Quân sự thế giới hôm nay (5/12): Nga dùng máy bay Su-57 làm “bệ phóng” triển khai UAV
Tiêm kích Su-57 và Su-75 chia sẻ hệ thống chiến đấu đặc biệt / Mỹ cạn vũ khí đánh chặn vì xung đột Trung Đông
* Nga sử dụng máy bay chiến đấu Su-57 làm bệ phóng triển khai UAV
Military Watch ngày 4-12 dẫn nguồn tin Nga cho biết, máy bay không người lái (UAV) Nga hiện đang được phát triển để có thể triển khai từ máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 và hoạt động cùng với chiến đấu cơ này trong tác chiến.
Cụ thể, Nga đang sản xuất UAV đa dụng thiết kế riêng cho Su-57 và những chiếc UAV này có thể được treo bên ngoài hoặc bên trong thân máy bay trước khi thả xuống thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Su-57 sẽ trở thành bệ phóng có thể triển khai một số lượng lớn UAV cùng một lúc và kiểm soát nhóm máy bay không người lái này.
Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Su-57. Ảnh: Military Watch |
Máy bay không người lái có thể thực hiện các cuộc không kích, tiến hành hoạt động tác chiến điện tử và trinh sát, hoặc xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương. Với phương thức như vậy, Nga có thể tận dụng khả năng tàng hình và khả năng hoạt động cường độ cao của Su-57, cho phép mỗi máy bay chiến đấu mang theo một số lượng đáng kể UAV triển khai tới những khu vực có khoảng cách xa mà vẫn khiến đối phương không phát hiện được hoạt động của UAV cho đến khi chính thức bị tấn công. Với tốc độ sản xuất máy bay chiến đấu Su-57 được cho là đã tăng gấp đôi trong năm 2023 lên khoảng 12 chiếc mỗi năm, Không quân Nga dự kiến sẽ thành lập đội máy bay chiến đấu Su-57 đủ biên chế đầu tiên vào năm 2024.
Thực hiện chức năng như một “tàu sân bay” từ trên không cho UAV sẽ giúp Su-57 trở thành máy bay chiến đấu “độc nhất vô nhị” trong các mẫu các máy bay chiến đấu trên thế giới hiện nay. Đây là tính năng mới nhất trong một loạt các tính năng của Su-57 từng được công bố cho đến thời điểm này. Về phía Mỹ, đã có người đưa ra đề xuất điều chỉnh các máy bay vận tải như C-130 để chúng có thể triển khai số lượng lớn máy bay không người lái từ trên không.
* Tunisia mua xe bọc thép Dongfeng Mengshi do Trung Quốc sản xuất
Theo Military Africa, quân đội Tunisia hiện đang sở hữu xe bọc thép chiến thuật Dongfeng Mengshi CSK-131 do Trung Quốc sản xuất. Những chiếc xe này được phát hiện đang chạy trên đường phố thủ đô Tunis với một lớp ngụy trang đặc biệt và sơn cờ Tunisia. Military Africa nhận định rất có thể lực lượng vũ trang Tunisia đang thử nghiệm và đánh giá vận hành xe.
Xe bọc thépDongfeng Mengshi CSK-131 được nhìn thấy trên đường phố Tunis. Ảnh: Military Africa |
Dongfeng Mengshi CSK-131 là phương tiện bọc thép hạng nhẹ được phát triển bởi Tập đoàn ô tô Dongfeng của Trung Quốc. Xe có khung gầm được thiết kế từ mẫu EQ2060 trước đó, trang bị động cơ và thiết bị điện tử mới, tích hợp máy tính cài đặt phần mềm bản đồ kỹ thuật số và hệ thống định vị và liên lạc vệ tinh Beidou, camera nhìn đêm cho lái xe và cửa sau cho binh sĩ lên xuống xe. Dongfeng Mengshi CSK-131 cũng được trang bị tháp pháo điều khiển bằng tay có thể lắp đặt nhiều loại vũ khí khác nhau.
Cùng với Norinco VP11, Dongfeng Mengshi CSK-131 là một trong hai loại xe bọc thép hạng nhẹ chính đang được quân đội Trung Quốc sử dụng. Xe cũng đã được xuất khẩu sang một số nước, trong đó có Nigeria, quốc gia vừa mới nhận lô xe đầu tiên vào tháng 11 vừa qua.
Quân đội Tunisia đã mua nhiều loại phương tiện tác chiến chiến thuật trong những năm gần đây, chủ yếu là từ Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, Tunisia đã nhận một lô xe bọc thép Vuran từ Công ty BMC của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020. Vuran là loại xe bọc thép đa năng, có thể tiến hành nhiều nhiệm vụ khác nhau như chuyển quân, chỉ huy và kiểm soát, trinh sát và vận chuyển thương binh. Quân đội Tunisia hiện cũng đang sử dụng các loại xe bọc thép khác của Thổ Nhĩ Kỳ là Kirpi của Công ty BMC và Ejder Yalçin do Công ty Nurol Makina sản xuất.
* Đã tìm thấy máy bay Osprey bị rơi và thi thể 5 binh sĩ Mỹ
Thời báo Thủy quân lục chiến (Marine Corps Times) cuối ngày 4/12 đăng thông cáo của Không quân Mỹ cho biết, các thợ lặn Mỹ và Nhật Bản đã phối hợp tìm kiếm và phát hiện xác chiếc máy bay Osprey của Không quân Mỹ bị rơi vào tuần trước ngoài khơi Tây Nam Nhật Bản cùng thi thể của 5 thành viên phi hành đoàn. Trước đó, Không quân Mỹ đã tìm được thi thể và nhận dạng được 1 binh sĩ xấu số trên chiếc Osprey.
Một chiếc CV-22 Osprey giống chiếc máy bay xấu số rơi ngoài khơi Yakushima. Ảnh: Không quân Mỹ |
Khi bị rơi ngày 29/11 ngoài khơi đảo Yakushima, chiếc CV-22 Osprey đang chở theo 8 quân nhân Mỹ. Lực lượng trên chiếc máy bay xấu số đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt thuộc Không quân Mỹ cho biết đã trục vớt được 2 trong số 5 thi thể mới được phát hiện nhưng danh tính của 2 nạn nhân này vẫn chưa được xác định. Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn đang nỗ lực trục vớt 3 thi thể còn lại và tiếp tục tìm kiếm 2 thành viên phi hành đoàn vẫn còn đang mất tích.
Thông cáo của Không quân Mỹ nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu là đưa binh sĩ tử nạn về nước và chăm sóc các thành viên trong gia đình họ. Hỗ trợ và bảo đảm quyền riêng tư của gia đình và người thân các nạn nhân trong vụ việc này là ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt”.
- Video: Khám phá tàu ngầm S-81 Isaac Peral của Tây Ban Nha. Nguồn: Báo QĐND.
End of content
Không có tin nào tiếp theo