Quốc tế

Radar Voronezh: “Át chủ bài” hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga

Các trạm radar Voronezh thế hệ mới có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo và nhiều loại mục tiêu khác nhau, sẽ tăng cường sức mạnh cho hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga.

Lính Mỹ khoe siêu cối tự ngắm bắn tại Syria / Chuyên gia Pháp nói xe tăng phương Tây sẽ thất bại mà không cần đánh tại Ukraine

Radar thế hệ mới

Các trạm radarthế hệ mới Voronezh sẽ là nền tảng chính của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga vào năm 2030. Đây là báo cáo của người đứng đầu Trung tâm Cảnh báo Tấn công Tên lửa của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, Đại tá Sergey Suchkov.

Theo đó, khả năng hiện đại hóa cao và các đặc tính cải tiến của tổ hợp radar thế hệ mới sẽ củng cố đáng kể hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga. Ông Suchkov cho biết thêm, việc đưa các trạm Voronezh vào hệ thống cảnh báo sớm sẽ đảm bảo hoàn thành quá trình tái trang bị.

Hệ thống radar Voronezh có ưu điểm là chế tạo dễ dàng và nhanh chóng, cũng như hiện đại hóa phù hợp với nhu cầu hoạt động. Đây là điểm khác biệt đáng kể của chúng so với các radar của các thế hệ trước. Ngoài ra, radar Voronezh tiết kiệm hơn nhiều và có tiềm năng hiện đại hóa lớn hơn, nhờ cấu trúc mô-đun khối.

Các trạm cũ của Nga có kích thước lớn và mức tiêu thụ điện năng cực cao, trong khi các radar mới yêu cầu năng lượng ít hơn 4-5 lần. Các yêu cầu về quy mô nền tảng công nghệ và số lượng nhân viên làm việc tại trạm cũng giảm bớt.

“Đồng thời, các đặc tính kỹ chiến thuật của radar hiện đại không kém hơn so với các loại trước, mà còn vượt trội hơn ở nhiều thông số”, Đại tá Suchkov nhấn mạnh.

Hệ thống radar Voronezh thế hệ mới của quân đội Nga. Ảnh: RIA Novosti

Hiện nay, hệ thống cảnh báo sớm của Nga bao gồm 2 khu vực gồm: Hệ thống mặt đất bao gồm mạng lưới các trạm radar; hệ thống không gian, bao gồm một nhóm vệ tinh phát hiện hoạt động phóng tên lửa đạn đạo.

Nền tảng của hệ thống cảnh báo sớm

Việc tạo ra một hệ thống cảnh báo tấn công bằng tên lửa được Liên Xô đưa ra vào đầu những năm 1960. Giới khoa học quân sự trong nước lúc bây giờ cho rằng, cần phải tìm cách phát hiện sớm các cuộc tấn công bằng tên lửa, và liên tục theo dõi những thay đổi trong không gian.

Năm 1961-1962, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã thông qua một số nghị quyết về việc xây dựng mạng lưới các trạm radar mặt đất dọc theo đất nước. Đặc biệt chú ý đến việc khu vực phía Tây Bắc Liên bang Xô viết.

Vào những năm 1960, các radar thế hệ đầu tiên là 5N15 Dnestr và 5N86 Dnepr, được thiết kế tại Viện Kỹ thuật Vô tuyến thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đã được đưa vào trang bị. Đầu những năm 1970, các trạm radar thế hệ thứ hai 5N79/90N6 Daryal bắt đầu được phát triển.

 

Đồng thời với việc tạo ra mạng lưới radar, hệ thống phòng thủ tên lửa Moscow, có tên gọi là A-135 Amur, đã được phát triển thành công. Khu phức hợp độc đáo này trở thành một phần của hệ thống cảnh báo sớm.

Từ cuối những năm 1980, hệ thống này đã bảo vệ Khu công nghiệp Trung tâm của Liên Xô, với khả năng đẩy lùi một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, hệ thống thống nhất này không còn tồn tại. Chúng bao gồm một số cơ sở chưa hoàn thành và 7 trạm radar nằm ngoài lãnh thổ Nga. Cụ thể là ở Latvia (Skrunda), Belarus (Baranovichi), Ukraine (Mukachevo, Sevastopol), Azerbaijan (Gabala) và Kazakhstan (Balkhash, Gulshad).

Việc khôi phục khả năng cảnh báo sớm của tên lửa bắt đầu từ những năm 2000. Năm 2003, radar 70M6 Volga thế hệ thứ 2 đã được triển khai nhiệm vụ chiến đấu ở Belarus.

Tại Nga, Bộ Quốc phòng nước này đã tiến hành hiện đại hóa các trạm radar đang phục vụ, và đặt hàng sản xuất thêm các radar hiện đại Voronezh-M, do Viện Kỹ thuật Vô tuyến mang tên Viện sĩ A.L. Mintsa phát triển.

 

Trạm radar đầu tiên của dự án Voronezh bắt đầu thử nghiệm trực chiến vào tháng 12-2006 tại khu vực Leningrad. Sau đó, các trạm tiếp theo đã được đưa vào hoạt động ở Vùng Krasnodar, Khu vực Kaliningrad và Irkutsk, Lãnh thổ Krasnoyarsk và Altai, cũng như tại khu vực Orenburg.

Tháng 12-2017, ba trạm radar cuối cùng đi vào hoạt động, vào giúp Nga kiểm soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ tấn công tên lửa của đối thủ tiềm tàng.

Hiện nay, các trạm radar Voronezh-M và phiên bản Voronezh-DM thế hệ mới được thiết kế để phát hiện tên lửa đạn đạo (kể cả tên lửa liên lục địa) trên không, cũng như xác định nhiều loại mục tiêu khác nhau.

Tăng cường khả năng phòng thủ

Tháng 2-2021, hệ thống cảnh báo sớm được cập nhật đã vượt qua các bài kiểm tra cấp nhà nước. Điều này đã được Tổng giám đốc Tập đoàn quốc phòng Nga Vympel Sergey Boev công bố. Cụ thể là “đã hoàn thành thành công các cuộc thử nghiệm đối với hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa nói chung và đài chỉ huy nói riêng”, ông Boev cho biết.

 

Trước đó, trong quá trình hiện đại hóa hệ thống, các kênh truyền dữ liệu đã được cải thiện, các thiết bị định vị và bộ chỉ huy mới đã được đưa vào hoạt động.

Chuyên gia quân sự Viktor Litovkin, trong cuộc phỏng vấn với RT, cho biết, các radar Voronezh 2 tầng thế hệ mới tạo ra một hệ thống đánh chặn dày đặc hơn, và cho phép nhận được thông tin đầy đủ hơn về việc phóng tên lửa của đối thủ.

Theo chuyên gia, hệ thống cảnh báo sớm chỉ là một bộ phận của phòng thủ tên lửa. Nó còn có hệ thống điều khiển không gian và hệ thống phòng thủ tên lửa cho Moscow. 3 thành phần này tạo nên hệ thống phòng thủ tên lửa thống nhất của Nga.

Việc cải tiến một trong những thành phần của hệ thống này giúp gia tăng độ tin cậy của toàn bộ hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa. Ngoài ra, hiện nay, Nga có đầy đủ các công nghệ cần thiết để hiện đại hóa hệ thống, và tăng đáng kể hiệu quả của chúng.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Yuri Knutov nhấn mạnh, việc hiện đại hóa các hệ thống cảnh báo sớm là rất phù hợp, đặc biệt là sau khi Mỹ hủy bỏ các thỏa thuận về không phổ biến vũ khí tên lửa, cũng như sự xuất hiện của các loại vũ khí chiến lược mới của Washington.

 

Ông Knutov cho biết thêm, hệ thống cảnh báo sớm là cần thiết cho hoạt động hiệu quả của các phương tiện đánh chặn tên lửa liên lục địa, như hệ thống A-235 Nudol và S-500.

“Hệ thống không chỉ có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa, mà còn có thể tiêu diệt các vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp bằng phương pháp đánh chặn động năng. Hiện chỉ có 2 quốc gia có vũ khí như vậy là Nga và Mỹ”, chuyên gia kết luận.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm