SCMP: Trung Quốc sẽ bị "réo tên" trong loạt hội nghị của Tổng thống Biden ở châu Âu
BƯỚC NGOẶT: Ukraine đang đàm phán bảo đảm an ninh với Mỹ - Anh - Đức - Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ / Phương Tây tìm cách loại Nga khỏi G20: Ông Putin vẫn định tới thượng đỉnh như bình thường
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, các nhà lãnh đạo của Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ thảo luận về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine tại một loạt các hội nghị thượng đỉnh lớn vào hôm 24/3 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Brussels hôm 23/3.
Vấn đề về thái độ của Trung Quốc
Ông Biden sẽ tham dự các cuộc họp của Hội đồng châu Âu, NATO và Nhóm 7 quốc gia G7 vào hôm 24/3 sau đó sẽ tới Ba Lan vào hôm 25/3. SCMP nhận định, quan điểm của Trung Quốc đối với chiến dịch quân sự của Nga sẽ là một chủ đề chính bởi ông Biden cần đảm bảo rằng các đồng minh không có quan điểm sai về Bắc Kinh trước hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc rất quan trọng vào tuần tới.
Các quan chức cấp cao của EU mong đợi, ông Biden sẽ đề cập lại thông điệp về sự hỗ trợ tiềm năng của Trung Quốc đối với Moscow trong phương diện quân sự đồng thời né tránh các biện pháp trừng phạt về kinh tế áp đặt lên Nga. Cũng có nhiều đồn đoán cho rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa ra cứu cánh về kinh tế cho Moscow.
Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ Jake Sullivan cho biết, tổng thống Biden "chắc chắn sẽ tham khảo ý kiến về việc liệu Trung Quốc có khả năng tham gia vào xung đột Ukraine trong quá trình ông ở Brussels. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có cùng quan điểm với châu Âu và chúng tôi sẽ có tiếng nói chung về vấn đề này."
SCMP cũng dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao cho biết, EU muốn gửi thông điệp sắc bén tới Bắc Kinh rằng việc ủng hộ Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine là không chấp nhận được. Nhà ngoại giao EU cũng chỉ ra, EU sẵn sàng chịu đòn kinh tế lớn bằng cách trừng phạt Nga.
Một nhà ngoại giao khác nhận định, "sẽ có tổn hại tới mối quan hệ của 2 bên (Trung Quốc - EU) nếu Bắc Kinh ủng hộ Nga."
Thời điểm quan trọng trong mối quan hệ EU-Trung Quốc
Trong khi đó tại NATO, sẽ có cuộc tranh luận về việc Bắc Kinh từ chối lên án Moscow, với việc lãnh đạo liên minh coi Bắc Kinh có sự ủng hộ ngầm đối với Tổng thống Putin.
"Những gì chúng tôi thấy là Trung Quốc đã không lên án chiến dịch quân sự," Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm 23/3.
Ông Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP
Cũng theo ông Stoltenberg, các nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy để Trung Quốc lên án Nga, trong bối cảnh lo ngại rằng tuyên bố chung của Bắc Kinh với Moscow vào ngày 4/2 trong đó nói rằng 2 quốc gia này có quan hệ đối tác "không giới hạn", sẽ là báo hiệu cho một mối đe dọa mới đối với an ninh châu Âu.
Mặc dù vậy, bề ngoài, EU vẫn tiếp tục ưu tiên duy trì liên lạc chắc chẽ với Bắc Kinh với hy vọng rằng EU có thể gây ra ảnh hưởng đối với Nga và giúp cuộc chiến ở Ukraine kết thúc. Phát biểu tại Nghị viện châu Âu hôm 22/3, lãnh đạo phụ trách thương mại của khối Valdis Dombrovskis cho biết, ông không muốn thấy sự phân cực hoặc đẩy Trung Quốc vào với Nga.
Một số quốc gia thành viên cũng đã lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục tiếp cận ngoại giao.
Trong một cuộc trao đổi tại cuộc họp với các đại sứ EU vào cuối tuần trước, Đức kêu gọi cần thận trọng nếu không EU sẽ vô tình đẩy Trung Quốc lại gần Nga, tuy nhiên các đặc phái viên của nước này tỏ ra cương quyết rằng Bắc Kinh phải nhận thức được nước này đang ở "thời điểm quyết định" trong mối quan hệ EU-Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới.
https://soha.vn/scmp-trung-quoc-se-bi-reo-ten-trong-loat-hoi-nghi-cua-tong-thong-biden-o-chau-au-20220324181806248.htmEnd of content
Không có tin nào tiếp theo