Quân sự thế giới hôm nay (6/9): Hình ảnh xe tăng Challenger 2 đầu tiên bị bắn hạ tại Ukraine
Trung Quốc điều chỉnh mạnh chính sách tín dụng nhà ở / Mỹ xác nhận huấn luyện phi công Ukraine vận hành máy bay chiến đấu F-16
The Sun đưa tin, trên hướng chiến trường Zaporozhye ở khu vực miền Nam Ukraine, lực lượng Nga đã tiêu diệt xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng Challenger 2 - vốn được coi là hàng “quốc bảo” của Anh viện trợ cho Ukraine. Đoạn phim minh chứng đã được các phóng viên chiến trường Nga đăng tải trên internet.
Hình ảnh trong đoạn video được cho là của chiếc Challenger 2 bị bắn cháy tại Ukraine. Ảnh: Dailymail |
Như vậy, quân đội Nga đã trở thành lực lượng nước ngoài đầu tiên trên thế giới tiêu diệt xe tăng Challenger 2 của Anh. Hiện tại chưa rõ binh sĩ Nga đã dùng vũ khí nào để phá hủy chiếc Challenger 2 nói trên. Việc phá hủy chiếc xe tăng này bởi đối phương trước đây chưa từng được báo cáo.
Trong khi đó, tờ Topwar của Nga nhận định rằng, chiếc xe tăng Challenger 2 xấu số này có lẽ thuộc về lực lượng dự bị cuối cùng của quân đội Ukraine tham gia chiến đấu. Cách đây ít ngày, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine đã tung nốt lực lượng dự bị cuối cùng vào chiến đấu, gồm Lữ đoàn tấn công đường không 82 và 46.
Đoạn video được cho là hình ảnh vềchiếc Challenger 2 bị bắn cháy tại Ukraine. Nguồn: The Sun |
Theo một số nguồn tin, tổng cộng London đã chuyển giao 14 xe tăng Challenger 2 cho Kiev. Khi chưa xuất kích, chúng mặc nhiên vẫn được cho là “tốt nhất thế giới”. Tuy nhiên, nếu hình ảnh trên được xác nhận thì siêu xe tăng này cũng bị Nga vô hiệu hóa như xe tăng Leopard của Đức trước đây. Ưu điểm của Challenger 2 là tầm bắn xa, tỷ lệ chính xác cao, nên thường được dùng để yểm trợ hỏa lực tiêu diệt các phương tiện thiết giáp của đối phương từ xa.
* Nga liên tiếp vô hiệu hóa UAV xâm phạm không phận
Sputnik News dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/9 cho biết, một máy bay không người lái (UAV) đã bị bắn hạ trên bán đảo Crimea khi Ukraine dự định thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga. Nguồn tin không cung cấp thêm thông tin về chủng loại cũng như hướng xuất phát của UAV này.
Động thái diễn ra sau khi TASS đưa tin nhà chức trách Nga tuyên bố cùng ngày bắn rơi ít nhất 3 UAV khác tấn công vùng Kaluga và quận Istra thuộc vùng thủ đô Moscow. Không có báo cáo về thương vong, nhưng một ngôi nhà đã bị hư hại vì mảnh vỡ máy bay ở quận Istra. Tuy nhiên, việc các UAV nhằm vào thủ đô của Nga đã ảnh hưởng đến hoạt động của 3 sân bay tại đây, khiến 50 chuyến bay bị hoãn và 6 chuyến khác bị hủy.
Các ống phóng tên lửa chống tăng được quân đội Nga thu giữ sau khi đẩy lùi nhóm biệt kích tại quận Sevsky của tỉnh Bryansk. Ảnh: Telegram |
Ở một diễn biến liên quan trong ngày 5/9, RIA Novosticho hay, lực lượng biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và các đơn vị của Bộ Quốc phòng Nga đã đẩy lùi nỗ lực xâm nhập của một nhóm biệt kích tại quận Sevsky, tỉnh Bryansk. Phía Nga thu giữ nhiều vũ khí, bao gồm các ống phóng tên lửa chống tăng và đạn dược do phương Tây cung cấp, tại địa điểm diễn ra cuộc đụng độ.
* Pháp có kế hoạch rút quân khỏi Niger
Le Monde ngày 5/9 cho hay, Pháp đã bắt đầu các cuộc đàm phán với một số quan chức quân đội Niger về kế hoạch rút quân khỏi quốc gia châu Phi này sau vụ đảo chính tại đây hồi tháng 7. Tờ báo dẫn một số nguồn thạo tin giấu tên cho biết cuộc đàm phán diễn ra với sự tham dự của các quan chức quân sự mà Pháp hợp tác lâu dài, chứ không phải lực lượng tham gia đảo chính. Ở thời điểm hiện tại, số binh sĩ Pháp rút về và thời gian triển khai kế hoạch rút quân vẫn chưa được xác định.
Máy bay vận tải C-130 chở binh sĩ Pháp tới một căn cứ ở Niger ngày 9/6/2021. Ảnh: AP |
Sau cuộc đảo chính ở Niger, Pháp tuyên bố sẽ chấm dứt hợp tác quân sự và cắt mọi khoản hỗ trợ phát triển cho đất nước này. Tuy nhiên, Pháp bác bỏ lời kêu gọi của lực lượng quân đội tham gia đảo chính về việc rút 1.500 binh sĩ Pháp hiện đang đồn trú tại đây. Hiện Bộ Quốc phòng Pháp chưa có phản ứng trước thông tin trên.
Quan hệ giữa Niger và Pháp nhanh chóng lao dốc sau khi chính quyền Paris bày tỏ ủng hộ Tổng thống bị lật đổ MohamedBazoum. Ngày 3/8, chính quyền quân sự Niger tuyên bố hủy các thỏa thuận quân sự với Pháp và yêu cầu Paris rút quân trong vòng 1 tháng. Trong khi đó, Pháp luôn khẳng định không công nhận chính quyền quân sự ở Niamey, do đó không có ý định thực hiện những yêu cầu của Niger, cho dù liên quan đến binh lính hay đại sứ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo