Sau sắc lệnh rút quân khỏi Syria, ông Trump sẽ gia tăng áp lực lên Hàn Quốc?
(DNVN) - Sắc lệnh rút lính Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng đồn đoán chính quyền Tổng thống Trump sẽ gia tăng sức ép lên Hàn Quốc về chia sẻ chi phí để duy trì các binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK).
Sau Syria, ông Trump tính rút quân Mỹ khỏi "vũng lầy" Afghanistan / Thủ lĩnh người Kurd bỏ mạng trong cuộc đụng độ với dân thường ở Đông Syria
Giới phân tích nhận định rằng, quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria là phép thẻ chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump nhằm giảm gánh nặng tài chính của Mỹ đối với quốc phòng toàn cầu và để các quốc gia đồng minh gánh thêm trách nhiệm.
Theo các chuyên gia phan tích, phép thử của ông Trump sẽ được mở rộng sang các khu vực khác, trong đó có Hàn Quốc - quốc gia đạt được ít tiến bộ với Mỹ trong các cuộc đàm phán về chi phí duy trì các binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Ông Trump từng cáo buộc Hàn Quốc "đi xe miễn phí" của Mỹ và cho rằng việc Seoul đóng góp 866 triệu USD mỗi năm cho Mỹ để duy trì sự hiện diện của 28.500 binh lính Mỹ tại Hàn Quốc là không thấm vào đâu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong các cuộc thương lượng về Thỏa thuận Các biện pháp Đặc biệt (SMA), một hợp đồng quốc phòng 5 năm chấm dứt vào ngày 31/12, chính quyền Tổng thống Trump muốn Seoul phải trả 150% so với mức quy định trong thỏa thuận hiện tại, tương đương với 1,2 tỷ USD.
"Trong bối cảnh hiện tại, việc rút quân khỏi Syria cho thấy chính quyền Tổng thống Trump sẽ không chỉ đơn giản từ bỏ yêu cầu của họ đối với Hàn Quốc về gánh chịu một khoản đóng góp đáng kể để chia sẻ chi phí quốc phòng", ông Park Won-gon, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Hangdong nhận định.
Việc sửa đổi - đã được Ủy ban phụ trách vũ trang của Hạ viện Mỹ thông qua - kêu gọi duy trì số lượng lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc là 22.000 người. Động thái này dường như sẽ giải quyết mối lo ngại của các chính trị gia chủ đạo Mỹ về khả năng rút lực lượng Mỹ giữa lúc quan hệ liên Triều đang tan băng.
"Nhưng ngay cả khi ông ấy không thể đưa lính Mỹ về nước, ông Trump có thể tìm kiếm những cách khác để ép Hàn Quốc, chẳng hạn như yêu cầu họ trả thêm tiền bất cứ khi nào các tài sản chiến lược của Mỹ - chẳng hạn như máy bay ném bom B-2 - được triển khai trên đất Hàn Quốc", ông Park chia sẻ.
Giới chuyên gia nhận định, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chức nhằm phản đối quyết định rút lính Mỹ khỏi Syria của ông Trump sẽ khiến cho các cuộc thương lượng với Hàn Quốc khó khăn hơn.
Ông Mattis là một trong số ít những cố vấn an ninh quốc gia có khả năng thuyết phục ông Trump nắm bắt điều quan trọng của lợi ích an ninh dài hạn so với những lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thất bại trong các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự sẽ không dẫn đến việc rút USFK.
Nhưng ông Kim Hyun-wook, Giáo sư đến từ Học viện Ngoại giao, cho biết sẽ 'không có phanh hãm lên chính sách đối ngoại thiếu kinh nghiệm và thiển cận của ông Trump" sau khi ông Mattis từ chức.
"Ông Mattis đã hiểu tầm quan trọng chiến lược của lực lượng Mỹ trên toàn cầu và sự ra đi của ông ấy đồng nghĩa với việc Washington sẽ tập trung nhiều hơn vào lợi ích tài chính khi liên minh với Seoul", ông Kim Hyun-wook phân tích.
Minh Thu (Theo Korea Times)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo