Starstreak không phải là vũ khí thần diệu trên chiến trường
Châu Âu mâu thuẫn trong việc sử dụng điều hòa nhiệt độ / Nga tuyên bố chặn đứng cuộc vượt sông Dnieper của Ukraine
Starstreak, còn được gọi là Tên lửa tốc độ cao (HVM), đã được Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga, được báo chí phương Tây ca ngợi rộng rãi.
Tuy nhiên, các nhà quan sát quân sự Nga cho rằng hệ thống tên lửa đã được đánh giá quá cao so với năng lực thực tế.
"Startreak còn lâu mới trở thành 'vũ khí kỳ diệu' có thể giải quyết mọi vấn đề và lấp đầy khoảng trống của Lực lượng Vũ trang Ukraine", Tiến sĩ Andrei Koshkin, học giả kỳ cựu của Nga chuyên về các vấn đề quân sự và quốc tế cho biết.
Vậy hệ thống tên lửa Starstreak là gì và nó hoạt động như thế nào?
Hệ thống Starstreak khai hỏa.
Starstreak hoạt động như thế nào?
Starstreak là một tên lửa đất đối không tầm ngắn có thể được sử dụng như một hệ thống phòng không cơ động (MANPADS) hoặc được tích hợp trong các bệ phóng hạng nhẹ (LML) loại đứng di động mang theo ba quả đạn.
Hệ thống tên lửa tốc độ cao Starstreak cũng có thể được gắn trên nền tảng xe bọc thép Alvis Stormer để biến nó thành một hệ thống phòng không tầm ngắn di động.
Starstreak MANPADS được sử dụng để nhắm mục tiêu máy bay cánh cố định, máy bay trực thăng và các loại máy bay khác như máy bay không người lái (UAV). Tên lửa tự hào có phạm vi tấn công xa tới 7 km, tốc độ Mach 3.0 (khoảng 3.675 km mỗi giờ) và có thể đạt độ cao 1km.
Vũ khí bao gồm ba phi tiêu (đầu đạn) vonfram và một thiết bị phóng chạy bằng động cơ tên lửa. Sau khi được phóng ra khỏi thiết bị mẹ, phi tiêu được tăng tốc lên hơn Mach 3.0. Vận tốc của phi tiêu cho phép Starstreak xuyên thủng các mục tiêu bọc thép dày.
Theo nhà sản xuất, chùm tia laze của hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ dẫn đường cho tên lửa để đảm bảo độ chính xác vượt trội trong khi hoàn toàn không gây nhiễu.
Tại sao quá trình sản xuất của Starstreak bị tạm dừng?
Starstreak đã được sử dụng trong quân đội Anh từ năm 1997, được sản xuất bởi Thales Air Defense (trước đây là Shorts Missile Systems) ở Belfast, Bắc Ireland.
Tuy nhiên, vào năm 2012, Thales đã ngừng sản xuất các hệ thống tên lửa này, được cho là vì hãng chuyển sang sản xuất Tên lửa đa năng hạng nhẹ (LMM) cho trực thăng chiến đấu Wildcat Lynx của Hải quân Hoàng gia Anh.
Các quan chức của công ty cho biết vào thời điểm đó rằng họ đã đồng ý với Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh về sự cần thiết phải phân bổ lại ngân sách đã ký hợp đồng trước đó để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển toàn diện, sản xuất hàng loạt và giới thiệu LMM.
Ưu điểm và nhược điểm của Starstreak?
"Hệ thống phòng không di động là một phát minh quân sự đặc trưng bởi các thông số như độ cao, phạm vi và hiệu quả tấn công mục tiêu rất tốt.
Ưu điểm của chúng là nó có tốc độ tên lửa cực cao lên đến Mach 3 hoặc hơn. Điểm quan trọng tiếp theo khiến nó vượt trội so với các tên lửa khác là nó phóng ba phi tiêu đi theo hướng của mục tiêu.
Ba trong một là rất ấn tượng so với những vũ khí khác cùng phân khúc. Thiết kế đặc biệt làm tăng khả năng bắn trúng mục tiêu lên gấp ba lần", Koshkin nói.
Ngoài ra, hệ thống này có thể được lắp trên xe bọc thép, tàu chiến... Cùng với phạm vi tấn công được báo cáo là 7 km và tốc độ cao, Starstreak dường như có lợi thế hơn các MANPADS khác của phương Tây.
Tuy nhiên, vẫn có vấn đề: Đầu tiên, hệ thống tên lửa yêu cầu người điều khiển dẫn đường tên lửa trong suốt quá trình tham gia, trong khi các tên lửa MANPADS khác chủ yếu hoạt động ở chế độ "bắn và quên".
Người điều khiển sử dụng bộ ngắm chiếu hai chùm tia laser vào mục tiêu, trong khi các cảm biến của tên lửa phải tính toán các vị trí cho đến khi va chạm.
"Điều này, tất nhiên, làm phức tạp công việc của người điều khiển. Nguyên tắc bắn và quên có nghĩa là [trắc thủ] thực hiện một phát bắn và sau đó tìm nơi ẩn nấp để cứu mạng anh ta.
Tại sao? Bởi vì sau khi tên lửa đã được được phóng ra, người ta có thể ngay lập tức phát hiện ra vị trí của người điều khiển MANPADS.
Trong khi đó, Starstreak bắn và sau đó giữ cho mục tiêu được lấy nét nhưng chưa chắc đã hiệu quả bởi bầu trời trên chiến trường hầu như luôn mờ mịt, làm giảm cơ hội đánh trúng mục tiêu", Koshkin giải thích.
Thứ hai, tên lửa không phải là rẻ. Trên thực tế, nó đắt hơn một tên lửa Stinger, theo các nguồn mở. Do đó, giá tên lửa của Starstreak vào khoảng 100.000-130.000 bảng Anh (127.000- 168.740 USD) trong khi tên lửa của Stinger có giá khoảng 119.000 USD.
Điều đó có nghĩa là lực lượng được trang bị không thể lãng phí tên lửa do Anh sản xuất cho vô số máy bay không người lái rẻ hơn trong khu vực chiến sự, theo Koshkin.
Starstreak đã được chứng minh là hiệu quả ở Ukraine chưa?
Theo Koshkin, mặc dù được quảng cáo là "vũ khí kỳ diệu", Starstreak vẫn chưa "phát huy tác dụng" trên chiến trường Ukraine.
Vị chuyên gia này lưu ý rằng giới quân sự Anh tuyên bố rằng MANPADS Starstreak đã được sử dụng ở Ukraine để chống lại máy bay không người lái và thậm chí cả trực thăng của Nga.
Tuy nhiên, những báo cáo này đã không được hỗ trợ bởi bằng chứng chắc chắn; hơn nữa, không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào chứng minh rằng Starstreak vượt trội so với các hệ thống tên lửa di động khác đang được Lực lượng Vũ trang Ukraine sử dụng.
Đầu tháng 3 năm 2022, báo chí phương Tây thông báo rằng bộ quân sự Anh đã lên kế hoạch cung cấp cho quân đội Ukraine các MANPADS Starstreak tối tân.
Vài ngày sau, Bộ Quốc Phòng Anh xác nhận thông tin này, trong khi vào tháng 4 năm 2022, Ukraine và phương Tây bắt đầu đưa ra các báo cáo tuyên bố rằng MANPADS của Anh đã bắn rơi máy bay và trực thăng của Nga.
Để hỗ trợ câu chuyện của mình, họ đã đính kèm các bức ảnh và đoạn phim có chất lượng cực kỳ kém, không cho phép xác định mục tiêu hoặc vũ khí được sử dụng để bắn hạ chiếc trực thăng.
Theo các nguồn tin mà Tiến sĩ Andrei Koshkin được tiếp cận, việc sử dụng thành công Starstreak bị cáo buộc là do một thỏa thuận bí mật giữa quân đội Ukraine và Anh nhằm quy hầu hết các vụ phóng tên lửa thành công cho các MANPADS Starstreak.
Do đó, phía Ukraine đã quảng cáo loại vũ khí này "để đổi lấy" nguồn cung cấp.
Theo các ấn phẩm chuyên phân tích quân sự của Nga, khả năng thực tế của các MANPADS hiện đại của Anh không ấn tượng như quảng cáo của nhà sản xuất.
Trong điều kiện chiến trường nhiều khói bụi, hệ thống dẫn đường đặc biệt của Starstreak đã được chứng minh là vô dụng, góp phần lớn vào hiệu quả thấp của các lần phóng.
Vũ khí phương Tây có vượt trội so với vũ khí tương tự của Nga?
Tiến sĩ Andrei Koshkin nói: "Chúng tôi có vũ khí không thua kém, thậm chí ở một số khía cạnh còn vượt qua vũ khí của tất cả các lực lượng vũ trang trên toàn thế giới.
Tôi đang nói về tên lửa siêu thanh và về tác chiến điện tử. Vì vậy, không thể nói rằng người Anh sở hữu 'vũ khí kỳ diệu' có khả năng giải quyết các vấn đề do hàng không Nga tạo ra".
Nga sẽ luôn có các phương tiện phòng thủ để đáp trả các đối thủ của mình khi các nhà sản xuất vũ khí của Nga có đủ quân bài để cạnh tranh với tổ hợp công nghiệp-quân sự phương Tây, Koshkin nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo