Hệ lụy từ quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump
Soi trực thăng săn ngầm đáng kiêng nể bậc nhất của Hải quân Mỹ / Top 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về môi trường kinh doanh
Các binh sĩ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại Manbij, Syria hôm 1/11. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump ngày 19/12 tuyên bố lực lượng quân sự Mỹ đã thực hiện thành công sứ mệnh đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, do vậy sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Đông này không còn cần thiết.
Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về lộ trình cho việc rút quân khỏi Syria. Tuy nhiên, quyết định rút quân toàn bộ, dự kiến diễn ra trong vài tháng tới, đồng nghĩa với việc khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ sẽ kết thúc chiến dịch giành lại các vùng lãnh thổ từng bị IS chiếm đóng trước đây tại Syria.
Quyết định rút quân cũng khiến Mỹ không còn nhiều lựa chọn trong việc ngăn IS hồi sinh trở lại. Ngoài ra, quyết định này còn khiến Mỹ mất đi điểm tựa trong khu vực và làm suy giảm những nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 8 năm của Syria.
Ý định rút quân của Tổng thống Trump ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích từ một số nghị sĩ Cộng hòa. Họ cho rằng việc quân đội Mỹ rời khỏi Syria càng tạo điều kiện thuận lợi cho Nga và Iran - hai lực lượng ủng hộ chính quyền Syria.
Quyết định rút quân của Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của liên minh người Kurd-Arab do Washington hậu thuẫn tại Syria. Liên minh này đã phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống IS, song đang bị đe dọa khi Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc tiến hành đợt tấn công mới tại Syria.
Tổng thống Trump là người rất cẩn trọng với các cuộc xung đột không giới hạn ở nước ngoài. Quyết định rút quân khỏi Syria của ông làm dấy lên nhiều nghi vấn về việc liệu ông có tiếp tục xem xét lại cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan, nơi lực lượng Mỹ tác chiến từ năm 2001, hay không.
Người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ
Một trong những lực lượng cảm thấy lo ngại nhất khi Mỹ rút quân khỏi Syria là các tay súng người Kurd. Đây là lực lượng nòng cốt của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), kiểm soát khoảng 1/4 lãnh thổ Syria với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần này tuyên bố sẽ quét sạch các tay súng thuộc Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd, lực lượng mà ông Erdogan cho là có liên hệ với Đảng Công nhân Người Kurd (PKK). PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ luôn phải hành động cẩn trọng từng bước một tại Syria vì lo ngại rằng bất kỳ động thái nào gây tổn thương cho binh sĩ Mỹ cũng sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng. Nếu Mỹ rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "rảnh tay" hành động đối với đồng minh người Kurd của Washington tại Syria.
Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Mỹ cho biết đã phê chuẩn thỏa thuận tên lửa trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng khiến Mỹ "nóng mặt" khi ký thỏa thuận mua vũ khí của Nga.
Tổ chức khủng bố IS
Tổng thống Donald Trump phát biểu trước các quân nhân Mỹ. (Ảnh: Getty)
Các tay súng người Kurd, lực lượng đang đứng ở tiền tuyến trong cuộc chiến chống IS tại Syria, chắc chắn sẽ phải chuyển trọng tâm nếu bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
Mỹ cho đến nay vẫn chưa tuyên bố sẽ dừng các cuộc không chiến tại Syria. Tuy nhiên, Washington sẽ trông cậy ít hơn vào các thông tin tình báo khi không còn triển khai lực lượng binh sĩ trên mặt đất.
Những ý kiến chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump lưu ý rằng IS đã hồi sinh tại Iraq sau khi cựu Tổng thống Barack Obama, người muốn chấm dứt chiến dịch quân sự từ thời chính quyền tiền nhiệm, rút quân khỏi nước này.
Theo Ilan Goldenberg, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ và hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, lực lượng kế cận của IS có thể sẽ tái sinh, từ đó lại thôi thúc Mỹ tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự mới.
"Chúng ta sắp lặp lại đúng sai lầm tại Trung Đông mà chúng ta từng mắc đi mắc lại nhiều lần trong suốt 20 năm qua", ông Goldenberg viết trên Twitter.
Nga và Iran
Trong khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, Nga và Iran, hai lực lượng hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar Assad, chưa cho thấy dấu hiệu sẽ rời đi.
Nga vẫn luôn coi Syria, một đồng minh lâu năm của Moscow, là "quân bài" chiến lược để khôi phục vai trò toàn cầu của nước này. Trong khi đó, Iran, nhà nước cộng hòa Hồi giáo Shiite, luôn nhận thấy sự cấp thiết trong việc đấu tranh chống lại lực lượng Hồi giáo Sunni cứng rắn cũng như bảo vệ Tổng thống Assad.
Jonas Parello-Plesner, nhà ngoại giao Đan Mạch tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Washington, cho rằng quyết định rút quân của Tổng thống Trump sẽ đặt Nga vào vị thế của quốc gia bảo trợ quyền lực tại Syria.
Châu Âu
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rowhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: AFP)
Mặc dù IS đã mất gần như toàn bộ địa bàn hoạt động tại Syria, song tổ chức này được cho là vẫn còn hàng nghìn tín đồ sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công ở nước ngoài, trong đó có nhiều đối tượng đang trà trộn vào người dân địa phương ở châu Âu.
Quyết định rút quân đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ bỏ rơi Pháp, quốc gia vẫn đang duy trì một lực lượng đặc nhiệm quy mô nhỏ tại Syria, và Anh, quốc gia được cho là đã âm thầm triển khai nhiều binh sĩ tại Syria.
Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt nhận định việc Mỹ rút quân sẽ là chiến thắng đối với Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, "vây cánh" của Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Syria.
"Quyết định đó khiến châu Âu trở nên dễ bị tổn thương hơn, và cũng cho thấy chúng ta đã sai lầm như thế nào khi không có một lực lượng phòng vệ để giúp ổn định các khu vực lân cận của chúng ta", ông Guy viết trên Twitter.
Mỹ
Quyết định của Tổng thống Trump có thể tác động tới chính trị Mỹ. Tương tự người tiền nhiệm, ông Trump đã kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động can thiệp quân sự ở nước ngoài trong dài hạn vì cho rằng đây là động thái tốn kém và không nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
Quyết định của Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản đối của cả phe Dân chủ, những người cho rằng ông chủ Nhà Trắng chưa suy nghĩ thấu đáo, và phe Cộng hòa, những người lo sợ tác động về địa chính trị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo