Quốc tế

Soi uy lực của pháo tự hành Malva Nga mới đưa vào chiến đấu ở Ukraine

Pháo tự hành bánh lốp 2S43 Malva của Nga đã được đánh giá cao nhờ thiết kế bảo vệ tính mạng của quân nhân Nga cũng như tập trung vào cải thiện khả năng cơ động.

Moscow nói gì khi Mỹ tiết lộ Patriot bắn hạ máy bay AWACS A-50? / Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Hệ thống tác chiến điện tử Nga tốt nhất thế giới

Pháo tự hành 2S43 Malva hoàn toàn mới dành cho tác chiến phản pháo đã tham gia hoạt động thực chiến đầu tiên tại khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở vùng Kharkov. Lực lượng Nga đã sử dụng pháo Malva để phá hủy các cây cầu của Ukraine ở hướng này.

Việc thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới tại các khu vực chiến sự cho phép nhà sản xuất thu thập dữ liệu từ đó cải thiện và hoàn thiện sản phẩm. Điều này giúp xác nhận hiệu suất và độ tin cậy của các sản phẩm quốc phòng trong điều kiện chiến đấu thực tế.

Việc đưa vũ khí vào thực chiến cũng cho phép xác định bất kỳ điểm yếu hoặc sai sót nào mà chúng không thể phát hiện trong điều kiện thử nghiệm mô phỏng, cũng như nhận được phản hồi đánh giá từ chính những binh sĩ vận hành.

2S43 Malva do công ty nhà nước Rostec của Nga phát triển. Các cuộc thử nghiệm bắt đầu từ năm 2021 và đã hoàn tất thành công vào tháng 5/2023. Lô pháo tự hành 2S43 Malva đầu tiên đã được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Nga vào tháng 10/2023.

Malva là loại pháo gắn trên xe tải với những điểm đặc trưng riêng, giúp nó có tính cơ động cao và khó bị đối phương phát hiện.

Pháo tự hành 2S43 Malva của Nga. Ảnh: Sputnik

Pháo tự hành 2S43 Malva của Nga. Ảnh: Sputnik

Nhẹ và cơ động
Khả năng cơ động là chìa khóa sinh tồn của pháo binh. Malva là pháo tự hành đầu tiên của Nga sử dụng khung gầm bánh lốp. Khung gầm BAZ-6010-02 8x8 do Nhà máy ô tô Bryansk sản xuất.

Malva nhẹ hơn và cơ động hơn nhiều so với pháo tự hành cùng cỡ nòng Msta-S 152mm của quân đội Nga. Trọng lượng chiến đấu của pháo Malva là 32 tấn, có thể được vận chuyển bằng máy bay Il-76.

Khẩu pháo 2A64 152 mm tích hợp được gắn trên khung của hệ thống bánh lốp, giúp phát huy tối đa khả năng di chuyển nhanh chóng vào vị trí, triển khai, khai hỏa rồi rút đi.

Nhờ động cơ diesel YaMZ-8424.10 mạnh mẽ, công suất 470 mã lực, phương tiện chiến đấu mới này có khả năng tăng tốc lên tới 80 km/h. Malva có thể đi được quãng đường 1.000 km liên tục mà không cần tiếp nhiên liệu, gấp đôi so với Msta-S.

Cabin ở phần phía trước của khung xe đủ chỗ cho tổ lái gồm 5 người. Phần trung tâm là nơi chứa đạn dược. Bệ pháo được bố trí ở phía sau xe.

 

Độ chính xác cao

Tầm bắn của Malva là 24 km đối với đạn nổ mạnh (HE) và 28 km khi sử dụng đạn RAP. Tầm bắn có thể lên tới 43 km khi sử dụng loại đạn pháo dẫn đường chính xác 2K25 Krasnopol mới nhất.

Hiện tại, các hệ thống pháo bánh lốp như CAESAR của Pháp, Archer của Thụy Điển và Bogdana do Ukraine sản xuất có thể bắn đạn nổ mạnh lên tới khoảng cách 40 km. Việc sử dụng đạn Krasnopol cho phép các đơn vị pháo binh Nga vượt trội hơn đối thủ về tầm bắn.

Pháo 2S43 Malva có khả năng nâng hạ nòng nhanh chóng để liên tiếp khai hỏa nhiều phát đạn, đảm bảo các viên đạn rơi xuống mục tiêu cùng lúc. Thiết bị trên phương tiện giúp hợp lý hóa quy trình nạp đạn và cho phép định hướng bắn tự động.

Với tốc độ bắn lên tới 7 phát mỗi phút và khả năng mang theo vài chục quả đạn pháo, 2S43 Malva là vũ khí lợi hại trên chiến trường. Ngoài ra, nó còn được trang bị một bộ phát điện khép kín để đảm bảo cung cấp điện liên tục.

Malva nổi tiếng với độ chính xác, tầm bắn, tốc độ bắn và tính cơ động, khiến nó trở thành vũ khí lý tưởng để hỗ trợ hỏa lực cơ động.

 

Do sử dụng khung gầm xe tải cũng như tối giản trong thiết kế, vì thế chu trình sản xuất 2S43 Malva sẽ rẻ, nhanh và đơn giản hơn đáng kể so với pháo tự hành bánh xích. Malva là một lựa chọn tiết kiệm chi phí do yêu cầu bảo trì chỉ ở mức tối thiểu trong khi niện hạn sử dụng tương đối dài.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm