trong đó có một căn cứ không quân. Pháo binh hạng nặng cũng đã được huy động và sử dụng ở phía Đông của thành phố. Một máy bay chiến đấu của quân đội Sudan đã bị bắn rơi ở khu vực phía Bắc Khartoum.

Giao tranh tái diễn đã khiến người dân Khartoum đứng trước nguy cơ phải đối mặt với bệnh tật và tình trạng thiếu lương thực. Xung đột ở Sudan bắt đầu từ ngày 15/4 giữa lực lượng trung thành với chỉ huy quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và người đứng đầu lực lượng RSF Mohammed Hamdan Dagalo. Theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc, giao tranh đã làm 3.000 người thiệt mạng, 2,2 triệu người khác buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, gần 645.000 người đi tị nạn qua biên giới và con số kỷ lục 25 triệu người Sudan cần được bảo vệ và viện trợ nhân đạo.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm