Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Nhật Bản đáp trả bằng cuộc diễn tập Patriot PAC-3
Khoảng 30 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản đã tiến hành cuộc diễn tập với một tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 tại công viên phòng chống thiên tai Tokyo Rinkai ở Thủ đô Tokyo, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono và Thống đốc Tokyo Yuriko Koike.
Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua Nhật Bản tổ chức diễn tập đánh chặn tên lửa tại một địa điểm công cộng. Hồi tháng 10/2013, quân đội Nhật Bản cũng tiến hành một cuộc diễn tập triển khai PAC-3 vào ban đêm ở một công viên thuộc tỉnh Osaka. "Bằng cách thể hiện khả năng ứng phó nhanh với tên lửa đạn đạo, tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể giúp người dân cảm thấy an toàn", Trung tá Takasuke Maeda, chỉ huy cuộc diễn tập, tuyên bố.
Cuộc diễn tập phòng không của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên tuần trước phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-3. Quả đạn phóng ở góc cao, bay được 450 km, tách làm đôi và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Nếu được phóng ở góc thông thường, Pukguksong-3 có thể đạt tầm bắn 2.000 km, đủ sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản.
Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo Patriot PAC-3 được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).
Cho đến nay, nó là một trong những hệ thống phòng không được phổ biến rộng rãi nhất thế giới (sau S300 của Nga) khi có tới 16 quốc gia đang sử dụng. Khác với S300 chưa một lần ghi nhận thực chiến, hệ thống Patriot PAC-3 đã nhiều lần tham chiến và từng ghi nhận bắn hạ các máy bay và tên lửa của đối phương. Hiện nay phiên bản mới nhất của hệ thống này có có khả năng tiêu diệt mục tiêu với phương thức "Hit-to-Kill" tức truy đuổi và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì dùng đầu đạn nổ mảnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo