Quốc tế

Su-30MK2 Việt Nam có thể tích hợp tên lửa không đối không Astra Ấn Độ?

DNVN - Ấn Độ từng nhiều lần tuyên bố rằng với quan hệ đối tác tốt đẹp, họ sẵn sàng bán cho Việt Nam những loại vũ khí tiên tiến nhất của mình.

Nga khoe tiêm kích MiG-31K mang tên lửa siêu thanh “bất khả chiến bại” / Tại sao Arrow 3 của Israel lại đáng sợ hơn cả S-400 Nga và Patriot Mỹ?

Việt Nam - Ấn Độ là đối tác chiến lược có vị trí quan trọng hàng đầu đối với nhau, hai đất nước đã triển khai rất nhiều chương trình hợp tác cả về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... trong đó điểm sáng nhất chính là quốc phòng.

Hiện New Delhi là nơi cung cấp công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Ví dụ điển hình có thể kể ra đây như chương trình đào tạo phi công lái Su-30, huấn luyện kíp tàu ngầm Kilo, hiện đại hóa tàu săn ngầm Petya... hay mới nhất là gói tín dụng ưu đãi trị giá 500 triệu USD.

Bên cạnh đó, Ấn Độ còn nhiều lần khẳng định họ sẵn sàng bán cho Việt Nam những loại vũ khí tiên tiến nhất của mình bao gồm tên lửa đối đất Prithvi, tên lửa chống hạm BrahMos, tổ hợp tên lửa phòng không Akash, trực thăng hạng nhẹ LCH...

Ngoài các vũ khí kể trên, một chủng loại nữa được đánh giá cũng có tiềm năng rất cao chính là tên lửa không đối không Astra do quốc gia Nam Á này chế tạo.

Tên lửa không đối không Astra dưới cánh tiêm kích Su-30MKI. Ảnh: Wikipedia.

Tên lửa không đối không Astra dưới cánh tiêm kích Su-30MKI. Ảnh: Wikipedia.

Astra là sản phẩm của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), đây là loại tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn tiên tiến, được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí không chiến chủ lực trang bị cho các chiến đấu cơ hiện tại và tương lai của Không quân Ấn Độ.

Thiết kế của Astra phần nào mang ảnh hưởng từ R-77 của Nga khi có kết cấu cánh lái khá tương đồng, nó sử dụng cơ chế dẫn hướng kết hợp quán tính, cập nhật tham số mục tiêu và radar chủ động giai đoạn cuối (phạm vi tìm kiếm tối đa khoảng 25 km). Ngoài ra tên lửa còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ, đảm bảo xác suất trúng đích cao.

Tầm bắn của Astra đạt khoảng 110 km khi phóng ở độ cao 15 km, 44 km ở độ cao 8 km và 21 km khi phóng ở sát mực nước biển. Sau khi hoàn thành phiên bản Mk 1 vào ngày 28/6/2016, DRDO dự định phát triển biến thể Astra Mk 2 có tầm bắn lên đến 150 km.

Theo đánh giá của giới quân sự, hiệu suất chiến đấu của Astra nằm khoảng giữa AIM-120C7 và AIM-120D, giá thành của Astra hiện tại vào khoảng 1 triệu USD/quả, nhưng khi bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt thì con số trên dự tính sẽ chỉ còn 700.000 USD (so với 850.000 USD của AIM-120C7 hay 1,5 triệu USD của AIM-120D).

 

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam trực ban tác chiến với tên lửa R-27 và R-73 treo dưới cánh. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam trực ban tác chiến với tên lửa R-27 và R-73 treo dưới cánh. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Hiện nay kho tên lửa đối không trang bị cho tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam bao gồm các chủng loại R-27, R-73, R-60 và R-77, chúng đều do Nga sản xuất và có trong biên chế của khá nhiều lực lượng không quân trên thế giới.

Nếu được bổ sung thêm một loại tên lửa như Astra, Su-30MK2 hay Su-27SK/UBK sẽ có một vũ khí mà đối phương chưa biết rõ tính năng tác dụng, từ đó tạo ra lợi thế nhất định trong trường hợp xảy ra giao chiến.

 

Khác với Python 5 hay Derby đang nằm trong hệ thống phòng không SPYDER sẽ đòi hỏi viết lại phần mềm, thiết kế giá treo đặc biệt để gắn lên Su-30MK2, Astra dự báo không gặp phải bất cứ trở ngại nào do nó đã được thử nghiệm thành công trên Su-30MKI - một chiếc tiêm kích khác do Nga chế tạo.

Tuy nhiên một yếu tố nữa rất cần cân nhắc đó là vũ khí của Ấn Độ từ lúc thử nghiệm đến khi hoàn thiện là cả một quãng đường dài, tính năng của chúng đôi khi không đạt yêu cầu đề ra, điển hình như dự án tiêm kích hạng nhẹ LCA Tejas hay xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun.

Tên lửa Astra cũng vậy, cho dù thông số của nó khá ấn tượng nhưng lại chưa trải qua quá trình "thử lửa" đủ tin cậy, chưa bảo đảm rằng sẽ không phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sử dụng. Bởi vậy, có lẽ thời điểm hiện tại chưa thực sự thích hợp để nghĩ tới việc mua sắm loại vũ khí này nhằm trang bị cho Su-30MK2.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm