Quốc tế

Sản lượng lúa mì giảm tại Mỹ sẽ tạo thêm sức ép đối với thị trường quốc tế

Mỹ là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 4 thế giới, nhưng nhiều vấn đề đang ảnh hưởng tới sản lượng trong khi thế giới đang rơi vào khủng hoảng lương thực.

Cập nhật giá heo hơi ngày 30/5/2022: Người nuôi e dè tái đàn khiến giá heo giống giảm mạnh / Giá nông sản ngày 30/5/2022: Cà phê trụ vững ở mức cao, tiêu đạt 73.000 đồng/kg

Dwight Grotberg, một nông dân ở bang North Dakota (Mỹ) muốn trồng thêm nhiều lúa mỳ trong mùa Xuân này, trong bối cảnh giá cả tăng cao kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine. Nhưng mưa lớn đã khiến Grotberg không thể trồng cấy nhiều như mong muốn và những người nông dân ở khắp bang đứng đầu về vụ lúa mì Xuân này cũng vậy. Thay vì tăng nguồn cung, diện tích trồng lúa mỳ ở bang North Dakota nay dự kiến chiếm một tỷ lệ nhỏ nhất từ trước đến nay trên diện tích đất canh tác.

Một cánh đồng lúa mì ở Tioga, bang Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN,

Giá lúa mỳ đã tăng 50% sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát làm giảm gần 1/3 lượng xuất khẩu lúa mỳ của thế giới. Trong khi đó, viễn cảnh thu hoạch kém hơn ở Trung Quốc cũng như nhiều nơi ở châu Âu, sau khi Ấn Độ - nước sản xuất lúa mỳ hàng đầu thế giới - đưa ra lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này, đã làm gia tăng lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu. Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo tác động của cuộc xung đột đối với các mặt hàng ngũ cốc, dầu, khí đốt và phân bón có thể đẩy hàng triệu người vào cảnh đói ăn và sẽ mất nhiều năm để giải quyết vấn đề này.

Washington đã kêu gọi nông dân Mỹ tăng lượng gieo trồng lúa mỳ vụ Đông tới và từ mùa Thu này, chính phủ thậm chí sẽ cho phép trồng lúa mỳ trên một số vùng đất nhạy cảm về mặt môi trường. Nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng hạn hán và chi phí đắt đỏ có thể làm hạn chế sản lượng.

Tại Mỹ có 2 mùa vụ lúa mỳ: vụ Xuân đã được cấy và vụ Đông được gieo trồng vào mùa Thu. Cả hai đều đang gặp vấn đề. Vấn đề của vụ Xuân mà các nông dân giống như Grotberg phải đối mặt là hạn hán ảnh hưởng tới mùa vụ Đông ở bang Kansas, cũng là một bang hàng đầu về lúa mì. Thu hoạch lúa mỳ vụ Đông ở đây đã giảm hơn 25% do hạn hán nghiêm trọng. Nông dân Kansas có thể phải bỏ hàng nghìn mẫu ruộng lúa mỳ trong năm nay, thay vì trả tiền để thu hoạch những hạt khô héo vì hạn hán.

Trong khi đó, tại bang North Dakota, có quá nhiều nước cũng là vấn đề. Một tháng 4 lịch sử đã khiến những thửa ruộng ở nhiều nơi trong bang này chìm sâu dưới hơn 1m tuyết, gây lụt lội khi tuyết tan. Grotberg chỉ có thể trồng khoảng 200 hectare lúa mỳ, tương đương 1/4 diện tích đất mà anh định trồng cấy, vì đất quá ẩm ướt. Hạt được gieo trên đất ẩm ướt có thể khó nảy mầm hoặc nảy không đều, trong khi máy móc hạng nặng khó hoạt động trên những cánh đồng lầy lội. Hiện khả năng gieo trồng của Grotberg đang thu hẹp nhanh chóng. Lúa mì được gieo quá muộn vào mùa Xuân sẽ cho sản lượng thấp hoặc có nguy cơ bị sương giá trước khi chín đủ.

Khí hậu mùa Xuân ẩm ướt chắc chắn sẽ khiến vùng cao nguyên miền Bắc nước Mỹ không có một mùa vụ bội thu năm nay. Đến ngày 22/5, nông dân Mỹ chỉ gieo được 49% diện tích họ định gieo lúa vụ Xuân, tương đương tốc độ gieo vào năm 2014, năm thấp kỷ lục kể từ 1996 (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ).

 

Tại bang North Dakota, nơi sản xuất khoảng 1/2 lúa vụ Xuân của Mỹ, người nông dân chỉ gieo được 27% diện tích, tốc độ chậm thứ hai trong vòng 4 thập kỷ qua. Ủy viên Nông nghiệp bang North Dakota, Doug Goehring cảnh báo nếu bang không thể tăng lương lúa gieo trồng, thì sẽ gây hỗn loạn thị trường toàn cầu.

Tại các vùng cao nguyên miền Nam, người nông dân trồng lúa vụ Đông lại chứng kiến rất ít mưa và đang lo ngại về quy mô mùa vụ tới. Một nhóm tư nhân đi thăm các cánh đồng lúa mì ở bang Kansas giữa tháng 5 dự báo mùa vụ tới tại đây sẽ giảm 28% và sẽ có thêm nhiều cánh đồng rơi vào cảnh không thể thu hoạch do hạn hán. Bộ Nông nghiệp dự báo khoảng 6% diện tích đất trồng ở bang này sẽ bị bỏ hoang. Nhưng do hạn hán, nhà nông học về lúa mỳ tại Đại học Kansas, Romulo Lollato cho rằng tỷ lệ bỏ hoang đồng ruộng có thể sẽ cao hơn, có thể tới 10% trong năm nay. Tại bang Colorado láng giềng, tỷ lệ này thậm chí là 30%.

Mặt khác, sản lượng lúa mỳ tại Mỹ đang giảm về lâu dài do người nông dân thích trồng ngô và đậu nành hơn, những loại cây sinh lời hơn do nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học. Nhu cầu nhiên liệu sinh học có thể sẽ tiếp tục làm thu hẹp diện tích trồng lúa mỳ khi hai nhà máy chế biến đậu nành mới sắp mở cửa ở bang North Dakota. Trong bối cảnh phạm vi trồng lúa ở vùng cao nguyên phía Bắc đang giảm, người nông dân ở North Dakota đang cân nhắc khả năng chuyển đổi sang trồng đậu nành, loại hạt có thể được gieo muộn hơn vào mùa Xuân hoặc trình đơn xin bảo hiểm việc trồng cấy.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm